(TG)-Trải qua 70 năm hình thành, kế thừa và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Những giá trị đó đều được phát triển trên cơ sở kế thừa Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quốc hội; kế thừa những giá trị về dân chủ của cuộc Tổng tuyển cử bầu nên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam.
Tối 4/1/2016, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Chương trình Cầu truyền hình đặc biệt mang tên Người đại diện tại các điểm cầu ở Hà Nội và Tuyên Quang. Tại Hà Nội, tham gia chương trình có đồng chí Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, GS. Nguyễn Lân Dũng, nguyên Đại biểu Quốc hội X, XI, XII.
Bằng những ca khúc hát về Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân của Quốc hội Việt Nam, chương trình đã tái hiện lại không khí khẩn trương, sục sôi chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, trước thời điểm lịch sử của đất nước, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã được khai mạc tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với sự tham dự của 60 đại biểu ở cả 3 miền Bắc- Trung –Nam. Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” của thời đại mới và là tiền thân của Quốc hội Việt Nam.
Vinh dự là thiếu nhi có mặt trong đoàn đại biểu thay mặt nhân dân Tân Trào đến chào mừng Đại hội, chia sẻ tại chương trình, ông Hoàng Ngọc, năm nay đã 79 tuổi, ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nguyên là đại biểu nhi đồng cứu quốc về dự Quốc dân đại hội xúc động nhớ lại: Trong những ngày Đại hội, đình Tân Trào được trang hoàng đẹp hơn, xung quanh đình căng vải đỏ, cờ đỏ sao vàng treo chính giữa. Các hàng ghế của đại biểu được ghép bằng thân cây tre. Ông cho biết, trong lúc chuẩn bị Hội nghị Trung ương và Quốc dân Đại hội, ở đây nội bất xuất, ngoại bất nhập, cán bộ về đều có người đưa vào. Về cán bộ tập trung nhà tôi. Tất cả nhân dân nhộn nhịp chuẩn bị, cái gì cũng ủng hộ cho cách mạng. Ra ngoài đình, Bác bảo làm gì thì nhân dân làm cái đó. Sau đó Quốc dân Đại hội khai mạc có đoàn đại biểu chào mừng Đại hội, đoàn đó mang theo gạo, gà và 1 con bò chúc mừng Đại hội.
Quốc dân Đại hội đã quyết định ủng hộ chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa, thông qua chính sách 10 điểm của Việt Minh và Bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc Việt Nam. 10 điểm trong chính sách của Việt Minh được đại hội thông qua như: Giành lấy chính quyền; Tiến hành võ trang nhân dân; Tịch thu tài sản của giặc và Việt gian sung công và chia cho dân nghèo… Chính sách 10 điểm cũng quyết định đem lại quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ và nhiều quyền khác liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân lúc bấy giờ.
Tại đầu cầu Hà Nội về Quốc dân Đại hội, đồng chí Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định: Đây không chỉ là cơ sở cho một chế độ mới của dân, do dân và vì dân ra đời, mà còn là tiền đề để cả nước tiến tới một cuộc Tổng tuyển cử trên toàn quốc bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước ta vào ngày 6/1/1946. Quốc dân Đại hội Tân trào tạo nền tảng pháp lý, tính chính danh cho 1 giai đoạn lâm thời. Muốn có tính chính danh phải qua Tổng tuyển cử chính thức. Chính vì vậy, chính phủ lâm thời muốn khẳng định quyền lực của mình, quyền điều hành đất nước thì không thể thiếu cuộc bầu cử về sự ủy quyền dân chủ của người dân và phải thông qua bầu cử, phổ thông đầu phiếu với ý chí của toàn dân bày tỏ rõ ràng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh, trong không khí phấn khởi, với tinh thần dân tộc sau thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt già, trẻ, gái trai đã nô nức đi bỏ phiếu, lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội. Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên, người dân được tự tay bỏ phiếu bầu ra những đại biểu Quốc hội ưu tú nhất; những người giỏi giang, gan dạ nhất. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử mở ra triển vọng của một thời kỳ mới; thời kỳ đất nước Việt Nam có Quốc hội, Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Ngược dòng thời gian, các đại biểu tham gia cầu truyền hình đã cùng nhớ lại cách thức tuyên truyền, công tác vận động tranh cử của các ứng viên trước ngày bầu cử rất sáng tạo và thiết thực. Minh chứng cho hoạt động đó là giếng Quốc hội ở vùng Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam ngày nay. Đây là một giếng nước do những ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên ở Quảng Nam giúp người dân tôn tạo từ 65 năm trước. Ngoài việc tuyên truyền tốt cho công tác tổng tuyển cử, giới thiệu người ra ứng cử, để cổ vũ cho những người được Mặt trận Việt Minh cử ra tranh cử, nhiều truyền đơn, thơ ca, hò vè, câu đối... vận động cho ngày bầu cử đã xuất hiện để nhân dân dễ nhớ và bỏ phiếu cho người đại diện quyền lợi của mình. Ví như câu đối mang tên 14 ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Quảng Nam: Xuyến Hiến Viện Diêu Bôi Kỷ Sạ/ Huệ Thao Tống Thự Nhĩ Bằng Tri. (Hoặc thể hiện cách khác như “Hiến Bôi Tống Nhĩ Tri Thanh Viện/ Thự Huệ Diêu Thao Kỷ Sạ Bằng”, trong đó Thanh là bà Lê Thị Xuyến vợ ông Phan Thanh – ĐNCT). Ngoài việc vận động nhân dân thể hiện quyền dân chủ bằng việc hăng hái tham gia bầu cử và bầu cho những ứng viên mà Mặt trận Việt Minh giới thiệu, các ứng cử viên còn thể hiện bằng hành động thiết thực như giúp dân tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống... Một trong những việc làm thiết thực, cấp bách của các ứng cử viên lúc này là giúp dân tôn tạo, xây lại thành và nền một cái giếng làng để bảo đảm nguồn nước sạch cho nhân dân trong sinh hoạt hằng ngày.
Các đại biểu tham gia chương trình cho rằng, việc làm của các ứng viên thời đó đáng để chúng ta học tập. Việc làm đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm giữa các ứng cử viên đại biểu Quốc hội với nhân dân, thể hiện tính ưu việt của chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu. Đây cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay.
Nhìn lại chiều dài lịch sử 70 năm Quốc hội Việt Nam, những thước phim tài liệu, những phóng sự, những nguyện vọng của của tri trong chương trình đã một lần nữa khẳng định giá trị của dân chủ ngày hôm nay đã được hun đúc và phát triển từ những ngày đầu tiên, khi Nhà nước non trẻ của một nước Việt Nam độc lập chưa ra đời. Trải qua 70 năm hình thành, kế thừa và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Những giá trị đó đều được phát triển trên cơ sở kế thừa Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quốc hội; kế thừa những giá trị về dân chủ của cuộc Tổng tuyển cử bầu nên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam. Bên cạnh các chức năng cơ bản là lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, một hoạt động ngày càng trở nên quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, đó là các hoạt động đối ngoại Quốc hội. Đánh dấu sự thành công vượt bậc trong 70 năm hoạt động đối ngoại của Quốc hội, đó chính là việc Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh nghị viện Thế giới (IPU) 132 vào đầu năm 2015 vừa qua. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín và đã hoàn toàn thắng lợi. Kể từ khóa 1 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng phát triển, xứng đáng với kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Thu Hằng