Thứ Năm, 26/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 26/8/2010 14:4'(GMT+7)

Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long - Cần sự đầu tư lớn

 Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hoá thế giới trở thành niềm vinh dự, tự hào và rất có ý nghĩa đối với người dân Việt Nam nói chung và với người dân Thủ đô nói riêng trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, bảo tồn lại đặt ra không ít thách thức.

Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP. Hà Nội và Hội đồng Tư vấn nghiên cứu khoa học nghiên cứu bảo tồn Khu di tích Hoàng thành Thăng Long do Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì, vấn đề bảo tồn di tích đã được các nhà khoa học đề cập khá sôi động.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới là cơ sở pháp lý để việc triển khai tôn tạo, bảo vệ di tích và xây dựng quy hoạch tổng thể được dễ dàng hơn; di tích cũng có điều kiện tiếp cận với công nghệ bảo tồn di sản tiên tiến trên thế giới tốt hơn. Tuy nhiên, sau khi được vinh danh, nếu chúng ta không làm đúng theo công ước quốc tế về bảo vệ di sản thì danh hiệu có thể bị thu hồi. Vì vậy, cùng với niềm tự hào được vinh danh, ngay bây giờ, từ các cơ quan hữu quan đến mỗi người

TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa thì cho rằng, về lâu dài, cách bảo tồn tốt nhất là xây dựng một quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh, cụ thể trong từng năm, từng giai đoạn đối với di tích Hoàng thành. Sự xâm nhập của nước mưa cộng với môi trường có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để nấm, mốc, mối, mọt tấn công di tích. Đối phó với các yếu tố khách quan này cần phải có các thiết bị chuyên dùng để theo dõi, giám sát từng biến động nhỏ nhất của di sản, mà thiết bị chuyên dùng của ta hiện chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn vừa thiếu, vừa yếu. Do đó, theo ông, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cần sự hợp tác của nhiều ngành, nhiều phía, trong đó có cả người dân.

Về vấn đề phát huy giá trị của khu di tích này, có ý kiến cho rằng, chúng ta phải xây dựng qui hoạch tổng thể để bảo tồn. Về mặt kiến trúc, làm sao cho khu di tích hoà nhập với Nhà Quốc hội trong tương lai, với Thành cổ Hà Nội và cả quần thể ấy phải hoà nhập với Trung tâm chính trị - văn hoá Ba Đình.

Theo GS.TS Phan Khanh, điều quan trọng nhất trong bản qui hoạch tổng thể ấy cần phải tính đến việc xây dựng lại Điện Kính Thiên. Phải làm cứng hoá một số bề mặt của những tầng văn hoá đã phát lộ, từ tầng của thời Bắc thuộc cho đến tầng thời nhà Nguyễn, từng tầng văn hoá điển hình nhất của thời đại để cho người xem thấy được rằng, ngày xưa ở đây có cung điện, ở đó có trà đình, có sông nước, có cả những bông lá sen xoè tán trên mặt nước… Dĩ nhiên, đó phải là sự đầu tư lớn. Vì thế, ngoài ngân sách nhà nước, cần kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân và đặc biệt là sự giúp đỡ của quốc tế./.

Lê Mai (Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất