Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 31/5/2012 11:38'(GMT+7)

Sẽ rút giấy phép tờ báo sai tôn chỉ, mục đích

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

 

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội về xu hướng đưa tin giật gân, câu khách của một số tờ báo hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định như vậy.

PV: Thưa Bộ trưởng, ngày càng xuất hiện nhiều tờ báo đăng tải những thông tin đi quá sâu vào việc khai thác các chi tiết rùng rợn, phản cảm, có tác dụng tiêu cực đến người đọc… Liệu có phải các chế tài của chúng ta vẫn còn quá nhẹ, chưa nghiêm?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đúng là chúng ta đã xử lý chưa nghiêm, cần phải nâng cao hơn nữa các chế tài của các cơ quan quản lý các cấp từ Bộ đến Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) các tỉnh. Mục đích chính là ngăn chặn việc cơ quan báo đi sai tôn chỉ, mục đích. Báo chí có quyền nói sự thật nhưng sự thật đó phải vì lợi ích của đất nước, cho dân. Những vụ án như vậy, viết một cách chi tiết các tình tiết thì có nên hay không? Viết như thế anh còn làm cho người ta tò mò hơn, nhất là giới trẻ. Vậy có nên như thế hay không? Điều này rõ ràng không phù hợp với lợi ích của đất nước, nhất là thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Nhà báo là những người hoạt động trên mặt trận chính trị - tư tưởng, phải có nhạy cảm về chính trị, tư tưởng, văn hóa tại sao anh lại mô tả chi tiết tình tiết vụ án như thế nhất là những vụ án giết người man rợ, những hành vi hiếp dâm, đồi trụy. Trong khi đó chỉ là hình ảnh rất cá biệt ở Việt Nam, không phải phổ biến và không cần phải tuyên truyền, cổ súy cho các hành động đó. Điều đó không có lợi, nhất là trong việc hình thành nhân cách của lớp trẻ.

PV: Vậy theo Bộ trưởng, để hạn chế những sai phạm này chúng ta phải tăng cường những biện pháp nào?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Trong hội nghị toàn quốc về báo chí diễn ra ở Quảng Ninh cuối tháng 3 vừa qua, báo cáo của Bộ TT-TT cũng đã chỉ ra 13 khuyết điểm của báo chí. Trong đó, lỗi yếu kém nhất là không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Nếu những cơ quan báo chí này không thay đổi, kéo dài thì sẽ phải xem xét lại giấy phép hoạt động.

PV: Trào lưu đăng tin giật gân, câu khách đang ngày càng "nở rộ" khiến nhiều người phân vân: liệu chúng ta đang có một dòng báo "lá cải" phát triển, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Ở nước ta không có báo gọi là báo "lá cải". Tất cả các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Còn đương nhiên báo nào có sai phạm, đi lệch tôn chỉ, mục đích khi cho ra đời ấn phẩm thì phải xem xét xử lý. Một số báo đã không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Đây là khuyết điểm mà chúng tôi đánh giá là nặng nhất, kéo dài trong thời gian vừa qua.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nhiều người sợ báo chí

PV: Ông Dương Trung Quốc: Xin ông cho biết quan điểm về cách đưa tin giật gân, câu khách của một số tờ báo hiện nay?

Ông Dương Trung Quốc: Báo chí là một hoạt động rất có quyền lực, có tác động hai mặt. Chúng ta đã có Luật Báo chí và đạo đức báo chí của cộng đồng những người làm báo - Hội nhà báo Việt Nam. Những hiện tượng đó trước hết phải chế tài bằng luật, làm sai phải đính chính. Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm vì anh cho đăng các thông tin đó.

Đặc biệt, trong cộng đồng báo chí phải có thái độ ủng hộ hay không ủng hộ. Dẫu sao cơ chế thị trường cũng ảnh hưởng quá nhiều đến người làm báo, cách đưa tin. Đấy chưa kể là những thông tin xúc phạm cá nhân mang đến những tác động tiêu cực cho đời sống xã hội. Ví dụ như vấn đề giá cả, bà con nông dân hay những người làm ra những sản phẩm…  vì cách đưa tin không có trách nhiệm của báo chí mà dẫn tới những thiệt hại không thể tính nổi.

Chúng ta cũng cần có cơ chế để hạn chế những vấn đề này nếu không sẽ bị cuốn theo những thứ rẻ tiền, câu khách, không có lợi cho xã hội. Chúng ta có một cơ chế rất chặt, tờ báo nào cũng có cơ quan chủ quản, mà cơ quan chủ quản đều rất đáng tin cậy.

Hiện nay ai cũng biết là có nhiều báo chí tư nhân trá hình mà người ta bán cái tên trên báo là chủ yếu. Rất nhiều tờ báo không làm đúng chức năng.

PV: Theo ông ở Việt Nam có báo lá cải không?

Ông Dương Trung Quốc: Có báo lá cải, nhưng “cải” cũng có loại “sạch” loại “bẩn”, kể cả báo chính thống cũng vậy.

PV: Nếu các tờ báo cứ vin vào cớ đáp ứng thị hiếu người đọc mà không điều chỉnh cách đưa tin mà cứ tự do như hiện nay thì sao, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Không có xứ sở nào có tự do tuyệt đối cả. Tự do phải trong khuôn khổ luật pháp. Chúng ta tự do mà luật pháp không được thi hành. Chúng ta đã không tạo ra dư luận đấu tranh, ngay trong giới nghề nghiệp.

PV: Vậy tại sao lại có thực tế này, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Hiện nay có hiện tượng mọi người sợ báo chí, nhất là doanh nghiệp. Vì hiệu ứng của báo chí mạnh mẽ lắm, “chờ được vạ thì má đã sưng”. Cho nên họ sử dụng những tiêu cực để xử lý những việc đó cho êm chuyện đi. Công dân chưa ý thức được quyền của mình. Vì thế thường họ cảm tưởng, lo ngại rằng mình sẽ không thắng được và cho qua chuyện đi. Đó chính là lý do để dung dưỡng những tiêu cực của báo chí.

PV: Thế nhưng nhiều tờ báo phải tự hạch toán báo nên phải đưa tin giật gân thì mới bán được báo?

Ông Dương Trung Quốc: Đừng lấy lý do ấy. Có nhiều cách giật gân, câu khách. Giật gân mà đúng sự thật thì phải hoan nghênh vì đấy là một nghệ thuật làm báo giỏi. Nói sai sự thật, gây phản cảm, tác động xấu thì không thể khuyến khích.

PV: Xin cảm ơn ông./.

 

Vũ Hạnh (thực hiện)/VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất