Chủ Nhật, 17/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 10/8/2016 21:46'(GMT+7)

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa: Chưa đầy đủ, thiếu sức răn đe

Hoạt động quảng cáo ngoài trời còn nhiều bất cập nhưng thiếu chế tài xử lý. Ảnh: Bá Hoạt

Hoạt động quảng cáo ngoài trời còn nhiều bất cập nhưng thiếu chế tài xử lý. Ảnh: Bá Hoạt

Lạc hậu so với thực tiễn

Văn bản pháp lý cao nhất về xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa hiện nay là Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ (Nghị định 158). Sau hơn 2 năm triển khai, nhiều nội dung của Nghị định 158 không còn phù hợp với thực tiễn đời sống đang có sự thay đổi, phát triển từng ngày. Chẳng hạn, việc không thông báo bằng văn bản nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại nơi biểu diễn bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không đúng với nội dung ghi trong giấy phép bị phạt 5-10 triệu đồng… được cho là quá nhẹ.


Thậm chí, hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng là tổ chức biểu diễn tác phẩm có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá nhân; biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực… cũng chỉ bị phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng hoặc đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 3 đến 6 tháng. Điều đó giải thích tại sao một số tổ chức, cá nhân biết việc biểu diễn nghệ thuật không phép, sai phép, mặc trang phục phản cảm là sai nhưng vẫn cố tình vi phạm.


Đáng nói hơn, tại Nghị định 158, việc đưa ra mức phạt chung 5 triệu đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo lên trụ điện, cột điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh công cộng giữa người thực hiện và người có sản phẩm quảng cáo là không công bằng. Hành vi quảng cáo hàng hóa lẫn với biển hiệu giống hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trên bảng quảng cáo là không chính xác vì biển hiệu không có “chức năng” quảng cáo. Trong khi đó, hành vi vi phạm về quảng cáo phân bón, vốn chưa được điều chỉnh trong bất kỳ văn bản pháp luật nào, lại không được Nghị định 158 đề cập đến. Trên thực tế, những dịch vụ mới na ná dịch vụ văn hóa xuất hiện ồ ạt trong những năm gần đây tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Từ những điều trên, có thể thấy, Nghị định 158 còn nhiều lỗ hổng, lạc hậu so với thực tiễn.

 

Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động chưa đúng quy định. Ảnh: Như Ý

Cần có sự điều chỉnh, bổ sung


Khoảng cách khá xa giữa quy định xử phạt VPHC so với đời sống văn hóa sôi động, phức tạp khiến cho công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa gặp rất nhiều khó khăn.


Dịch vụ văn hóa phổ biến nhất là karaoke hiện đã “phủ sóng” cả nước với hàng vạn cơ sở kinh doanh. Theo quy định, cơ sở kinh doanh karaoke chỉ được hoạt động khi có sự cho phép của các cơ quan chức năng; các phòng hát phải bảo đảm diện tích theo quy định, có đầy đủ trang thiết bị về âm thanh, ánh sáng, phòng chống cháy nổ, lối thoát hiểm… Thế nhưng, phần lớn cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay không bảo đảm điều kiện kinh doanh tối thiểu, thậm chí là hoạt động không phép. Các cơ quan chức năng muốn xử phạt nặng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các hộ kinh doanh nhưng không có chế tài đủ mạnh.


“Hành vi kinh doanh karaoke không phép trước đây, ngoài phạt VPHC còn phải chịu hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Cơ sở kinh doanh nào để xảy ra tình trạng sử dụng ma túy, đánh bạc, cá độ… sẽ bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh không thời hạn. Từ khi thực hiện Nghị định 158, mức xử phạt VPHC tuy tăng lên nhưng lại không có hình thức phạt bổ sung, không tước giấy phép kinh doanh là một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở nhờn luật”, ông Trần Thưởng, Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT Hà Nội khẳng định. Đó cũng là lý do khiến tình hình vi phạm không thuyên giảm dù Hà Nội đã áp dụng mức phạt VPHC cao gấp đôi so với quy định chung, đội kiểm tra liên ngành quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm… liên tục kiểm tra, xử lý VPHC tại các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.


Những bất cập từ thực tế cho thấy, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên “định nghĩa lại" về dịch vụ văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; đồng thời điều chỉnh các quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa cho phù hợp. Việc này càng cần thiết hơn khi Nghị định số 15/2016/NĐ ngày 13-3-2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình, ca múa nhạc, sân khấu; Thông tư hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của Bộ VH,TT&DL… đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có chế tài xử phạt VPHC kèm theo.

 
Bà Nguyễn Hồng Liên, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH, TT&DL): Một số trường hợp kinh doanh trò chơi điện tử đã biến trò chơi này thành hoạt động cờ bạc (máy bắn cá, đua heo, đua ngựa…) và tổ chức chơi ở rất nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hành vi tổ chức chơi cờ bạc núp bóng dịch vụ văn hóa hiện chưa có trong các quy định xử phạt VPHC về văn hóa nên lực lượng thanh tra văn hóa chưa có thẩm quyền xử phạt. Dịch vụ phòng hát gia đình, cà phê ca nhạc, ca bin hát… thực chất là sự biến tướng của hoạt động kinh doanh karaoke, cũng chưa có trong danh mục xử phạt VPHC về văn hóa.
 

Hà Hiền (hanoimoi.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất