Thứ Ba, 26/11/2024

Quảng Ninh: Một số kinh nghiệm từ kết quả chỉ đạo đại hội điểm cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Tiên Yên. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Tiên Yên. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Quá trình chỉ đạo đại hội điểm và thí điểm đã đem lại kết quả tích cực cùng những bài học kinh nghiệm quan trọng, tạo tiền đề để chỉ đạo tổ chức thành công đại hội các tổ chức cơ sở đảng còn lại trong toàn tỉnh.

Những kết quả đạt được

Báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành và các văn bản trình đại hội được các tổ chức cơ sở đảng chuẩn bị khá công phu và bài bản. Ban chấp hành các đảng bộ đã xây dựng dự thảo, thực hiện các bước xin ý kiến từ ban thường vụ, ban chấp hành cho tới các chi bộ trực thuộc, cán bộ lão thành, những người có kinh nghiệm... Các tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn đã tổ chức được việc lấy kiến tham gia của các cơ quan chuyên môn, đoàn thể cấp huyện, qua đó rà soát từng chỉ tiêu, số liệu, những định hướng lớn về phương hướng nhiệm vụ. 

Hầu hết các báo cáo chính trị đã bám sát tình hình thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị; đánh giá toàn diện quá trình thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2010-2015 và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhìn chung, các báo cáo chính trị đều thể hiện tinh thần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, đánh giá khách quan những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục; đồng thời phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, yếu kém để rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới sát với tình hình đặc điểm của từng loại hình cơ sở. 

Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành các đảng bộ đã thể hiện được tính nghiêm túc trong tự phê bình, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm và kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành. Việc tham gia góp ý kiến đối với báo cáo chính trị đại hội và các văn kiện cấp trên đều có sự chỉ đạo, hướng dẫn thảo luận và tổng hợp ý kiến đầy đủ từ cấp chi bộ; có sự tập trung trí tuệ cao, góp ý trách nhiệm, xây dựng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề nêu trong báo cáo chính trị, nhất là về vấn đề về xây dựng chỉnh đốn Đảng, những thách thức đặt ra cùng với những nhiệm vụ, giải pháp lớn trong nhiệm kỳ tới.

Công tác nhân sự được các đại hội thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu và có số dư theo đúng quy định, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra về phương án nhân sự. Quá trình chuẩn bị được tiến hành kỹ lưỡng thông qua công tác quy hoạch, rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đánh giá cán bộ cuối năm 2014, lấy ý kiến đánh giá của cấp ủy nơi cư trú... Tại các đại hội, danh sách ứng cử ban chấp hành, ban thường vụ hầu hết đều có số dư theo đúng quy định. Riêng đối với bí thư, phó bí thư hầu hết thực hiện bầu tròn. Kết quả cụ thể, 100% đại hội đã bầu một lần đủ số lượng, cơ bản đảm bảo cơ cấu đúng như dự kiến của cấp ủy khóa trước chuẩn bị. Tỷ lệ cấp ủy viên tham gia lần đầu đạt trên 25,4%; tỷ lệ nữ đạt cao 17,03% (vượt 2,03 điểm % theo quy định); tuổi trẻ dưới 35 tuổi 17,63% (vượt 7,633 điểm % theo quy định); độ tuổi từ 35 - 50 chiếm 58,11%%; độ tuổi trên 50 chiếm 24,25%; dân tộc thiểu số 13,02%; cơ cấu, thành phần cấp ủy và ban thường vụ khóa mới cơ bản đảm bảo theo dự kiến nhân sự của cấp ủy khóa cũ chuẩn bị. Việc thí điểm bầu cử bí thư, phó bí thư tại các đại hội đều thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định, tỷ lệ phiếu bầu đạt cao, đều trúng cử đạt số phiếu từ 80% trở lên.

