Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội đàm Paris. Bà là một nhân chứng quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại với những dấu mốc được toàn thế giới biết đến.
Tập hồi ký chỉ vọn vẹn 400 trang, chia làm 14 phần nói về quê hương, tuổi thơ, cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Nguyễn Thị Bình với điểm nhấn là các dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, những suy nghĩ, cảm nhận khi bà đảm nhiệm nhiều cương quan trọng, trong đó có cương vị Phó Chủ tịch nước cho đến khi nghỉ hưu...
Tác giả đã chọn một tựa đề thật giản dị cho tập hồi ký của mình "Gia đình, bạn bè và đất nước" bởi đó những nguồn gốc tạo nên sức mạnh đặc biệt chỉ của riêng bà Nguyễn Thị Bình. Từng trang hồi ký đã lay động độc giả bằng chính ngôn từ giản dị, không triết lý cao siêu mà gần gũi, chân thành như lời tâm sự với người thân... của nhà nữ trí thức cách mạng - nhà ngoại giao và chính khách nổi tiếng rất sắc sảo, mềm mỏng nhưng cũng hết sức kiên quyết đấu tranh đầy tính nhân văn của dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên bàn đàm phán và bạn bè năm châu.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định rằng có lẽ bà Nguyễn Thị Bình là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau.
Những năm chiến tranh khốc liệt, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường nhưng uyên bác, gần gũi, sang trọng và sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin… Bà gọi công việc đó là “ngoại giao nhân dân,” nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi của Việt Nam trong thế kỷ qua.”.../.
(TTXVN)