Theo Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục rà soát xây dựng phương án thu ngân sách năm 2010 tích cực hơn, bởi năm 2010 tình hình kinh tế thế giới phục hồi, kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh hơn, các chính sách miễn, giảm và giãn thuế không còn, vì vậy thu NSNN sẽ tăng, đặc biệt là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất khẩu.
Tiếp tục phiên làm việc hôm nay của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010 và Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra.
Dự toán thu ngân sách vượt 2,9%
Mặc dù thực hiện giãn, giảm và miễn nhiều sắc thuế đã làm giảm thu NSNN khoảng 20.000 tỷ đồng ( thấp hơn dự tính 28.000 tỷ đồng) nhưng ước thu nội địa cả năm 2009 vẫn đạt 239,650 tỷ đồng, vượt 2,9% dự toán.
Theo UB Tài chính- Ngân sách, thực tiễn cho thấy, trong quý IV, số thu NSNN sẽ tăng cao hơn các quý trước, do đó Chính phủ cần đánh giá sâu sắc hơn về sự tác động của các chính sách miễn, giảm và giãn thuế đến tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách, tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả hơn Luật Quản lý thuế, Luật thuế thu nhập cá nhân, tính toán lại số ước thu NSNN năm 2009 sát hơn với thực tế làm căn cứ để xây dựng dự toán thu NSNN năm 2010.
Đối với việc sử dụng số kết chuyển từ năm 2008 sang năm 2009 của NSTW vượt thêm so với dự toán 8.955 tỷ đồng, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc xử lý khoản chi bù lỗ dầu 3.600 tỷ đồng còn lại của năm 2008 nhằm giải quyết dứt điểm các khoản nợ về bù lỗ dầu trước khi thực hiện cơ chế thị trường đối với giá xăng dầu.
Nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung kinh phí để tăng nguồn thực hiện chương trình tín dụng của Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tôn nền xây dựng nhà vùng ngập lũ, tuy nhiên Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị rà soát loại bỏ các phần trùng lắp với các chương trình khác và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Về việc sử dụng số bội chi NSNN năm 2009 tăng thêm 28.600 tỷ đồng để thực hiện một số khoản chi, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách nhất trí việc xử lý bù hụt thu 10.000 tỷ đồng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương do thực hiện các chính sách chống suy giảm kinh tế trong năm 2009 theo tinh thần Nghị quyết số 32/2009/QH12 .
Nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét việc bố trí tăng chi trả nợ khoảng 6.000 tỷ đồng và sử dụng khoảng 11.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội như làm nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các huyện nghèo… Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng đây là khoản chi không có trong dự toán được Quốc hội quyết định, làm thay đổi dự toán chi, do vậy Chính phủ cần báo cáo cụ thể, chi tiết khoản chi này để Quốc hội xem xét quyết định.
Cơ cấu chi ngân sách chú trọng đầu tư cho con người
Năm 2010, tổng thu cân đối NSNN Chính phủ dự kiến 456.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2009, tăng 65.750 tỷ đồng.
Liên quan đến dự toán chi NSNN, đối với chi thường xuyên, Chính phủ dự kiến 335.260 tỷ đồng, tăng 9,6% so với dự toán năm 2009. Uỷ ban Tài chính- Ngân sách đề nghị chú trọng hơn chi cho con người, chi bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị và địa phương. Đa số ý kiến cũng đồng ý với Chính phủ tăng mức tiền lương tối thiểu từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng từ 1/5/2010.
Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc việc phát hành 56.0000 tỷ đồng vốn trái phiếu trước khả năng huy động và hấp thụ vốn, khả năng giải ngân khó khăn như hiện nay. Đồng thời đề nghị loại bỏ những dự án, công trình đã được bố trí vốn nhiều năm nhưng chưa triển khai, điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với các dự án, công trình cho phù hợp với tình hình thực hiện, ưu tiên vốn tối đa cho dự án có khối lượng hoàn thành, triển khai nhanh.
Về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cơ bản thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc phân bổ dự toán chi, tập trung ưu tiên thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội; bố trí tăng vốn đầu tư cho các vùng kinh tế động lực để có bước đột phá nhanh tạo nguồn thu mới; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, dự án ở các địa phương nghèo, không có khả năng cân đối ngân sách; ưu tiên bố trí vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 7 (Khoá X) .
Theo Chinhphu.vn