Thứ Hai, 3/2/2014 22:5'(GMT+7)
Ra đời hội đồng tiền lương: Cải cách để hội nhập
Năm 2013 là năm Bộ Luật Lao động bắt đầu có hiệu lực, đã có 13 Nghị định
và 9 thông tư hướng dẫn được ban hành, đánh dấu nhiều sự thay đổi trong
việc điều chỉnh quan hệ lao động phù hợp với quá trình hội nhập.
Trong cuộc trao đổi với báo chí trong dịp đầu năm mới 2014, Bộ trưởng
Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, sự ra đời
của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ giúp giải quyết mối quan hệ lao
động, tiền lương hiện nay theo hướng kinh tế thị trường.
- Thưa Bộ trưởng, theo Bộ trưởng đánh giá thì đâu là điểm sáng đáng
chú ý nhất trong năm 2013 của ngành Lao động -Thương binh và Xã hội?
Trong năm 2013, Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực với sự
ra đời và đi vào hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nhiều vấn
đề mới về quan hệ lao động, tiền lương được hướng dẫn thực hiện cụ thể
là một điểm sáng trong công tác lao động của ngành.
Để đảm bảo các quy định của bộ Luật Lao động sửa đổi đi vào cuộc sống,
trong năm 2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, tham mưu
ban hành 13 Nghị định, 09 Thông tư hướng dẫn thực hiện bộ Luật.
Điểm nổi bật trong triển khai thực thi Bộ Luật Lao động năm 2013 là lần
đầu tiên ở Việt Nam có Hội đồng Tiền lương quốc gia. Đây là cơ quan có
chức năng tư vấn trực tiếp đến Chính phủ các vấn đề liên quan đến chính
sách tiền lương như: Nghiên cứu đưa ra lộ trình, thời điểm điều chỉnh,
mức điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm theo yêu cầu của Chính phủ; mức
lương tối thiểu vùng hàng năm và từng thời kỳ…
Hội đồng đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/8/2013. Đây là quyết
tâm lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tiếp tục đổi mới
chính sách tiền lương theo kinh tế thị trường, phù hợp với quá trình hội
nhập
- Thưa Bộ trưởng, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã đến, người có công và
người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm, chăm lo Tết
như thế nào?
Công tác chăm lo đời sống cho người nghèo đã được Đảng và Nhà nước ta
nhấn mạnh là công tác trọng tâm. Riêng hoạt động chăm lo đời sống cho
người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán 2014, theo đề nghị của Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ gạo cứu đói
cho 14 tỉnh cho các hộ thiếu ăn trong dịp Tết.
Các địa phương trên cả nước cũng đã có kế hoạch hỗ trợ ăn Tết cho người
nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Mức hỗ trợ phổ biến
200.000-300.000 đồng/đối tượng.
Với đối tượng chính sách người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội chỉ đạo các địa phương trong cả nước thực hiện chuyển quà của Chủ
tịch nước đến các đối tượng chính sách theo Quyết định 12/QĐ-CTN ngày 06
tháng 1 năm 2014 với tổng số đối tượng hưởng quà là 1.471.900 người,
tổng mức kinh phí quà tặng trên 397,3 tỷ đồng, với 02 mức quà 200.000
đồng và 400.000 đồng.
Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu
cho Lãnh đạo tỉnh, thành phố trích ngân sách, tổ chức thăm hỏi tặng quà
các gia đình chính sách. Đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có
Tết. Tu bổ tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ, tổ chức đặt vòng hoa
viếng nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công liệt sỹ trong dịp
Tết.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao quà Tết cho các đối tượng chính sách. (Ảnh: Anh TUấn/TTXVN)
- Thưa Bộ trưởng, mặc dù Việt Nam đã từng được đánh giá là "một điểm
sáng thành công" trong xóa đói giảm nghèo nhưng lại chưa thực sự bền
vững. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, với trọng trách của mình, Bộ Lao
động-Thương binh và Xã hội sẽ có những giải pháp đột phá gì trong năm
2014 để góp phần giảm nghèo bền vững?
Những giải pháp đột phá về góp phần giảm nghèo bền vững năm 2014 gồm có 3
nhóm giải pháp tập trung vào thay đổi về chính sách, tổ chức thực hiện
và phân bổ nguồn lực.
Chúng tôi sẽ sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo trong thời
gian tới cần đảm bảo các nguyên tắc giảm nghèo bền vững, hỗ trợ mới cần
theo hướng như mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo
nhằm hạn chế tái nghèo.
Định hướng giảm nghèo trong thời gian tới cần phân loại nhóm đối tượng
để có các chính sách cụ thể theo hướng có lộ trình, phân loại đối tượng
và chính sách để giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không”
đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ
phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự
chủ vươn lên thoát nghèo.
Về nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo, chúng ta tập trung
ưu tiên bố trí ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn tín
dụng ưu đãi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội các vùng
khó khăn.
Đặc biệt, trong năm 2014, chúng ta sẽ rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ
các chính sách, chế độ giảm nghèo bền vững, trên cơ sở đó lồng ghép các
chính sách, loại bỏ các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả.
Một số chính sách hiện đang trợ cấp bằng tiền mặt sẽ được tích hợp thành
một gói trợ cấp có điều kiện để giảm đầu mối cơ quan quản lý, chi trả
và tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, thủ tục, chi phí đi lại..
cho đối tượng thụ hưởng khi nhận trợ cấp.
- Một trong những lĩnh vực được xã hội rất quan tâm là xuất khẩu lao
động đã có những tín hiệu có thể mở lại thị trường Hàn Quốc tạo cơ hội
việc làm thu nhập cao cho hàng chục nghìn người lao động, xin Bộ trưởng
cho biết thêm về vấn đề này?
Ngày 31/12/2013, tôi đã ký Bản ghi nhớ đặc biệt với Bộ trưởng Việc làm
và Lao động Hàn Quốc nối lại việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc
theo đúng thỏa thuận đã ký giữa hai Bộ trưởng trong dịp Tổng thống Hàn
Quốc sang thăm Việt Nam tháng 9/2013.
Đây là kết quả của những nỗ lực hơn một năm qua của Việt Nam và Hàn Quốc
trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động
hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp. Chúng đã
thực hiện tuyên truyền, vận động rộng khắp trong nước và tại Hàn Quốc để
nâng cao nhận thức của người lao động, ban hành các chính sách mới bao
gồm chế tài hành chính và kinh tế để ngăn ngừa tình trạng lao động hết
hạn hợp đồng không về nước. Kết quả, tỷ lệ lao động đi làm việc ở Hàn
Quốc không về nước đã giảm từ 53,1% từ cuối năm 2012 xuống còn 38,2%
cuối năm 2013.
- Như vậy hiện nay vẫn còn gần 40% số lao động Việt hết hạn hợp đồng
không về nước tại Hàn Quốc. Xin Bộ trưởng cho biết những biện pháp nào
để triển khai để giải quyết rốt ráo vấn đề này?
Việc tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước trong tháng
10/2013 giảm xuống còn 38,2% so với 53,1 % quý 4/2012 là kết quả của
những nỗ lực rất lớn từ hai phía Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo tôi, để tập trung giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng
không về nước, tiến tới ký Bản ghi nhớ bình thường vào cuối năm 2014,
một mặt chúng tôi tạo điều kiện tốt nhất cho những lao động thực hiện
tốt pháp luật, mặt khác chúng tôi đã chỉ đạo, phối hợp với cơ quan đại
diện Việt Nam tại Hàn Quốc và các địa phương xử lý nghiêm những người vi
phạm pháp luật với những quy định mới.
Các biện pháp quản lý lao động tại Hàn Quốc sẽ được tăng cường. Văn
phòng Quản lý lao động tại Hàn Quốc sẽ phải hợp tác chặt chẽ với với các
cơ quan chức năng của Hàn Quốc để có thể vận động đến từng đối tượng
lao động chuẩn bị hết hạn hợp đồng và có những biện pháp vận động, tư
vấn phù hợp để người lao động về nước đúng thời hạn, triển khai mạnh mẽ
hơn nữa chương trình hỗ trợ việc làm cho người lao động đã về nước, tổ
chức các hội chợ việc làm cho người lao động, hỗ trợ tín dụng, nâng cao
tay nghề cho người lao động.
Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục yêu cầu phía Hàn Quốc thực hiện xử phạt
nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, phối
hợp chặt chẽ với phía Việt Nam trong việc thực hiện các chế tại xử lý
vi phạm.
Với quyết tâm của Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội, của các cơ quan cơ
liên quan và chính quyền các địa phương, tôi tin là chúng ta sẽ đạt kết
quả tốt cuối năm 2014 từ đó có thể ký Bản ghi nhớ bình thường về hợp tác
đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
-Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo vietnam+