Trung bình mỗi ngày có gần ba trẻ em bị xâm hại tình dục, đó là con số không thể chấp nhận, nhưng trên thực tế, đây mới chỉ là "phần nổi của tảng băng". Bởi những nguyên nhân khác nhau, nhiều vụ việc chưa được phát giác, gây tổn hại nghiêm trọng cho nạn nhân, trở thành nỗi đau ám ảnh trong nhiều gia đình, trong khi kẻ thủ ác vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vì vậy, nếu không kiên quyết hành động, chúng ta sẽ có lỗi với tương lai của chính mình.
Thời gian qua, dư luận hết sức phẫn nộ trước việc một người đàn ông hơn 70 tuổi bị tố cáo vì có hành vi dâm ô với nhiều trẻ em ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ðơn kêu cứu của phụ huynh có con bị xâm hại cho biết sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đã hơn sáu tháng kể từ khi có quyết định khởi tố vụ án, đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý triệt để. Gia đình người tố cáo cho biết, sau khi đơn được gửi đi, vẫn có thêm sáu bé gái nữa được người thân và các nhân chứng xác nhận bị người đàn ông này quấy rối tình dục! Dù sự việc được báo chí phản ánh, nhưng người bị tố cáo vẫn nhởn nhơ, thậm chí còn có thái độ thách thức dư luận. Ngay sau khi nhận được đơn kêu cứu của gia đình bé gái, ngày 12-3, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đã yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp, điều tra sớm làm rõ, có kết luận về vụ việc. Một ngày sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước về vụ việc ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tại Hà Nội vụ một bé gái 8 tuổi nghi bị xâm hại nhiều lần nhưng đối tượng xâm hại chưa bị xử lý cũng đã có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, cụ thể: UBND thành phố Hà Nội phải khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc. Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngay trong ngày 13-3, việc một bé gái lớp 1 có dấu hiệu bị xâm hại trong thời gian học tại trường cũng được dư luận quan tâm, bức xúc; nhiều người bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc. Chúng ta chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc của cơ quan chức năng để không phải tiếp tục chứng kiến thêm những vụ quấy rối tình dục mà nạn nhân là những trẻ em ngây thơ, nhỏ dại.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LÐ-TBXH), từ năm 2011 đến năm 2015, ở Việt Nam đã phát hiện hơn 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân (tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước giai đoạn đó), trong đó có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em (chiếm khoảng 65%). Như vậy trung bình mỗi ngày có gần ba trẻ em bị xâm hại tình dục! Không chỉ tăng về số lượng và mức độ, mà đối tượng bị xâm hại ngày càng ít tuổi hơn, cụ thể: Nếu như trước đây nạn nhân bị xâm hại thường từ 13 đến 18 tuổi, nay nhiều nạn nhân ở lứa tuổi 5 đến 13 tuổi! Tuy nhiên, đây chỉ là "phần nổi của tảng băng", vì con số thực tế còn cao hơn - đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Bảo vệ trẻ em, Bộ LÐ-TBXH.
Theo dõi tin tức liên quan đến các vụ xâm hại trẻ em trong những năm qua, chúng ta không khỏi bất ngờ bởi thủ phạm thuộc đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề và cách thức gây tội cũng đa dạng và phức tạp. Có vụ thủ phạm là người đã 82 tuổi nhưng vẫn có hành vi đồi bại với cháu bé mới 9 tuổi. Có vụ việc thủ phạm là người hàng xóm thân cận nhưng vẫn nổi thú tính với những em bé chỉ mới 3 đến 5 tuổi. Thủ phạm còn là hiệu trưởng một trường học nhưng không giữ đạo thầy trò mà trong thời gian dài có hành vi dụ dỗ nữ sinh mới 10 đến 11 tuổi để sàm sỡ, quấy rối tình dục. Thủ phạm có khi là cha dượng, khiến một bé gái phải mang thai lúc mới 14 tuổi. Có những vụ xâm hại mà thủ phạm dùng các chiêu lừa đảo trên facebook để dụ dỗ những học sinh vừa dậy thì. Thậm chí có vụ việc đau lòng mà thủ phạm lại chính là cha đẻ. Mới đây câu chuyện của một cô gái bị buộc phải phục vụ tình dục suốt 12 năm trời cho chính ông nội mình đã khiến nhiều người không khỏi rùng mình, ớn lạnh. Chỉ tới khi chính cô gái tiết lộ sự thật, mọi người mới được biết. Vậy suốt 12 năm khổ ải của đứa trẻ ấy, họ hàng và làng xóm ở đâu? Họ có biết sự việc đau lòng này? Nếu biết mà không tố cáo thì sự im lặng của họ cũng là một tội ác không thể tha thứ. Hiện nay tỷ lệ phát hiện các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở thành phố cao hơn so với nông thôn trong khi theo các chuyên gia nghiên cứu, chính trẻ em nông thôn lại là nhóm đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao (chỉ xếp sau nhóm trẻ em lang thang cơ nhỡ). Ðiều này có thể lý giải từ thực tế ở một số nơi, việc giáo dục tâm sinh lý, cũng như sự quan tâm tới con cái chưa được bố mẹ coi trọng đúng mức, dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát hành vi, lối sống của con. Khi con bị quấy rối, bị xâm hại, không ít gia đình lại chọn giải pháp im lặng, do quan niệm lạc hậu và tâm lý xấu hổ. Hậu quả để lại đối với những trẻ em bị xâm hại tình dục rất nặng nề: bị chấn thương nghiêm trọng thể chất, tâm - sinh lý, trẻ dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội dẫn đến phản ứng tiêu cực như tự tử... Trong một số trường hợp, trẻ bị mang thai ngoài ý muốn, thậm chí có thể bị chết. Tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này, từ đó có cách hành xử đúng đắn. Vì vậy mới có hiện tượng một số người dù biết sự thật nhưng né tránh hoặc im lặng vì không muốn phiền lụy, hoặc sợ bị thủ phạm trả thù; hoặc thay vì lên tiếng tố cáo thủ phạm, bảo vệ con mình, có gia đình chọn cách "đào sâu chôn chặt" sự việc vì coi đó là "vết nhơ", vì lo ngại cho tương lai của con. Ðặc biệt, lẽ ra nạn nhân cần được cộng đồng quan tâm, chia sẻ thì lại trở thành đề tài để một số người đàm tiếu, khiến nạn nhân phải sống trong mặc cảm xấu hổ; một số trường hợp dù được nạn nhân và gia đình thông tin vụ việc nhưng người có thẩm quyền lại có hành vi bao che tội phạm... Chính các thái độ tiêu cực này đã tiếp tay cho tội ác, và hậu quả là ngày càng có nhiều trẻ em bị xâm hại với mức độ nghiêm trọng hơn.
Rõ ràng nếu không có những hành động quyết liệt thì nạn xâm hại tình dục trẻ em sẽ không thể bị ngăn chặn. Ðây là câu chuyện liên quan đến mọi gia đình, mỗi cá nhân. Vừa qua, sự vào cuộc tích cực của truyền thông đã đóng vai trò quan trọng đấu tranh, tố giác thủ phạm xâm hại trẻ em, tuy nhiên cần sự tham gia tích cực hơn nữa của cả cộng đồng. Trước hết là trách nhiệm của các cha mẹ, thể hiện bằng sự quan tâm, chia sẻ và hướng dẫn con mình các kiến thức về giới tính, cũng như kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân. Cha mẹ cần quan tâm, kịp thời nắm bắt biểu hiện bất bình thường của con để tìm hiểu nguyên nhân, tìm biện pháp thích hợp. Bên cạnh đó, không thể không kể đến vai trò của nhà trường trong giáo dục tâm sinh lý lứa tuổi, các biện pháp phòng ngừa nạn xâm hại tình dục, thiết lập môi trường học đường thân thiện, an toàn. Về xã hội, vai trò của chính quyền cơ sở và các tổ chức, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên,... cũng hết sức quan trọng, vì từ đây việc nắm bắt thông tin sát sao sẽ giúp có được các biện pháp chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời, giúp hạn chế đến mức thấp nhất những vụ xâm hại có thể xảy ra. Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường hơn nữa hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, nghiêm khắc xử lý các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có một nhiệm vụ không kém quan trọng là khảo sát và thống kê số lượng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ lang thang cơ nhỡ,... để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, từ đó giúp thực hiện tốt chương trình bảo vệ trẻ em. Việc thiết lập đường dây nóng tư vấn, giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan nạn xâm hại tình dục trẻ em hết sức cần thiết nhằm giúp các nạn nhân và gia đình khi sự việc không mong muốn xảy ra. Xã hội chỉ có thể phát triển bền vững khi trẻ em được tạo mọi điều kiện để phát triển lành mạnh, an toàn. Hơn thế, trẻ em là tương lai của đất nước, và toàn xã hội phải có trách nhiệm vun đắp cho tương lai ấy.
Song Giang/Nhân dân