Trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên, tổ chức của đảng tự do bàn thảo để xây dựng, tổ chức thực hiện các nghị quyết. Đó là ý chí, nguyện vọng của toàn đảng từ dân chủ trong sinh hoạt đảng tạo nên. Dân chủ trong đảng có tác động lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, tạo nên sức mạnh thống nhất toàn dân tộc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và dân đồng thuận lựa chọn. Thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng là làm cho đảng tồn tại, phát triển bằng trí tuệ, sức lực của toàn đảng, toàn dân thông qua hoạt động của đảng viên và tổ chức đảng. Nếu không thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng thì trí tuệ, sức lực, ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của đảng viên không được thể hiện trong những quyết sách của Đảng.
Mở rộng và phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng không chỉ là yêu cầu nội tại của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn là quy luật để xây dựng và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, khắc phục bệnh độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng của một số cán bộ cấp ủy và bí thư cấp ủy, bảo đảm, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và dân. Để phát huy được sức mạnh của việc thực hiện dân chủ trong sinh hoạt đảng cần phải thực hiện tốt, đồng bộ những giải pháp từ việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, cấp ủy và đảng viên đến tăng cường và nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, gắn việc thực hiện dân chủ với tăng cường kỷ luật kỷ cương. Mức độ và hiệu quả của việc thực hiện và phát huy dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội, trước hết, tùy thuộc vào mức độ và thực chất thực hiện và phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng.
Trong những năm qua, việc thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng, trước hết ở chi bộ, đảng bộ cơ sở đã có những biến chuyển quan trọng, đáng khích lệ. Vai trò của tổ chức đảng đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương được khẳng định, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vào sự lớn mạnh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng ở nhiều chi bộ, tổ chức đảng cơ sở trong thực tế vẫn còn bị vi phạm, buông lỏng, thiếu dân chủ hoặc chưa có cơ chế vận hành cụ thể; làm giảm uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng. Tăng cường thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng trở thành yêu cầu cấp bách, một trong những giải pháp khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã đề ra.
Phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, từ nâng cao nhận thức, quan điểm, kiến thức và năng lực cho mỗi cán bộ, đảng viên đến đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức và phong cách lãnh đạo cũng như năng lực cầm quyền; đổi mới lề lối làm việc, quy chế, quy trình, nội dung, hình thức sinh hoạt của tập thể cấp uỷ và của tổ chức đảng, cho tới đổi mới phong cách của người quản lý và lãnh đạo. Trong đó, nâng cao năng lực thực hành dân chủ cho cán bộ, đảng viên là giải pháp cơ bản, cần tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình hoạt động của Đảng.
Cũng như năng lực trong những lĩnh vực khác, năng lực thực hành dân chủ của mỗi cán bộ, đảng viên bao hàm các yếu tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ trong Đảng. Kiến thức về vấn đề dân chủ trong đảng của mỗi cán bộ, đảng viên dựa trên nền tảng kiến thức chung qua trình độ học vấn, hiểu biết thực tiễn cùng với hiểu biết về Đảng, Điều lệ, nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng trong lĩnh vực này. Trên cơ sở kiến thức, cùng với kinh nghiệm thực tiễn hình thành nên kỹ năng thực hành dân chủ của cán bộ, đảng viên. Còn thái độ của mỗi cán bộ, đảng viên đối với các vấn đề trong Đảng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả năng lực nhận thức, lập trường quan điểm và vấn đề tinh thần trách nhiệm, đạo đức, phong cách. Trên thực tế thực hành dân chủ, nhất là trong công tác bầu cử của Đảng, bên cạnh những hạn chế về nhận thức (không phân biệt được đúng sai) còn có sự chi phối của những yếu tố thuộc về thái độ (sự nể nang, tư tưởng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm,…). Đó chính là những yếu tố làm suy giảm uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng.
Hiện nay, việc bầu cử trong Đảng cũng như xã hội đang hướng tới áp dụng các phương thức dân chủ trực tiếp. Trong Đảng, bầu cử dân chủ trực tiếp là đại hội Đảng các cấp trực tiếp bầu các chức danh của tổ chức đảng cấp mình, bỏ dần cách bầu cử gián tiếp (bầu ban chấp hành, ban chấp hành bầu các chức danh). Tuy nhiên, để phương thức dân chủ trực tiếp mang lại hiệu quả, cần bồi dưỡng, giáo dục cho bằng được việc nâng cao năng lực làm chủ, trách nhiệm làm chủ của đảng viên, cử tri và từ phía Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị phải có cơ chế minh bạch hóa kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin cung cấp tới đảng viên, cử tri. Rõ ràng, khi năng lực làm chủ, trách nhiệm làm chủ của đảng viên, cử tri chưa ngang tầm, việc cung cấp thông tin chưa kịp thời, chính xác, minh bạch, dân chủ thì phương thức bầu cử có dân chủ bao nhiêu nhưng kết quả bầu cử chưa hẳn đã là khách quan, chính xác, người đắc cử chưa hẳn đã là tinh hoa của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị, địa phương như mục tiêu bầu cử dân chủ trực tiếp đề ra. Vì vậy, nâng cao năng lực thực hành dân chủ cho cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần ra sức tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao năng lực làm chủ và trách nhiệm làm chủ của mình. Chỉ khi năng lực làm chủ và trách nhiệm làm chủ của đảng viên được phát huy thì mọi hoạt động dân chủ mới thiết thực xây dựng Đảng vững mạnh.
Từ phương diện tổ chức, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu rộng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng nhất là những quy định liên quan đến thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng, quyền của đảng viên; nâng cao hiệu quả công tác triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Trong thực tế, không ít cán bộ, đảng viên chưa nắm rõ Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng cũng như các nghị quyết của Đảng hoặc có biết nhưng còn rất chung chung. Vì vậy, trong sinh hoạt đảng thấy sai trái, vi phạm cũng không đấu tranh ngăn chặn. Quán triệt sâu rộng Điều lệ, quy chế, quy định, nghị quyết của Đảng chính là biện pháp nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ, đảng viên về quyền, trách nhiệm của mình đối với các công việc của Đảng; đấu tranh với những biểu hiện sai trái, các vi phạm, mất dân chủ trong sinh hoạt đảng.
Bên cạnh đó, trong quá trình dân chủ hóa sinh hoạt đảng, cần hoàn thiện các quy chế, quy định của Đảng theo hướng mở rộng quyền dân chủ trực tiếp trên cơ sở năng lực thực hành dân chủ của cán bộ, đảng viên nói chung.
Thứ hai, đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng củng cố lập trường, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, làm nền tảng cho ý thức dân chủ và tinh thần thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng. Công tác giáo dục lý luận cho cán bộ đảng viên nhằm củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, thực hiện tốt công việc Đảng giao. Giáo dục lý luận là nhằm trang bị và củng cố lập trường giai cấp vô sản, giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất trong xã hội, góp phần “rửa sạch ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể”; cung cấp các cơ sở khoa học, các phương pháp nhận thức khoa học giúp cán bộ, đảng viên nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin vào sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Thực tiễn cho thấy, niềm tin là một yếu tố tinh thần rất cơ bản, tạo nên động lực phấn đấu trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Sự nghiệp của Đảng là cuộc đấu tranh khó khăn, lâu dài, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết, có niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai của dân tộc.
Thứ ba, tổ chức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thường xuyên, hiệu quả, thiết thực. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đây chính là biện pháp căn cơ trong việc định hình thái độ của cán bộ, đảng viên đối với các công việc của Đảng, hình thành thái độ công tâm, khách quan khi xem xét, thể hiện ý kiến trong sinh hoạt đảng. Tiếp theo cuộc vận động theo Chỉ thị 06-CT/TW, trong gần 3 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị.
Tổ chức việc học tập một cách rộng rãi nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Học theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mỗi cán bộ, đảng viên ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình; vượt qua những tư duy lợi ích cá nhân, bè phái, bảo thủ; công tâm thể hiện ý kiến, quan điểm của mình với các quyết định của Đảng, vì sự nghiệp chung của Đảng và dân tộc.
Để việc học tập theo và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt hiệu quả thiết thực, cấp ủy các cấp cần quán triệt việc thực hiện, coi đây là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể, thiết thân của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cuộc vận động và các phong trào đang triển khai trong Đảng và xã hội, nhất là với việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; kết hợp giữa xây và chống, đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân./.
ThS. Nguyễn Hùng Cường
Đại học Luật Hà Nội
(Nguồn: TCCS)