1. Quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phân luồng học sinh, nhất là phân luồng ngay từ khi kết thúc THCS, nhằm giúp các em xác định được khả năng học tập để định hướng cho mình sự lựa chọn việc học tập tiếp theo: hoặc học tiếp chương trình phổ thông để lên học đại học, cao đẳng hay là chuyển hướng đi học nghề để xây dựng cho mình một nghề nghiệp phù hợp trong cuộc đời.
Hiện nay, Quảng Ninh đã có một hệ thống giáo dục quốc dân phổ rộng trên toàn địa bàn và ngày càng được hoàn thiện từ mầm non tới đại học. Toàn tỉnh hiện có 662 đơn vị trường học: Giáo dục phổ thông (GDPT): có 638 trường (chiếm 96,3%), trong đó, cấp THCS chiếm 29,7%; cấp THPT chiếm 8,9%. Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) được mở rộng, với 9 trường, chiếm 1,4% , trong đó, có 01 trường Đại học (ĐH), 06 trường Cao đẳng (CĐ), 02 trường Trung cấp (TC); ngoài ra còn có 02 cơ sở Đại học. Giáo dục thường xuyên (GDTX) hiện có 15 Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (HN&GDTX), chiếm 2,2%. Mạng lưới các cơ sở dạy nghề được phân bổ đều trên các địa bàn của tỉnh, mỗi huyện ít nhất có 01 cơ sở dạy nghề. Toàn tỉnh hiện có 47 cơ sở dạy nghề, tăng 142% so với đầu năm 2011.
Chất lượng phổ cập giáo dục các cấp được duy trì và giữ vững: Đã có 78,5% đơn vị cấp huyện; 92,4% cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi từ năm 2006, đến năm 2010 đã có 100% số xã đạt chuẩn; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục THCS từ năm 2006 với 100% đơn vị cấp xã, vượt trước mục tiêu chung của toàn quốc 4 năm (2010). Tỷ lệ học sinh giỏi các cấp ngày càng tăng. Chất lượng giáo dục phổ thông của tỉnh nhiều năm liền dẫn đầu các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm; tỷ lệ học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia ngày càng tăng. Tỷ lệ phòng học kiên cố hiện nay đạt 89,6%; có 59,6% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư cho phát triển giáo dục ngày càng tăng (Năm 2011 chi 35%; năm 2012: 40%; năm 2013: 34% tổng chi ngân sách thường xuyên của cả tỉnh).
Với hệ thống giáo dục khá phát triển, công tác phân luồng cũng được quan tâm. Cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; mở rộng hệ thống các trường chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh (đang xây dựng 03 cơ sở dạy nghề; xúc tiến đề nghị thành lập trường Đại học Hạ Long theo hướng đa ngành). Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các trường chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; tổ chức ngày hội khách hàng giữa nhà trường với các doanh nghiệp để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh trong các trường chuyên nghiệp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, các ngành, đoàn thể tổ chức đa dạng và phong phú các hoạt động phân luồng như: tổ chức ngày hội thanh niên với nghề nghiệp; các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, câu lạc bộ; tuyên truyền, quảng bá, phổ biến thông tin về các trường chuyên nghiệp thông qua các phong trào như: Tiếp sức mùa thi, giúp bạn đến trường, tổ chức Sàn giao dịch việc làm, tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên)...
Ngành Giáo dục các cấp đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động, thống nhất các giải pháp triển khai; những cơ chế, chính sách (trong đó có các chính sách đặc thù cho các đối tượng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, học sinh các xã thuộc xã khó khăn) để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi thanh, thiếu niên trong độ tuổi được đi học văn hóa và học nghề. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hoạt động cho các TTHN&GDTX cấp huyện đảm bảo đầy đủ các thiết bị dạy nghề cho 41 nghề. Đồng thời giảm dần tỷ lệ tuyển sinh vào các trường THPT; tăng dần tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp trong các cơ sở đào tạo, dạy nghề; nâng cao hiệu quả, chất lượng học nghề, học TCCN kết hợp học văn hóa trong các cơ sở giáo dục thường xuyên. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư tại tỉnh, qua đó giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Sau 3 năm triển khai thực hiện chủ trương phân luồng, bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các nhà trường, phụ huynh, học sinh về giáo dục nghề nghiệp. Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào TCCN được cải thiện và tăng qua các năm.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ qua, nhất là tâm lý xã hội về bằng cấp, khiến các bậc phụ huynh và học sinh luôn muốn cho con em mình được học lên càng cao càng tốt; sự bất cập của nền giáo dục nước nhà và khả năng yếu kém, bất cập của các cơ sở đào tạo nghề; sự lỏng lẻo trong quản lý đào tạo đại học, cao đẳng, làm cho học sinh luôn nghĩ rằng mình cứ học là sẽ có bằng đại học, hay chí ít cũng là cao đẳng, nên ai cũng không muốn “bị phân luồng” ngay từ khi mới kết thúc THCS. Bên cạnh đó, nhu cầu lao động xã hội có nghề nghiệp không nhiều, làm cho những người học nghề không xây dựng được niềm tin học tập và nuôi dưỡng nghề nghiệp, thậm chí không biết học nghề để sau này làm gì… trở thành những cản trở lớn, làm cho công tác phân luồng của Quảng Ninh luôn gặp khó khăn, bế tắc. Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, kết quả triển khai công tác phân luồng học sinh sau trung học trên địa bàn tỉnh vẫn trong tình trạng “chưa đạt yêu cầu”: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục theo học chiếm 13,4%, trong đó vào học nghề, học TCCN còn rất thấp, chỉ khoảng 11%, trong khi đó, luồng học sinh lên THPT chiếm tỷ lệ khá cao (cả giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên) chiếm 86,6%; tỷ lệ học sinh học xong THPT vào học trường ĐH, CĐ ngày càng tăng, chiếm: 57,4%. Học sinh sau THPT vào học trung cấp chuyên nghiệp: 14,6%. Nguồn nhân lực qua đào tạo hiện nay mất cân đối giữa đại học và nghề. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp còn khá cao, trong khi công nhân lành nghề lao động trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội lại thiếu trầm trọng, đặc biệt là các lĩnh vực tỉnh cần như du lịch, dịch vụ, khai thác mỏ, xây dựng mỏ hầm lò, cơ khí chế tạo...
2. Hiện nay, xu thế chủ đạo vẫn là học sinh học xong THCS là vào THPT, học xong THPT là vào đại học, cao đẳng. Do vậy, việc triển khai thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS sẽ còn nhiều khó khăn, bất cập. Từ thực tiễn triển khai thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS những năm qua, đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh phải có những bứt phá mới. Trong thời gian tới, cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với chủ trương phân luồng học sinh sau trung học, nhất là ngay từ sau THCS. Tập trung hoàn thiện và sớm ban hành Quy hoạch nguồn nhân lực và Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Xây dựng Đề án phân luồng học sinh sau trung học giai đoạn 2014- 2020, định hướng đến 2030; Đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới trong quá trình đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, nhất là một số lĩnh vực thu hút nhiều lao động nghề là lợi thế của Quảng Ninh như du lịch, hầm mỏ, nghề biển…
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phân luồng sau THCS trong các cấp, các ngành, trong nhân dân và toàn xã hội. Xây dựng quy chế, kế hoạch đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp trong thực hiện công tác phân luồng; mở các chuyên mục tuyên truyền về công tác phân luồng trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn với thực tiễn của Quảng Ninh. Đẩy mạnh, đổi mới hình thức, nội dung công tác giáo dục, tư vấn hướng nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong các trường trung học, đặc biệt là THCS, các trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên.
Ba là, giảm dần tỷ lệ tuyển sinh vào các trường THPT; tăng dần tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp trong các cơ sở đào tạo, dạy nghề; nâng cao hiệu quả, chất lượng học nghề, học TCCN kết hợp học văn hóa trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đào tạo bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên, phát triển chương trình dạy nghề cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề, ưu tiên đầu tư cho đào tạo các nghề trọng điểm phù hợp với yêu cầu nhân lực của tỉnh trong từng năm, giai đoạn. Thí điểm mô hình dạy nghề, TCCN trong trường THPT nhằm tiếp tục phân luồng các đối tượng này.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề; tăng cường phối hợp, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, dạy nghề với các cơ sở sử dụng lao động; thực hiện đào tạo, dạy nghề theo nhu cầu xã hội. Tăng cường các hoạt động kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp, để có nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Sáu là, ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo, dạy nghề của tỉnh tham gia công tác phân luồng và tổ chức đào tạo, dạy nghề theo nhu cầu nhân lực của tỉnh; chính sách hỗ trợ nhằm thu hút, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở này. Có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tiếp nhận người lao động được đào tạo nghề phù hợp tại các cơ sở của tỉnh. Thực hiện các chính sách đặc thù về miễn, giảm học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN, trung cấp nghề, nhất là học sinh ở vùng kinh tế khó khăn, vùng nông thôn và các ngành, nghề mà địa phương có nhu cầu về nhân lực; trợ giúp đối với học sinh nghèo và những cơ sở đào tạo tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo nghề, TCCN từ sớm.
Bảy là, xây dựng hệ thống thông tin quản lý về công tác phân luồng, dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo và cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh cho từng giai đoạn.
Để thực hiện có kết quả đồng bộ các giải pháp nêu trên, chắc chắn phải có một môi trường tốt hơn từ các chủ trương lớn của Đảng và các chính sách vĩ mô của Chính phủ; đồng thờ, là sự đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà. Trước mắt, cần thống nhất một số chủ trương, chính sách:
Thứ nhất, quy định thống nhất hệ thống giáo dục, không có sự phân định giữa TCCN và TCN; xây dựng các chương trình cụ thể để phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó có cả quy hoạch, xây dựng trường, các chế độ chính sách.
Thứ hai, hoàn thiện các chính sách cải cách chế độ tiền lương, nhất là mức lương khởi điểm của đối tượng có trình độ TCCN, TCN; có chính sách miễn giảm, khấu trừ thuế cho các doang nghiệp, nhà sản xuất khi nhận học sinh các trường THCN, TCN thực tập sản xuất.
Thứ ba, sắp xếp lại hệ thống GDCN, hợp nhất đào tạo TCCN với TCN thành hệ thống thống nhất vừa học văn hóa phổ thông vừa học nghề. Sớm ban hành quy định hợp nhất các trung tâm HN&GDTX, trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm để tập trung nguồn lực cho triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng sau trung học.
Thứ tư, Bộ GD&ĐT thống nhất sự chỉ đạo chặt chẽ giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, cho phép cơ sở giáo dục phổ thông được dạy văn hóa (chương trình GDTX cấp THPT) kết hợp với liên kết dạy nghề. Nghiên cứu, ban hành chương trình GDTX cấp THPT học 2 năm 3 lớp cho đối tượng học sinh học văn hóa kết hợp với học nghề. Xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp cho các trường THCS phù hợp, giúp học sinh nhận thức đầy đủ việc chọn nghề nghiệp phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS.
Mong rằng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trong tương lai gần, Quảng Ninh sẽ có một nền giáo dục và đào tạo được đổi mới căn bản, toàn diện, tạo ra cho xã hội một cơ cấu lao động hợp lý, đáp ứng với nhu cầu lao động thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Trong đó, phân luồng học sinh sau trung học chính là chìa khóa cho sự thành công trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Nguyễn Tiến Độ
Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Quảng Ninh