Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 20/10/2009 19:10'(GMT+7)

Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế tài nguyên

Chiều 20/9, Quốc hội  nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế tài nguyên

Chiều 20/9, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế tài nguyên

Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 20/9, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế tài nguyên. Báo cáo thẩm tra về dự án Luật này, Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khẳng định tính cần thiết cũng như nhất trí ban hành Luật thuế tài nguyên thay thế Pháp lệnh hiện hành.

Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, trong lần sửa đổi này, nhiều nội dung đã được Cơ quan soạn thảo làm rõ và quy định chi tiết hơn so với Pháp lệnh hiện hành như về căn cứ tính thuế, giá tính thuế, các trường hợp miễn, giảm thuế...

Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì Dự thảo luật vẫn còn một số điểm cần tiếp tục hoàn chỉnh, cụ thể như: Quy mô sửa đổi, bổ sung cần được mở rộng hơn để thực sự đáp ứng yêu cầu nâng pháp lệnh thành luật; nội dung của Dự thảo luật chưa bảo đảm tính cụ thể, cần sửa đổi theo hướng chi tiết, rõ ràng hơn.

Về nhóm các đối tượng chịu thuế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát văn bản hướng dẫn hiện hành để luật hóa các quy định cần thiết, nhằm bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, ổn định của luật.

Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, việc quy định trong luật những tài nguyên khác chưa được xác định là không bảo đảm tính chặt chẽ trong áp dụng pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tránh vận dụng tùy tiện, tạo ổn định cho môi trường đầu tư, đề nghị xác định cụ thể đối tượng chịu thuế và thuế suất đối với từng loại tài nguyên. 

Đối với tài nguyên nước ngầm, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, hiện nay việc khai thác và sử dụng lãng phí tài nguyên nước ngầm diễn ra khá phổ biến; nếu không có biện pháp kiểm soát và điều tiết bằng thuế có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nước sạch trong tương lai. Vì vậy, đề nghị xem xét, áp dụng thuế suất hợp lý để hạn chế tình trạng trên.

Việc xác định giá thị trường của tài nguyên tại Điểm a khoản 2 Điều 7 của Dự thảo luật quy định: Trường hợp loại tài nguyên chưa xác định được giá bán thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá bán thực tế trên thị trường của đơn vị tài nguyên cùng loại.

Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, quy định trên chưa chặt chẽ vì trên thực tế giá thị trường ở mỗi khu vực là khác nhau; giá ở thị trường khu vực gần nơi khai thác khác với giá thị trường sau khi vận chuyển đến nơi sử dụng. Vì vậy, đối với trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá thị trường theo khu vực.

Về kê khai, nộp thuế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị không nên coi lĩnh vực dầu khí như một ngoại lệ. Việc kê khai, nộp thuế đối với mọi lĩnh vực là bình đẳng, tuân thủ nguyên tắc chung do pháp luật về quản lý thuế và các luật thuế quy định, trường hợp có đặc thù trong kê khai thì việc bổ sung vào luật các quy định để đáp ứng đặc thù đó cũng không phải là quá phức tạp. 

Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với Tờ trình của Chính phủ về thời điểm Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010.

Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) được UBTVQH ban hành năm 1998. Qua hơn 10 năm thực hiện, Pháp lệnh thuế tài nguyên đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp khai khoáng, tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng khai thác tài nguyên diễn ra khá mạnh, có phần kém hiệu quả, khó kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Mặt khác, do được ban hành từ năm 1998 nên một số quy định trong Pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn; mức thuế suất đối với một số tài nguyên mặc dù mới được điều chỉnh song vẫn còn thấp, chưa điều tiết việc khai thác ở mức hợp lý... Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật là phù hợp và cần thiết.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất