Sau cuộc chạy đua tìm kịch bản, các đơn vị sân khấu kịch nói đã gửi tới BTC Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 (HDSKKNCNTQ) danh sách vở dự thi của mình.
Mong muốn tác phẩm vừa đoạt giải cao nhưng phải kéo đông khán giả đến rạp là mục tiêu hướng tới của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật khi lựa chọn vở đi hội diễn lần này. Đó cũng là nguyên nhân của sự chậm trễ khiến nhiều vở diễn đã đăng kí dự thi nhưng vẫn đang trên sàn tập. Không chỉ cách lựa chọn vở đi dự thi của các đơn vị được đổi mới mà trong quy chế chấm thi cũng đã có những chỉnh sửa phù hợp với tình hình thực tiễn hơn.
Sân khấu xã hội hóa ra quân rầm rộ
Mục đích lựa chọn TP.HCM làm địa điểm tổ chức HDSKKNCNTQ 2009, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị xã hội hóa – đối tượng lâu nay thường nói “không” với các hội diễn tham gia kỳ hội diễn lần này của BTC đã thực sự có hiệu quả. Duy nhất sân khấu Idecaf từ chối không tham gia hội diễn, còn lại các sân khấu kịch nói mạnh và có thương hiệu ở TP.HCM đều có tiết mục tham gia HDSKKNCNTQ lần này. Đó là: Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ 5B Võ Văn Tần (Cánh đồng bất tận, Biển), Sân khấu Kịch Sài Gòn (Hồn ma báo oán), Sân khấu Nụ cười mới (Ông bà nội ngoại), Nhà hát Thế giới Trẻ (Tình yêu và nỗi buồn), Công ty cổ phần Dịch vụ truyền thông quảng cáo Sài Gòn Phạm (Dòng nhớ), Sân khấu Kịch Phú Nhuận (Mẹ và người tình, Chiếc áo thiên nga), Nhà hát Kịch TP.HCM (Người thi hành án tử).
Bà bầu Hồng Vân nói: “Dư luận cho rằng sân khấu xã hội hóa thường thờ ơ và quay lưng với các hội diễn, liên hoan của Nhà nước tổ chức là hoàn toàn không đúng. Thông thường các hội diễn, liên hoan sân khấu có thể loại kịch nói thường tổ chức ở miền Bắc, việc đi lại cũng như chi phí ăn ở, dàn dựng cho vở diễn và nghệ sĩ quá tốn kém nên chúng tôi đành nói không với các kỳ hội diễn, liên hoan. Lần này anh em nghệ sĩ kịch nói xã hội hóa chúng tôi tham gia không cốt để lấy huy chương mà chỉ muốn giới làm nghề thấy rằng sân khấu hoạt động theo mô hình xã hội hóa vẫn làm được những vở chính kịch chuyên nghiệp và thực sự nghiêm túc. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi được khoe tài với bạn nghề và cũng để được học tập cái hay từ các đơn vị bạn”.
Số lượng vở diễn đăng ký tham gia HDSKKN CNTQ đã lên tới 25. Ba Nhà hát kịch tại Hà Nội đều tham gia từ 2 đến 3 vở. Nhà hát Kịch Việt Nam 2 vở: Giai nhân và anh hùng, Trên cả trời xanh. Nhà hát Tuổi Trẻ 3 vở: Kịch thơ Kiều Loan, Ngôi nhà quỷ ám, Hài kịch Ai sợ ai. Nhà hát Kịch Hà Nội đang ráo riết tập lại vở Điện thoại di động và tập vở mới có tên Mắt phố. Có thể nói, cuộc so tài tại HDSKKNCNTQ 2009 sẽ thực sự rất nóng khi có sự hiện diện của các anh tài trong làng kịch nói, khó có thể đưa ra những dự đoán trước về vở “đinh” nào sẽ giật giải cao nhất.
Không có chuyện đạo diễn “đội tên giấu mặt” dựng quá 3 vở
Ông Nguyễn Đăng Chương – Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn đã khẳng định: “Quy chế của hội diễn mỗi đạo diễn chỉ được dựng không quá 3 vở. Tôi cam đoan đến hội diễn lần này sẽ không có chuyện “đội tên giấu mặt” để dựng vở như trước đây. Nếu đơn vị nào cố tình man trá, trong quá trình thẩm định vở, chúng tôi sẽ loại ngay lập tức! Đạo diễn Lê Hùng – người kỷ lục về số vở dàn dựng ở các kỳ hội diễn trước lần này cũng chỉ có 3 vở. Đạo diễn – NSND Doãn Hoàng Giang có 2 vở. Thay vào đó là sự xuất hiện của các đạo diễn trẻ. Nhìn lại 4 năm sau hội diễn sân khấu vẫn chỉ xuất hiện đạo diễn “cây đa”, “cây đề” quen thuộc đứng ra dựng vở tham gia hội diễn. Chính vì vậy mà đưa ra việc hạn chế này để các đơn vị sẽ phải thay đổi tư duy chọn đạo diễn cho tới phương pháp dàn dựng vở. Việc khống chế thời lượng mỗi vở không quá 120 phút đã được ban tổ chức cân nhắc kỹ và đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia lâu năm trong ngành, các nhà quản lý và một số nhà hát. Một vở diễn hay là một vở biết điều tiết thời lượng vừa đủ, phù hợp với nhu cầu của người xem.
Hình thức khen thưởng của hội diễn lần này cũng sẽ có đổi mới, sẽ không có “mưa giải thưởng” mà chỉ có huy chương vàng và bạc cho các vở diễn và cá nhân nghệ sĩ biểu diễn. Các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo múa, họa sĩ thiết kế mỹ thuật, thiết kế ánh sáng có những sáng tạo xuất sắc sẽ được tặng thưởng riêng.
“Hậu” hội diễn: Không có vở... xếp kho
Lâu nay, khu vực sân khấu kịch hát thường gặp khó khăn khi tìm kịch bản hay thì tới thời điểm này, sân khấu kịch nói cũng gặp cơn khủng hoảng này. Đây là lý do khiến nhiều nhà hát chậm trễ bắt tay vào dàn dựng tác phẩm dự thi hội diễn vì săn lùng mãi vẫn chỉ thấy những kịch bản ở mức tầm tầm, không đạt mong muốn kỳ vọng cho một kịch bản lý tưởng vừa đi hội diễn nhưng sau khi về phải có đời sống bằng các đêm diễn. Đạo diễn, NSND Lê Hùng nói: “Chọn kịch bản dựng một vở diễn để gặt hái huy chương không quá khó, nhưng để sở hữu một tác phẩm vừa đoạt giải cao vừa kéo đông khán giả đến rạp mới là thắng lợi lớn mà các nhà hát đang vươn tới. Nếu không, cũng chẳng đến nỗi chúng tôi phải đau đầu đi tìm kịch bản đến thế!”.
Cùng với sự thay đổi trong tư duy chọn kịch bản, bên những đạo diễn đàn anh “tài năng” như NSND Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Trần Ngọc Giầu đã có một lực lượng đạo diễn trẻ hùng hậu và đầy tiềm năng như: Anh Tú, Hữu Nghĩa, Chí Trung, Minh Nguyệt, Đức Thịnh... Dường như sân khấu kịch nói đã và đang có những tia hi vọng mới cho một hội diễn sẽ bội thu.
Thúy Hiền-VanHoaOnline