Một số hạn chế

Báo cáo chính trị của một số cấp ủy chuẩn bị còn rập khuôn máy móc, thiếu cụ thể hóa cho phù hợp với địa phương, đơn vị; nội dung báo cáo còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm, có nơi báo cáo dài tới có nơi 25 - 27 trang A4 song vẫn chưa đánh giá đúng mức những ưu điểm cũng như những khuyết điểm, yếu kém. Một số nơi việc xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ đến chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy chưa đi sâu làm rõ trách nhiệm của cấp ủy khóa cũ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chi, đảng bộ, chủ yếu đánh giá lại việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị như nội dung báo cáo chính trị; chưa xác định trách nhiệm của tập thể và mỗi cấp ủy viên về những hạn chế, khuyết điểm, có nơi không đề ra phương hướng khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế. Dự thảo nghị quyết đại hội chưa có tính khái quát cao, đa số là trích nguyên văn phần nhiệm vụ và giải pháp trong báo cáo chính trị.

Hầu hết ý kiến thảo luận tại đại hội đều được chuẩn bị trước bằng văn bản, nặng về báo cáo thành tích của chi bộ, cơ quan, đơn vị mình, rất ít ý kiến có tính chất tranh luận. Một số chỉ tiêu nghị quyết đại hội nhiệm kỳ trước không đạt nhưng không có sự thảo luận để làm rõ nguyên nhân. Việc tham gia vào các văn kiện cấp trên cơ bản là thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, rất ít những ý kiến phát biểu tại đại hội.

Về đề án nhân sự, công tác bầu cử cấp ủy, về cơ bản tại các đại hội đều không có đại biểu tự ứng cử và đề cử, chủ yếu nhân sự do cấp ủy khóa trước giới thiệu và được đại hội thông qua. Một số địa phương, đơn vị tuy có nguồn nhưng cơ cấu ủy chưa đảm bảo về tỉ lệ trẻ, tỉ lệ nữ. Có nơi bầu không đủ số lượng cấp ủy, ban thường vụ cần bầu; nhân sự dự kiến ủy viên ban chấp hành, thậm chí dự kiến sẽ giữ chức bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ nhưng không trúng cử vào ban chấp hành khóa mới. Việc lấy phiếu giới thiệu nhân sự chức danh bí thư còn lúng túng, có nơi đoàn chủ tịch không báo cáo đại hội về nhân sự do cấp ủy khóa cũ giới thiệu và được cấp trên phê duyệt, nên có tình trạng nhân sự dự kiến chức danh bí thư có số phiếu giới thiệu thấp. Có nơi chưa nắm rõ quy chế nên có trường hợp đảng viên dự bị không được tham gia bỏ phiếu giới thiệu nhân sự bí thư. Nhiều địa phương, đơn vị với nhiều lý do khác nhau nên việc đổi mới 1/3 số lượng cấp ủy khóa mới so với đầu nhiệm kỳ 2010-2015 chưa đạt yêu cầu; đây là thực trạng chung của đa số các tổ chức cơ sở đảng, nhất là các đơn vị có “cơ cấu cứng” như trong lực lượng vũ trang, doanh nghiệp...

Công tác điều hành đại hội một số nơi còn lúng túng, nhất là khi phát sinh tình huống trong đại hội và thực hiện các quy trình để đại hội bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Ban kiểm phiếu hướng dẫn chưa rõ ràng cách thức bỏ phiếu, một số nơi nơi ban kiểm phiếu thực hiện luôn việc quán triệt, phổ biến quy tắc, thủ tục bầu cử trong đại hội (nhiệm vụ này do đoàn chủ tịch thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng). Có nơi bầu ban kiểm phiếu 1 lần, làm việc liên tục để thực hiện bầu cấp ủy, bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên nhưng đoàn chủ tịch không xin ý kiến đại hội tín nhiệm để ban kiểm phiếu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà mặc nhiên để ban kiểm phiếu thực hiện. Thời gian bố trí chương trình đại hội theo từng nội dung chưa phù hợp, thời gian thảo luận báo cáo chính trị còn hạn chế.

Một số kinh nghiệm

Từ kết quả trên đây trong công tác chỉ đạo, tổ chức đại hội điểm và thí điểm, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

Thứ nhất, phải hết sức coi trọng công tác quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác chỉ đạo, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là những yêu cầu mà Chỉ thị số 36-CT/TW đặt ra cho đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tổ chức thật tốt công tác tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là Quy chế bầu cử trong Đảng. Quá trình tập huấn cần có thảo luận, đối thoại, đặt ra nhiều tình huống trong thực tế để các học viên thảo luận, giải quyết. Cùng với việc quán triệt, tuyên truyền về các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đại hội, các cấp ủy đảng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền về những thành tựu, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua; động viên, cổ vũ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời quán triệt, cung cấp thông tin đề cán bộ đảng viên hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội tập trung chống phá đại hội lần này, từ đó đề cao tinh thần cảnh giác, giữ vững đoàn kết nội bộ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội.

Thứ hai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải được các cấp ủy đảng từ cấp tỉnh cho đến cơ sở tập trung cao độ, kế hoạch chỉ đạo đại hội phải hết sức cụ thể, rõ ràng, khoa học, có tiến độ rõ ràng cho từng phần việc; thành lập được các tiểu ban, các tổ công tác để giúp cho cấp ủy trong công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị đại hội. Đặc biệt, phải hết sức quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, phải đặt công tác kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng trong chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy trong năm; tăng cường sự kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên trách, tham mưu cấp ủy cấp trên. Các tổ công tác của cấp ủy cấp trên trực tiếp phải nắm chắc các quy trình, nguyên tắc; phải sâu sát, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra trong quá trình chuẩn bị cho đến khi đại hội kết thúc, nhất là tham gia, góp ý chương trình đại hội, kịch bản điều hành công tác bầu cử; kịp thời nhắc nhở, đôn đốc việc thực hiện bảo đảm tiến độ và chỉ đạo, hướng dẫn, điều chỉnh khi có sai sót; cần quan tâm đến những đơn vị yếu kém, có nhiều khó khăn trong công tác cán bộ.

Thứ ba, cấp ủy cấp trên trực tiếp cần nắm chắc địa bàn, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị và đánh giá đúng năng lực, những ưu điểm, hạn chế của cán bộ cấp dưới. Chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội phải toàn diện các các nội dung, khắc phục tình trạng quá chú trọng vào công tác nhân sự, xem nhẹ việc chuẩn bị báo cáo chính trị của cấp mình và thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện cấp trên. Kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những đơn, thư tố cáo, khiếu nại; những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Kiểm tra làm rõ và có kết luận kịp thời đối với cán bộ có vấn đề về lịch sử chính trị; những nơi nội bộ mất đoàn kết phải chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tạo sự thống nhất cao trước khi tổ chức đại hội.

Thứ tư, công tác chuẩn bị đại hội phải chu đáo, chặt chẽ từ khâu chuẩn bị văn kiện đại hội; công tác nhân sự; công tác tuyên truyền, cổ động trực quan… đến kịch bản điều hành đại hội, điều hành công tác bầu cử. Nội dung báo cáo chính trị phải thể hiện được tính tổng kết thực tiễn, khái quát cao; xác định phương hướng, nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị, xác định rõ chỉ tiêu cơ bản, nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá. Công tác nhân sự phải được chuẩn bị kỹ lưỡng; thực hiện đầy đủ các bước quy trình từ khâu nhận xét, đánh giá; rà soát bổ sung quy hoạch; xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cho đến công tác điều hành ứng cử, bầu cử, quán triệt tại đại hội.

Thứ năm, đoàn chủ tịch và các cơ quan được lập ra trong đại hội phải nắm vững nhiệm vụ và nhất thiết phải có tập dượt kịch bản trước đại hội, dự liệu được những vấn đề, tình huống phát sinh để có phương án giải quyết trong đại hội. Các thành viên trong đoàn chủ tịch phải được phân công cụ thể từng nội dung công việc; nắm chắc công việc được điều hành và phải chuẩn bị cụ thể bằng văn bản (tránh tình trạng không có chuẩn bị trước và không bám vào nội dung chuẩn bị); phân bổ thời gian hợp lý cho từng nội dung, chú ý đến việc thảo luận đóng góp ý kiến vào báo cáo chính trị./.

Phạm Hữu Kiên – Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất