Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu
tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân
hiện hành xuất phát từ việc Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung mới,
quan trọng về chế định Viện Kiểm sát Nhân dân.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 5/6, các đại biểu đã làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi).
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân hiện hành xuất phát từ việc Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung mới, quan trọng về chế định Viện Kiểm sát Nhân dân.
Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới toàn diện về: hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc hoạt động, chuẩn hóa các chức danh tư pháp và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.
Thảo luận mô hình tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện hay khu vực, nhiều ý kiến đại biểu chọn phương án 2 là "Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân tại các đơn vị hành chính cấp huyện."
Các ý kiến cho rằng, việc tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện như phương án 2 là phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân.
Các lĩnh vực công tác của cấp kiểm sát này đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án, trong khi các cơ quan này vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức gắn liền với các đơn vị hành chính như hiện nay.
Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt yêu cầu của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra; bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân, Nhà nước và xã hội.
Góp ý về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nên quy định "Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao được bổ nhiệm không thời hạn. Các Kiểm sát viên khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm," như vậy phù hợp với đặc điểm Việt Nam cũng như thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng: "Tất cả các Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu đều có thời hạn là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch, thời hạn là 10 năm, để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các Kiểm sát viên."
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã góp ý kiến vào một số nội dung khác như: Vai trò của Ủy ban kiểm sát; thẩm quyền, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hiện quyền công tố trong giai đoạn điều tra; chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân./.
Theo TTXVN