Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 1/12/2023 9:48'(GMT+7)

Kinh tế dược liệu Việt Nam – Thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã

Gian trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Sơn

Gian trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Sơn

Việt Nam hiện có 4.000 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loài khoáng vật và gần 410 loài động vật làm thuốc, trong đó có nhiều loại dược liệu quý được thế giới công nhận như cây hồi, quế, atisô, sâm Ngọc Linh... Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính đạt khoảng 100.000 tấn/năm.Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Điều này đã cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. 

Hình tổng quan mô hình dược liệu của Việt nam, các vùng điển hình

Hình tổng quan mô hình dược liệu của Việt nam, các vùng điển hình

Theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tổng quát xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý; Phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới.

QUY HOẠCH 8 VÙNG DƯỢC LIỆU TRỌNG ĐIỂM

Việt Nam quy hoạch 8 vùng dược liệu trọng điểm để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài, sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu mỗi năm.

Theo quy hoạch, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Việc quy hoạch 8 vùng trồng dược liệu này cũng trùng khớp với cách phân chia địa lý của Việt Nam theo yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng và sinh thái.

Hình ảnh các vùng dược liệu tiêu biểu (chọn hình ảnh hợp tác xã tại các vùng)

Chú trọng phát triển vùng dược liệu vùng dân tộc

Vùng núi cao với khí hậu á nhiệt: gồm Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ) và Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ) phát triển trồng 13 loài dược liệu: bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn) và áctisô, đỗ trọng, độc hoạt, đương quy, tam thất, hoàng bá, mộc hương, ô đầu, xuyên khung... với diện tích 2.550ha. 

Vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới: gồm Lào Cai (Bắc Hà), Sơn La (Mộc Châu) trồng 12 loài dược liệu: bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn, ý dĩ và áctisô, bạch truật, bạch chỉ, dương cam cúc, đỗ trọng, đương quy, huyền sâm. 

Vùng trung du miền núi Bắc Bộ: gồm Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn, phát triển trồng 16 loài dược liệu: ba kích, đinh lăng, địa liền, gấc, giảo cổ lam, ích mẫu, kim tiền thảo, hồi, quế, sà, sa nhân tím, thanh hao hoa vàng, ý dĩ, bạch chỉ, bạch truật, địa hoàng trên diện tích 4.600ha.

Vùng Đồng bằng sông Hồng: gồm Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định và Thái Bình với 20 loài dược liệu trên diện tích 6.400ha như: cúc hoa, diệp hạ châu đắng, địa liền, đinh lăng, gấc, hòe, củ mài, hương nhu trắng, râu mèo, ích mẫu, thanh hao hoa vàng, mã đề, bạc hà, bạch chỉ, bạch truật, cát cánh, địa hoàng, đương quy, ngưu tất, trạch tả. 

Hình ảnh các vùng dược liệu tiêu biểu (chọn hình ảnh hợp tác xã tại các vùng)

Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính đạt khoảng 100.000 tấn/năm

Vùng Bắc Trung Bộ: Đây là vùng có sự đa dạng sinh học rất cao, nguồn cây thuốc phong phú, là nơi tập trung 5 vườn quốc gia, bao gồm: Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế). Bên cạnh đó, còn có 9 khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên (Thanh Hóa); Pù Hoạt, Pù Huống (Nghệ An); Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh); Bắc Hướng Hóa, Dakrong (Quảng Trị); Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).

Vùng này có nhiều loài có giá trị cao như sâm Puxailaleng, đảng sâm, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, sa nhân, hà thủ ô trắng, nấm linh chi đỏ, giảo cổ lam, thổ phục linh, thiên niên kiện, chè dây, lá khôi, đông trùng hạ thảo...

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ: gồm các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa trên diện tích khoảng 3.200ha: Bụp giấm, diệp hạ châu đắng, dừa cạn, đậu ván trắng, củ mài, nghệ vàng, quế, râu mèo, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh. 

Vùng Tây Nguyên: gồm Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông; phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa diện tích khoảng 2.000ha: Gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ. 

Vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ: gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh phát triển trồng 10 loài dược liệu với quy mô khoảng 3.000ha: Gừng, trinh nữ hoàng cung, nghệ vàng, nhàu, rau đắng biển, hoàn ngọc, tràm, xuyên tâm liên, râu mèo và kim tiền thảo. 

Hình ảnh các vùng dược liệu tiêu biểu (chọn hình ảnh hợp tác xã tại các vùng)

Triển lãm các gian hàng sản phẩm dược liệu cổ truyền tại Sầm Sơn - Thanh Hóa.

PHÁT TRIỂN VÀ KHAI THÁC HIỆU QUẢ NGUỒN DƯỢC LIỆU

Với phương châm phát triển bền vững và ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, HTX Cộng đồng Dao Đỏ (Xã Tả Phìn, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách trồng mới, khoanh vùng đang có và liên kết với các hộ gia đình vệ tinh. Cách làm này tạo ra vùng nguyên liệu gần 18 ha. Ngoài ra, HTX đã ký hợp đồng liên kết với Vườn Quốc gia Hoàng Liên về việc khai thác cây thảo dược tự nhiên với diện tích hơn 11.000 ha rừng, có tổng số 2.039 hộ dân sinh sống là dân tộc thiểu số. Mối liên kết này đang tạo cơ hội nâng cao mức thu nhập cho người dân địa phương và gìn giữ tri thức bản địa.

Từ khi phát triển thành vùng trồng dược liệu Atiso, HTX Cộng đồng Dao đỏ đã hướng dẫn bà con trồng có kiểm soát, theo tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới để mang lại nguồn nguyên liệu sạch, an toàn và bền vững. Cao mềm Atiso là sản phẩm chủ lực của HTX hiện nay. Ngoài cung ứng ra thị trường bán lẻ thì toàn bộ sản phẩm được Tổng Công ty CP Nam Dược Việt Nam đặt hàng sản xuất. Quy trình trồng và sản xuất an toàn đã giúp HTX điều chế được nhiều sản phẩm có chất lượng cao và đủ điều kiện để được các cơ quan chức năng của tỉnh giám sát, đánh giá, cấp tem truy xuất nguồn gốc và là điều kiện để được xét cấp sao OCOP trong thời gian sắp tới.

Trong khi đó, với mục đích bảo tồn và phát triển cây đinh lăng, hiện nay nhiều thành viên HTX Dịch vụ Hoa Trung (phường Bắc Sơn, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định trồng và chế biến các sản phẩm từ đinh lăng. Các thành viên HTX đang ăn nên làm ra với cây đinh lăng ví như cây "sâm người nghèo".

HTX Dịch vụ Hoa Trung đang sản xuất 2 sản phẩm chính là trà đinh lăng và cao đinh lăng. Trong đó, cao đinh lăng có 2 loại là cao cứng và cao mềm, với giá bán 300.000 đồng/lạng (3 triệu đồng/kg). Trà đinh lăng cũng được bán với giá 300.000 đồng/kg.

Đến thời điểm này, HTX Dịch vụ Hoa Trung mới sản xuất khoảng 2 – 3 tạ sản phẩm để giới thiệu ra thị trường. Theo ông Hoa, nếu đầu ra ổn định, HTX sẽ mở rộng thị trường và có thể đáp ứng cho việc sản xuất từ 3 – 5 tấn sản phẩm/năm.

HTX Dịch vụ Hoa Trung đang triển khai 2 dự án. Dự án thứ nhất là "Liên kết trồng, chế biến các sản phẩm từ cây đinh lăng theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thị xã Phổ Yên" giai đoạn 2016 – 2020 với diện tích 15ha với 35 hộ tham gia, tập trung ở 3 xã Minh Đức, Phúc Thuận và Thành Công. Dự án thứ hai là "Trồng cây dược liệu quý và cây thuốc quý" với diện tích 45ha, triển khai trên tổng số 40 hộ. Đến nay, HTX Dịch vụ Hoa Trung đã trồng được khoảng 3ha diện tích đinh lăng, tập trung ở 3 xã Minh Đức, Phúc Thuận và Thành Công, TX Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Hiện nay, sản phẩm đã có mặt tại một số tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh. Dù là sản phẩm mới trên thị trường nhưng với chất lượng và công dụng tốt, cao và trà đinh lăng hứa hẹn được nhiều khách hàng tin tưởng và sử dụng.

Xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực, đến hết năm 2022 tỉnh Kon Tum đã phát triển được tổng diện tích gần 6.600ha, trong đó riêng cây sâm Ngọc Linh hiện có trên 1.740ha. Cùng với huy động nguồn lực đầu tư, phát triển mở rộng diện tích, trong năm tỉnh Kon Tum cũng đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại bước đầu hình thành các phiên chợ dược liệu ngay tại vùng trồng, tăng thêm thu nhập cho người nông dân.

Mục tiêu đề án đến năm 2030 Kon Tum sẽ có 25 nghìn ha các loài cây dược liệu, trong đó, có 10 nghìn ha sâm Ngọc Linh (khoảng 100 triệu cây). Đề án cũng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về dược liệu, sử dụng bền vững, có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có. Đặc biệt, đề án nhằm phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 tại thị trường trong nước và quốc tế.

Huyện đang đẩy mạnh mô hình liên kết giữa DN, HTX với người dân để phát triển diện tích dược liệu, đồng thời mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh để người dân trực tiếp được hưởng lợi từ cây dược liệu quý. Từ cây dược liệu, năm 2022 nhiều người dân huyện Tu Mơ Rông đã có thu nhập cao. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 8,74%, cao hơn gấp đôi mục tiêu đề ra của tỉnh Kon Tum. Huyện đang nỗ lực để kinh tế dược liệu mang lại thu nhập tốt, nâng cao đời sống của người Xơ Đăng vốn chiếm trên 95% dân số của huyện.

CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI PHÁT TRIỂN KINH TẾ DƯỢC LIỆU 

Theo quan điểm của Quyết định số 376 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao; Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự; Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Quyết định số 376 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp về thể chế, pháp luật; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; hợp tác và hội nhập quốc tế; thông tin và truyền thông.

Trong đó, tập trung vào những giải pháp cơ bản như: Thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc; Đầu tư phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; Tăng đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển nguồn gen cây thuốc, quý; Chú trọng đầu tư, phát triển chương trình hóa dược để sản xuất nguyên liệu làm thuốc phục vụ sản xuất thuốc trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại.

Hiện nay, trên cả nước đã có một số trung tâm được gây dựng để thu thập và bảo tồn các loại dược liệu của Việt Nam như Vườn cây thuốc Yên Tử, hay Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội... 

Với khoảng 5.117 loài cây dược liệu, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật. Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau cho con người, như: sản xuất thuốc điều trị bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm…

Ngoài ra, cây dược liệu còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc cho thủy, hải sản. Ước tính, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Thực tế hiện nay doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng dược liệu đang gặp nhiều khó khăn và chịu sự cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp trồng dược liệu sạch hiện nay phải cạnh tranh ngay trên sân nhà khi giá bán của dược liệu sạch do doanh nghiệp trong nước trồng ra thành phẩm không cạnh tranh nổi với dược liệu nhập khẩu. 

Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, ngành dược liệu Việt Nam sẽ cất cánh nhờ những ưu đãi từ quyết sách của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các đơn vị nuôi trồng, chế biến, khai thác dược liệu, bằng những nỗ lực nội sinh, sẽ tận dụng được thời cơ, thách thức để đưa ngành dược liệu phát triển, đi lên./.

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất