Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 8/9/2009 20:15'(GMT+7)

Tự do và dân chủ của người cầm bút hiện nay

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong hai khái niệm Tự doDân chủ đối với người cầm bút thì Tự do là vấn đề không mới, từng được đề cập đến lâu nay. Chỉ có Dân chủ mới ít được nhắc đến. Song đó là 2 điều luôn có mối quan hệ gắn kết, khó tách rời. Có vẻ như đó là những điều kiện được coi là nhạy cảm khiến người ta không dễ dàng thẳng thắn bộc lộ quan điểm khi luận bàn. Tuy nhiên đang có một thực tế: Không ít người trong giới cầm bút tỏ ra luôn bức xúc về sự hạn chế ngòi bút của mình trong việc tiếp cận và phản ánh hiện thực, bộc lộ chủ thể trên trang giấy. Những ngươì này cho rằng sở dĩ như vậy là vì chưa có được tự do. Tại đại hội nhà văn khoá gần đây nhất, vấn đề này đã được xới lên, thu hút sự chú ý của nhiều người. Vậy thực chất như thế nào?

Tôi cho rằng với bản Luận cương văn hoá của Đảng ra đời từ năm 1943 làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong lĩnh vực văn hoá-văn nghệ thì từ bấy đến nay, nhìn chung người cầm bút trong chế độ ta chưa bao giờ mất tự do sáng tác. Trong một xã hội mà quyền lợi của những người lãnh đạo và nhân dân là một thì người cầm bút chân chính hà tất phải đặt ra vấn đề tự do trong lĩnh vực đang bàn. Dễ hiểu là khát vọng cao nhất của người nghệ sĩ hướng đến việc sáng tạo nên những tác phẩm thoả mãn được nhu cầu thưởng thức của công chúng. Nhu cầu đó hướng đến 2 điều tương đương với chức năng của văn nghệ: Hưởng thụ cái đẹp và được bồi dưỡng nâng cao tư tưởng tình cảm. Không phải bàn, dĩ nhiên người nghệ sĩ đích thực nào cũng mong muốn như vậy. Đảng và Nhà nước ta lại luôn trông chờ và khích lệ mọi lao động sáng tạo của họ để có được điều đó. Nhu vậy, mặc nhiên là đã có tự do.

Ở một góc độ khác, không thể hiểu hai tiếng Tự do với nghĩa muốn nói, muốn viết gì tuỳ thích. Bất chấp lợi ích chính đáng của nhân dân - đối tượng thưởng thức văn nghệ. Tự do với nghĩa đó để dẫn tới việc cho ra đời những tác phẩm phản dân hại nước, làm băng hoại những giá trị đạo đức, văn hoá của dân tộc thì chỉ có thể là nhu cầu cuả người cầm bút bất lương phản nghịch.

Nhìn vào thực tế phong trào sáng tác văn nghệ những năm qua, thấy rõ một điều: Chẳng những tự do không hề bị mất, mà có lúc, có người cầm bút còn lạm dụng quá đà, xao nhãng trách nhiệm với công chúng. Không phải là không có những tác phẩm văn xuôi chưa phản ánh đúng hoặc phản ánh còn hời hợt, nông cạn hiện thực vốn phong phú tốt đẹp. Cũng không phải là không có những người làm thơ nhân danh đổi mới, tìm tòi đã khai thác những thứ cảm xúc không mấy cao đẹp, dẫn tới hậu quả là chỉ khêu gợi bản năng thấp kém dễ có ở những người đọc ít lý trí. Cuối cùng cũng chỉ thấy đôi ba ý kiến phản ứng trên báo chí, chưa thành một làn sóng dư luận. Càng không hề có sự “bật đèn đỏ” từ một cơ quan chức năng nào. Điều đó chứng tỏ vấn đề tự do của người cầm bút hiện nay ở nước ta là hoàn toàn được tôn trọng bảo vệ, thậm chí đến mức quá thoải mái. Như vậy ai đó còn muốn đặt ra vấn đề tự do viết lách lúc này quả là ít nhiều lạc điệu, nếu không muốn nói là... vô duyên. Một điều gì đó khi chẳng có ai cấm, sao lại đòi?

Như vậy, nếu vấn đề tự do không còn phải đặt ra thì tình hình đáng được quan tâm hơn lại ở khía cạnh khác. Đó là yếu tố dân chủ của người cầm bút. Không phải là toàn bộ, tất cả mà là ở nhiều nơi, đối với nhiều người, tính dân chủ đã bị xâm phạm ít nhiều. Một nguyên lý sơ đẳng, ai cũng thấy rõ, cần phải được quán triệt ở mọi nơi mọi lúc mới mong đem lại sự bội thu cho các mùa thu hoạch tác phẩm, đó là sự bình đẳng đối với mọi chủ thể sáng tác. Họ cần phải được đối xử, tôn trọng như nhau trong việc kích thích sáng tạo, không phân biệt bởi bất cứ yếu tố nào (Tuổi tác, công việc, vùng miền, vị thế trong cơ quan đoàn thể...). Hiện nay, nhìn vào thực tế hoạt động sáng tác ở nhiều nơi, thấy rõ một điều: Nhiều tài năng đã không phát huy được tác dụng, nhiều ngòi bút sung mãn, sắc sảo đã không phát huy được công suất, do những người có trách nhiệm nào đó đã cố ý hoặc vô tình vô hiệu hoá họ. Rất nhiều khi, không khí sáng tạo bị vẩn đục, ô nhiễm bởi những cư xử phi văn hoá nghệ thuật gây ức chế cho những tài năng quý báu, những tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương.

Thực tế đáng buồn này xảy ra ở cả 2 khâu: đầu tư cho nghệ sĩ trước khi cho ra đời tác phẩm và sử dụng tác phẩm. Việc đầu tư này xin được hiểu với nghĩa rộng, chứ không chỉ chuyện vật chất tiền bạc. Ở một hội nghị nghệ thuật nọ, có đến mấy chục năm liền, công việc tổ chức những đoàn tác giả đi thâm nhập thực tế sáng tác chỉ do một người đảm đương. Vậy là người này đã toàn quyền ấn định nhân sự cho chuyến đi đó. Năng lực sáng tác chỉ là một phần. Quan hệ riêng tư cá nhân, mục đích tư lợi đã lộ rõ trong việc tổ chức những cuộc sáng tác như thế. Nhiều tác giả cả đời không được một lần tham dự với danh nghĩa hội đó tổ chức mà chỉ đi sáng tác khi được các cơ sở mời riêng với tư cách cá nhân, trong khi có tác giả “tuần chay nào cũng có nước mắt” mặc dù năng lực sáng tác không có gì đặc biệt. Rồi việc đối xử, sử dụng tác phẩm, công trình sáng tạo của nghệ sĩ cũng có nhiều điều mất dân chủ, rất đáng phải bàn.

Chất lượng tác phẩm luôn được trương lên như một lá bùa, trong khi thực chất việc dùng tác phẩm lại theo những “tiêu chí” khác nằm ngoài nghệ thuật. Việc trao tặng giải thưởng hàng năm ở các hội văn học nghệ thuật không năm nào không gây ì xèo trong dư luận. Gạt ra một bên những ý kiến nhìn nhận thiếu khách quan, nặng về bất mãn của những người không đắc ý, người ta vẫn thấy bất ổn trong việc thẩm định và trao giải. Tình trạng lẫn lộn giữa tài năng đích thực và chỗ ngồi, vị thế xã hội trong việc đánh giá các tác phẩm không phải là cá biệt, đã làm nản lòng dẫn đến thui chột nhiều tài năng.

Trong nhiều năm qua, những đêm tác giả luôn xuất hiện ở mọi nơi. Bên cạnh những chương trình thực sự có chất lượng thẩm mỹ, gây ấn tượng tốt đẹp cho người thưởng thức đã không ít những chương trình nhạt nhẽo, tầm thường, chỉ vì tác giả có ưu thế về vị trí xã hội. Càng thiếu dân chủ và bất bình đẳng hơn khi chính những chương trình ấy lại được huy động kinh phí từ những nguồn tài trợ của nhiều cơ quan, đoàn thể - thực chất là tiền Nhà nước.

Cũng không phải là tất cả nhưng không hiếm những hội đồng duyệt thẩm định tác phẩm nghệ thuật đã chỉ thích áp đặt ý mình lên các chủ thể sáng tạo, muốn họ sửa viết theo ý chủ quan của mình mà bất chấp sự trăn trở nhiều tháng ngày của những tài năng mới sản ra được những tác phẩm máu thịt như thế.Tình trạng người chấm, làm “giám khảo” các cuộc thi sáng tác, biểu diễn trình độ còn non kém, bất cập khiến cho nhiều nghệ sĩ không tâm phục khẩu phục.

Sáng tạo nghệ thuật - một lao động có những đặc thù riêng, không giống mọi lao động khác, luôn cần sự hưng phấn, thăng hoa của chủ thể. Một chút ức chế gây tổn thương đến người sáng tác đủ ngưng trệ, cạn nguồn sáng tạo, hãy chú trọng đến dân chủ. Đó mới thực sự là điều giới cầm bút chân chính quan tâm trong bối cảnh hiện nay./.

Nguyễn Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất