Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 30/12/2010 14:4'(GMT+7)

Quốc hội với chính sách giải quyết đất sản xuất cho hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn

Chính quyền, bộ đội tham gia ngày công giúp đỡ xây nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167. (Ảnh minh hoạ)

Chính quyền, bộ đội tham gia ngày công giúp đỡ xây nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167. (Ảnh minh hoạ)

Để giải quyết tình trạng khó khăn do thiếu đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện 3 quyết định: Quyết định số 134/2004/QĐ – TTg ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ sản xuất, đất đai, nhà ở, và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 74/2008/QĐ – TTg ngày 9/6/2008 về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 -2010; Quyết định số 1592/2009/QĐ – TTg ngày 12/10/2009 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ sản xuất, đất đai, nhà ở, và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

Sau 4 năm (2004 -2008) thực hiện quyết định 134, đã có 85.563 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với tổng diện tích 27.763 ha, đạt 34% so với kế hoạch. Còn lại 188.152 hộ thiếu đất sản xuất chưa được giải quyết. Tổng kinh phí thực hiện là 144,6 tỷ đồng, đạt 47,6% kế hoạch.

Đến cuối năm 2008, có 7 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu hỗ trợ đất sản xuất theo quyết định 134 là: Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương. Việc điều chỉnh đất do nông trường, lâm trường đang quản lý để giao khoán lại cho hộ đồng bào chưa được giao đất sản xuất hoặc chưa đủ đất đã được một số nông trường, doanh nghiệp rà soát quỹ đất, bàn giao hàng nghìn ha đất sản xuất cho đồng bào tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước...

Bên cạnh đó, có 11.360 hộ dân tộc thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã được hỗ trợ, giải quyết đất sản xuất (theo Quyết định số 74) với tổng diện tích đất 16.952,4 ha, đạt 41%.

Để triển khai chính sách này, Chính phủ đã ưu tiên bố trí đủ vốn để các địa phương thực hiện. Các địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân và triển khai chính sách đến người dân đầy đủ. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất hạn chế. Sau 4 năm thực hiện QĐ số 134 và QĐ số 74 của Chính phủ, mới có 43% số hộ nghèo, dân tộc thiểu số đời sống khó khăn được hỗ trợ đất sản xuất theo yêu cầu. Việc triển khai Quyết định số 1592 với 4 hình thức hỗ trợ trực tiếp đối với những nơi không còn đất sản xuất hoặc có đất nhưng không thể sản xuất được là: Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, giao khoán và bảo vệ rừng trồng, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ đi xuất khẩu lao động, thời gian quan vì chưa bố trí được ngân sách nên chưa được thực hiện.

Năm 2011, ngân sách nhà nước phân bổ cho các địa phương để thực hiện Quyết định 1592 là 500 tỷ đồng, đạt 6,3% so với Đề án. Nhìn chung, nhu cầu thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất của các địa phương còn rất lớn. Ngân sách Trung ương hỗ trợ so với nhu cầu thực tế còn hạn chế. Việc giải quyết đất sản xuất cũng như các chính sách hỗ trợ trực tiếp khác như quyết định 1592 đã quy định là rất phù hợp, cần được triển khai một cách đồng bộ.

Các đại biểu đã thảo luận về thực trạng, nguyên nhân và thống nhất một số giải pháp thực hiện hỗ trợ giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn giai đoạn 2011 -2015. Theo đó, chính quyền địa phương rà soát phân loại theo nhóm đối tượng còn thiếu đất sán xuất, phân loại theo từng vùng, từng nhóm dân tộc; rà soát và phân loại đối với quỹ đất trên địa bàn xã, thôn bản có khả năng khai hoang, phục hóa để giao cho các hộ còn thiếu đất sản xuất; nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi kịp thời những cơ chế, chính sách không phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân đối với các hộ dân tộc thiểu số; trong quá trình triển khai kịp thời phát hiện và khắc phục hạn chế, giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc ở cơ sở để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng và có hiệu quả.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách giải quyết đất sản xuất cho hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định: Các chính sách đi vào thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết khó khăn về đất sản xuất, tạo tư liệu sản xuất, góp phần ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho đối tượng hộ nghèo vùng miền núi, đặc biệt khó khăn.

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện các chính sách trên trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập: Kết quả thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng thiếu đất sản xuất của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn phổ biến; việc thi hành Luật đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt kết quả thấp; công tác quy hoạch, quản lý đất đai còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết; tỷ lệ đói nghèo ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn còn ở mức cao; chênh lệch giữa vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với vùng đô thị khá xa và ngày càng tăng… Vì vậy, trong thời gian tới, những tồn tại, yếu kém này cần phải được tổng kết, đánh giá đúng thực tế để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách cho phù hợp với giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu về xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất