Thứ Ba, 22/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 13/5/2015 15:59'(GMT+7)

Thật sự công tâm, khách quan trong công tác nhân sự Đại hội lần thứ XII của Đảng

Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: baodientu.chinhphu.vn.

Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: baodientu.chinhphu.vn.

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề lớn sau:

1 - Công tác nhân sự trước yêu cầu của công cuộc đổi mới


Qua gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Những năm tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặt ra những khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp đối với sự nghiệp đổi mới và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là "cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém" và từ thực tiễn đổi mới "then chốt của then chốt", Hội nghị Trung ương 11 đã nhấn mạnh: Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta hơn bao giờ hết, phải thật sự vững vàng, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến. Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII phải thật sự là một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tính đảng cao, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân; có uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

2 - Tiêu chuẩn có những nội dung mới, cao hơn

Đảng ta là một đảng cầm quyền, từ thực tế, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tính hai mặt vốn có của quyền lực: Một mặt, quyền lực có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới nếu biết sử dụng đúng; mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại ghê gớm, nếu người nắm quyền lực bị thoái hóa, biến chất, đi vào con đường ham muốn quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, lợi dụng quyền lực để lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi, biến quyền lực của nhân dân thành quyền của cá nhân. Vì thế, cần xây dựng được một tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vững mạnh. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi từng Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư phải vững mạnh.

Kế thừa và phát triển tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa trước đây, từ yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, Hội nghị Trung ương 11 đã xác định rõ tiêu chuẩn, nhấn mạnh các tiêu chuẩn sau:

Đối với Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII

- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả.

- Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.

- Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII

Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật tiêu biểu của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo quản lý; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức, có tài; đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ.

Hội nghị Trung ương 11 xác định: Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân; tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm. Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

3 - Bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý

Vấn đề đặt ra trong công tác nhân sự là phải coi trọng bảo đảm tiêu chuẩn; không vì cơ cấu mà coi nhẹ tiêu chuẩn. Chúng ta có thể điều động cán bộ để có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện. Một vấn đề nữa là Đảng ta chưa phân biệt rõ giữa "chính khách" và công chức, chưa nâng tuổi nghỉ hưu trong Bộ Luật Lao động, nên rất khó giải quyết vấn đề "độ tuổi". Căn cứ vào thực tế hiện nay, Hội nghị Trung ương 11 xác định: Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa và phát triển. Tăng số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn chiến lược, lĩnh vực công tác quan trọng; chú ý tăng thêm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 đến 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.

4 - Thật sự công tâm, khách quan trong giới thiệu nhân sự

Việc xác định các tiêu chuẩn như trên là rõ ràng, chính xác. Vấn đề đặt ra là công tác nhân sự của các đại hội trước cũng đã xác định tiêu chuẩn, nhưng khi lựa chọn nhân sự lại có dư luận "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ, trí tuệ". Việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu qua nhiều nhiệm kỳ, chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học. Hội nghị Trung ương 11 nhấn mạnh: Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Tiểu ban Nhân sự Đại hội và Bộ Chính trị cần chỉ đạo chặt chẽ để việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự bảo đảm đúng quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, quy chế của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa tập trung thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đúng những chủ trương, biện pháp mà Trung ương đã quyết định. Các trường hợp có đơn, thư tố cáo, khiếu nại hoặc phải xem xét về chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống... phải được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan kiểm tra xem xét, kết luận trước khi Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Việc tổng hợp ý kiến của các đồng chí Ủy viên Trung ương, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị... phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khách quan, khoa học. Đặc biệt, các đồng chí Ủy viên Trung ương phải gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...; cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch phá hoại, gây rối nội bộ ta.

 PGS, TS NGUYỄN VIẾT THÔNG
(Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương)
Nguồn: QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất