Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 6/12/2023 9:54'(GMT+7)

Truy xuất nguồn gốc góp phần phát triển ngành dược liệu quốc gia

Cây dược liệu là một trong số cây trồng hàng hóa chủ lực của Lào Cai

Cây dược liệu là một trong số cây trồng hàng hóa chủ lực của Lào Cai

Thị trường dược liệu thế giới đang rất tiềm năng, nhu cầu các sản phẩm từ dược liệu để phục vụ chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm… hàng năm trị giá khoảng 230 tỉ USD và dự kiến đến năm 2028 có thể lên tới khoảng hơn 400 tỉ USD. Với tiềm năng thảo dược của Việt Nam thì các sản phẩm chế biến từ dược liệu, đem lại kinh tế là rất lớn.

Trên thế giới, để phát triển ngành dược liệu quốc gia, Trung Quốc đã xây dựng những quy định rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, xây dựng các mã truy xuất nguồn gốc cho từng loại sản phẩm nông sản của Trung Quốc và kể cả nông sản các nước nhập khẩu vào đất nước này.

Ở Việt Nam, thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Bộ Y tế đã có đề xuất triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với dược liệu cũng như các sản phẩm từ dược liệu. Việc truy xuất nguồn gốc ở đây được thực hiện tất cả các nội dung liên quan như: nguồn gen của cây cho đến nguồn giống, chủng loại nằm trong hệ động thực vật hoang dã nào, phải kiểm soát theo công ước quốc tế ra sao. Việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện cụ thể, chi tiết đến nội dung cấp mã số vùng trồng, cơ sở nuôi trồng, cho đến thương mại hóa… mà Bộ Y tế đang xây dựng và Cục Quản lý Y dược cổ truyền đang được giao nhiệm vụ thực hiện.

Việc truy xuất nguồn gốc dược liệu không chỉ xác định nguồn gốc rõ ràng, minh bạch đối với sản phẩm dược liệu, mà còn góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng, chứng minh sản phẩm có chất lượng tốt, thúc đẩy hoạt động mua hàng.

Hệ thống truy xuất cũng cho thấy mọi công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản sản phẩm được theo dõi một cách chặt chẽ và khi phát sinh sản phẩm lỗi, hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định được khâu nào gây ra sản phẩm lỗi, hư hỏng, từ đó có những biện pháp khắc phục kịp thời, giảm tối đa sự thất thoát, hư hỏng.

Với hệ thống này, doanh nghiệp dễ dàng xác minh sản phẩm đang lưu hành trên thị trường là hàng chính hãng hay hàng trôi nổi, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng. Còn người tiêu dùng thì có thể sử dụng hệ thống truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm để xác định sản phẩm nào là hàng chính hãng, uy tín, sản phẩm nào là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó mới có thể đưa sản phẩm ra các thị trường thế giới.

Có thể khẳng định, muốn kinh doanh thương mại và xuất khẩu được dược liệu ra quốc tế, Việt Nam cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn gen, quy trình khai thác, nuôi trồng, quy chuẩn sản xuất, phân phối… phải đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường hướng đến và có thể truy xuất kịp thời trên hệ thống thông qua việc gắn mã QR cho từng loại sản phẩm. Việt Nam cũng cần có đơn vị đầu mối về các dữ liệu thống kê chính thức về nhu cầu thị trường dược liệu, giá trị xuất khẩu hàng năm trên thị trường quốc tế… từ đó xây dựng và mở rộng chuỗi giá trị của dược liệu, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới.

Theo Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, cần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan. Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

Giai đoạn đến năm 2025, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể. Tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Giai đoạn đến năm 2030, cần hoàn thiện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Hoàn thiện hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất