Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập là chủ trương quan trọng, là một cuộc vận động cách mạng to lớn của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta, vừa có tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài và phù hợp với xu thế của thời đại.
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã đề ra chủ trương:“Đẩy mạnh xây dựng phong trào học tập trong nhân dân, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”. Đại hội toàn quốc lần thứ X tiếp tục xác định: “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, mô hình xã hội học tập”. Đến Đại hội toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh: “khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời…”.
Thực hiện chủ trương của Đảng và xuất phát từ nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, ngày 21/11/2002, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh (khoá XI) ra chỉ thị số 23-CT/TU “Về tăng cường công tác khuyến học và xây dựng xã hội học tập từ cơ sở”. Ngay sau khi quyết định 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai “Chương trình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Chương trình là bước đi đầu tiên gắn công tác khuyến học, khuyến tài với xây dựng xã hội học tập toàn diện sâu rộng. Tiếp đó, để tăng cường chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền và các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ngày 06/08/2007 Tỉnh uỷ Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 17-KH/TU về “Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Có thể nhận thấy rõ, tư tưởng của Đảng về xây dựng xã hội học tập, động viên, khuyến khích mọi người tự giác học tập và học tập suốt đời được triển khai tích cực và có được những kết quả trên địa bàn Quảng Ninh. Đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã có những nhận thức rộng hơn về giáo dục, đào tạo, rằng: Giáo dục đào tạo không chỉ là giáo dục trong nhà trường (còn gọi là giáo dục ban đầu) với các loại hình trường học, cấp học từ mầm non đến đại học và sau đại học cho đối tượng chủ yếu là thế hệ trẻ, mà còn có giáo dục thường xuyên, giáo dục ngoài nhà trường, với hệ thống kéo dài liên tục, suốt đời mà đối tượng chủ yếu là những người lao động lớn tuổi, là những người nông dân, công nhân, những trí thức đang công tác, những người cao tuổi hoặc những người trẻ tuổi có nhu cầu.
Để xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của thời kì mới, nền giáo dục của Quảng Ninh cũng như cả nước cần phải có những thay đổi. Theo đó, cần chuyển từ nền giáo dục chính quy, chỉ chú ý việc học của trẻ em mà xem nhẹ việc học của người lớn sang nền giáo dục chăm lo việc học tập cho mọi người thuộc mọi lứa tuổi.
Bên cạnh những thay đổi về mặt nhận thức, trong những năm qua, đặc biệt từ 2005 đến nay, hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tỉnh cũng có những chuyển biến tích cực. Mạng lưới cơ sở giáo dục chính quy được phát triển ngày càng hoàn thiện với nhiều loại hình trường lớp từ mầm non đến đại học. Giáo dục thường xuyên cũng phát triển nhanh chóng cả về số lượng và loại hình. Tính đến tháng 9/2009, toàn tỉnh đã có 2 trung tâm làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp tỉnh, 14/14 (100%) đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm Hướng nghiệp và GDTX. Những trung tâm này có nhiệm vụ hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông, dạy văn hoá cho các đối tượng thuộc mọi lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau và hiện đang được giao thêm nhiệm vụ dạy nghề cho xã hội, đặc biệt là cho lao động ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, phục vụ đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các loại hình GDTX khác cũng đã được hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Hiện cả tỉnh có 4 cơ sở GDTX trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, 26 trung tâm và cơ sở đào tạo tin học - ngoại ngữ. Các hình thức liên kết đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương với cơ sở đào tạo ngoài tỉnh cũng hoạt động hiệu quả.
Các cơ sở đào tạo bồi dưỡng của Đảng, của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng được phát triển về quy mô và năng lực đào tạo. Trường Chính trị của tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các trung tâm dạy nghề của Liên đoàn lao động tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất, tích cực huy động và bồi dưỡng có hiệu quả các nội dung về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, kiến thức nghề nghiệp cho các cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động.
Phong trào Khuyến học, khuyến tài - một yếu tố quan trọng trong xây dựng xã hội học tập cũng phát triển với tốc độ nhanh và đạt nhiều kết quả: Từ 175 hội viên khi mới thành lập (tháng 3/2004) đến nay Quảng Ninh đã có 220.000 hội viên, đạt tỷ lệ 19,2% dân số. Các hình thức tự tổ chức học tập, bồi dưỡng và khuyến khích lẫn nhau để cùng học tập và học tập thường xuyên đã trở thành nề nếp tốt ở nhiều gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị. Đã có 106.000 gia đình được công nhận là “Gia đình hiếu học”, hơn 200 dòng họ được công nhận là “Dòng họ hiếu học”. Tổ chức Hội Khuyến học phát triển rộng khắp trong mọi khu phố, làng bản, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang gồm hơn 1800 Chi hội và hơn 400 Ban Khuyến học với trên 12.000 cán bộ Khuyến học.
Phong trào“Ba đỡ đầu”, một phong trào độc đáo, sáng tạo của Quảng Ninh được nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm hưởng ứng, đã tạo cơ hội học tập cho các học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và động viên, khích lệ học sinh giỏi phát huy tài năng, sức sáng tạo của mình.
Trung tâm Học tập cộng đồng - một thiết chế giáo dục thật sự “của dân, do dân, vì dân” hoạt động theo phương thức“cần gì học nấy” được thành lập ở 186/186 đơn vị hành chính cấp xã, đã và đang phát huy tác dụng tích cực. Kết thúc năm 2010 mọi tiêu chí của mục tiêu xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 tỉnh Quảng Ninh đã được hoàn thành trong đó có một số tiêu chí hoàn thành trước thời gian và vượt mức quy định chung của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh những năm qua còn một số mặt hạn chế đó là: Chất lượng giáo dục đã được nâng lên nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, miền; cơ sở vật chất cho dạy và học đã được quan tâm đầu tư nhưng còn chậm và chưa tương xứng; hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa đầy đủ. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác giáo dục - đào tạo nói chung và xây dựng xã hội học tập nói riêng còn hạn chế…
Quán triệt tư tưởng, chủ trương lớn của Đảng và tinh thần Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh (khoá XIII) đã dành sự quan tâm đặc biệt về vấn đề xây dựng xã hội học tập. Nghị quyết đầu tiên của Ban Thường vụ là Nghị quyết về xây dựng xã hội học tập. Nghị quyết xác định: “Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị… là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, mọi người dân và thực hiện suốt đời”,... và “Phải tập trung huy động mọi nguồn lực, vận dụng nhiều hình thức, hệ thống giáo dục để xây dựng xã hội học tập”. Nghị quyết cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể cần phấn đấu như: Đến 2011, 100% số thôn có nhà Văn hoá đạt chuẩn, năm 2012 có 100% trường học Mầm non, mẫu giáo đạt chuẩn; năm 2015 phấn đấu có 60% hộ gia đình được công nhận là gia đình hiếu học, 80% dòng họ trở thành dòng họ hiếu học… Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% và năm 2020, số người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên đạt trên 5% dân số của tỉnh, 5-7% cán bộ công chức Nhà nước có trình độ sau đại học, 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên…
Muốn đạt được những mục tiêu đề ra và để xây dựng xã hội học tập từ một phong trào mang tính bề nổi trở thành một phương thức giáo dục có chiều sâu, thành hiện thực sinh động, có hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế - văn hoá cho tỉnh, đem lại lợi ích cho mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ; trong thời gian tới Quảng Ninh xác định tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Mỗi cán bộ đảng viên, hội viên các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cần gương mẫu đi đầu, tham gia tích cực vào phong trào xây dựng Xã hội học tập tại địa phương, đơn vị, phấn đấu trở thành những tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện nâng cao hiểu biết để quần chúng và nhân dân noi theo.
Bên cạnh đó cần tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giáo dục và công tác khuyến học; phát triển mạnh mẽ, toàn diện hệ thống giáo dục cả giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; coi trọng đổi mới nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp học tập. Huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục-đào tạo theo tinh thần xã hội hoá, tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đưa nội dung xây dựng Xã hội học tập vào Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, vào Chương trình công tác, Kế hoạch hàng năm của mỗi đơn vị, địa phương. Gắn kết các chương trình, các cuộc vận động, các phong trào thi đua đang được triển khai với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đặc biệt với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và phong trào “xây dựng nông thôn mới”.
Quảng Ninh có địa hình phức tạp, trải dài và có sự chênh lệch khá rõ về trình độ dân trí cũng như điều kiện phát triển giữa các vùng, miền. Vì vậy việc xây dựng xã hội học tập của Quảng Ninh không thể thực hiện trong một sớm, một chiều, cũng không thể không có những khó khăn. Nhưng bằng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, bằng sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; Quảng Ninh nhất định sẽ hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần đưa Quảng Ninh “thực sự trở thành một địa bàn động lực, năng động của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế, đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã xác định./.
Nguyễn Thị Thuý
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh
______________________