Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 5/6/2012 17:4'(GMT+7)

Vinh danh những tấm gương bình dị, cao quý

Đại diện các đơn vị tổ chức  cuôc thi trong buổi gặp mặt báo chí

Đại diện các đơn vị tổ chức cuôc thi trong buổi gặp mặt báo chí

Trong dòng chảy của đất nước Việt Nam đang trên đà hội nhập, phát triển có những tấm gương bình dị nhưng việc làm của họ thì vô cùng cao quý. Những điển hình tiên tiến ấy như những bông hoa làm rạng rỡ non sông, gấm vóc Việt Nam.Chính vì lẽ đó, tiếp theo thành công của Cuộc thi viết lần thứ nhất (năm 2008), Báo Quân đội nhân dân, Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản QĐND đã phối hợp, tổ chức cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 3 (năm 2011).

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ đại biểu các cơ quan báo chí giới thiệu chương trình trên vào sáng 5-6, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh: “Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 3 đã có hàng trăm tác phẩm của các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi về dự thi. Ban Tổ chức đã tuyển chọn được 114 tác phẩm đăng trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân. Ban tổ chức đã mời Ban giám khảo là những nhà báo uy tín của nước nhà thẩm định, lựa chọn 15 tác phẩm để trao giải (01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và các giải khuyến khích).Nhà xuất bản QĐND đã tập hợp in được 6 tập sách thuộc tủ sách “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phát hành rộng rãi trong cả nước, kế tiếp loại sách “Người tốt việc tốt” do Bác Hồ chỉ đạo xuất bản trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Nói về những nét mới của cuộc thi năm nay, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân khẳng định: “Nét đặc sắc của cuộc thi lần này so với hai lần trước là những tấm gương “bình dị” đa dạng, phong phú hơn. Bên cạnh những người tình nguyện làm việc thiện cứu giúp những người kém may mắn trong cuộc sống, xuất hiện nhiều tấm gương là những nhà khoa học, các đồng chí cán bộ cao cấp và nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội. Điển hình phải kể đến tác phẩm “Trọn đời tâm huyết với Hoàng Sa, Trường Sa” của tác giả Thanh Kim Tùng (tác phẩm được trao giải nhất), viết về tấm gương nhà sử học, Tiến sỹ Nguyễn Nhã, sinh năm 1940. Ông đã dành gần trọn cuộc đời của mình để nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật, những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”.

Một tấm gương tích cực tham gia cùng gia đình vận động được 267 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện suốt 12 năm qua, đó là cựu chiến binh Lê Đình Duật, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Những việc làm của ông đã được phản ánh trong bài viết “Tâm hồng” của tác giả Nguyễn Liên dự thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Năm nay đã bước vào tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng trong dòng máu của người chiến sĩ này vẫn luôn cháy bỏng ngọn lửa được giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Kể về ngày đầu tiên tham gia hiến máu, những ký ức về năm tháng chiến đấu ở chiến trường lại hiện về trong tâm trí người cựu chiến binh này. “Lần đầu tiên tôi hiến máu là trong một lần chiến đấu chống quân xâm lược, đồng đội của tôi bị thương rất nặng và mất nhiều máu. Lúc ấy, tôi quyết định hiến máu của mình cho đồng đội. Mặc dù thời điểm ấy và đến bây giờ tôi không biết người đồng chí mà tôi đã hiến máu tên là gì, quê quán ở đâu nhưng tôi rất vui vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa”. Khi hòa bình lập lại, cựu chiến binh Lê Đình Duật đã quyết tâm tham gia vào việc vận động hiến máu. Có lúc, việc làm của ông bị nhiều người quở mắng, thậm chí có người đến tận nhà ông để lên án vì đã vận động con em họ đi hiến máu. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong tâm khảm của người cựu chiến binh Lê Đình Duật không nguôi ngoai tâm nguyện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh bằng việc làm bình dị của mình và những người khác.

Đồng hành cùng Báo Quân đội nhân dân trong cuộc thi này có các đơn vị, doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí, trong đó có Nhà xuất bản Quân đội nhân dân – đơn vị này đã in thành sách những bài viết về tấm gương bình dị cao quý của các tác giả đã đăng trên báo Quân đội nhân dân. Đại tá Phạm Bá Toàn – Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho biết: “Nói về người tốt, việc tốt không phải bây giờ Việt Nam mới làm nhưng để tạo ra một phong trào sâu rộng thì chưa có nhiều. Cuộc thi do Báo Quân đội nhân dân phát động thể hiện đạo lý của người Việt Nam. Làm sao để cả đất nước là một cánh đồng hoa đẹp cần có sự góp sức của nhiều người”.

Sau khi tổng kết kết quả cuộc thi lần thứ 3, Ban tổ chức tiếp tục phát động cuộc thi lần thứ 4 (năm 2012) và bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 1-1 đến ngày 31-12-2012. Với mục đích, ý nghĩa mang tính nhân văn cao cả, Ban tổ chức mong muốn nhận được nhiều bài dự thi để những tấm gương “bình dị mà cao quý” tiếp tục được giới thiệu, tôn vinh, góp phần dấy lên phong trào thi đua yêu nước theo lời Bác dạy.

(QĐND Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất