Thứ Tư, 2/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 28/8/2010 18:48'(GMT+7)

“Sấm” Bác Hồ và hiện tượng Ngô Bảo Châu

Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi

Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi

65 năm về trước, tháng 9/1945, vào dịp ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ CHí Minh đã viết thư gửi các học sinh. Thư viết: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em."

Năm nay, năm 2010, đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, lại đúng vào ngày 19/8, cả nước bỗng nức lòng nhận được một tin vui hiếm có: Đại hội Toán học thế giới họp tại Hyderabad (Ấn Độ), một người Việt Nam và là người Việt Nam đầu tiên, giáo sư tiến sỹ khoa học Ngô Bảo Châu, được trao tặng giải thưởng Fields, giải thưởng toán học quốc tế danh giá nhất được coi như giải Nobel toán học. Giải thưởng Fields ra đời từ năm 1936 mà người sáng lập là nhà toán học Canada, John Charles Fields. Tới nay, giải đã có 52 nhà toán học được nhận, trong đó chỉ có bốn nhà toán học mang quốc tịch Châu Á: ba Nhật Bản và một Việt Nam. Cũng đã có 2 nhà toán học gốc Trung Quốc và Hồng Kông nhận được giải này nhưng mang quốc tịch Mỹ và Ôxtrâylia.

Nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu được giải Fields vì có một công trình đặc biệt sáng tạo: chứng minh được “Bổ đề cơ bản” của chương trình Langlands. Đại thể như sau: xưa nay, các chuyên ngành toán học được phân ra làm nhiều bộ môn riêng biệt như số học, đại số, giải tích, hình học, xác suất... độc lập một cách tương đối với nhau. Năm 1979, nhà toán học người Mỹ gốc Canada Robert Langlands đã đưa ra một lý thuyết đầy tham vọng, rằng có thể tạo cầu nối, thống nhất một số nhánh lớn và chủ đạo của toán học hiện đại, kể cả vật lý lý thuyết. Đây là một tập hợp rất nhiều giả thuyết được gọi là “Chương trình Langlands” mà cốt lõi của nó là “Bổ đề cơ bản”.

Trong suốt ba thập kỷ qua, một số trường hợp riêng của Bổ đề này đã được Langlands và các học trò của ông chứng minh, nhưng trường hợp tổng quát vẫn như một núi đá chắc đứng nằm đó.

Năm 2008, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chứng minh được “Bổ đề cơ bản” trong trường hợp tổng quát. Sau hơn một năm kiểm tra, chứng minh của Giáo sư Ngô Bảo Châu được công nhận là hoàn toàn đúng.

Thế là một bộ óc của Việt Nam đã làm được cái điều mà nhiều bộ óc lớn về toán học hiện địa trên thế giới chưa làm được. Vinh quang này không chỉ riêng anh mà còn chung cho giới toán học Việt Nam. Đó còn là một đóng góp sáng giá vào sự phát triển của toán học thế giới.

Liên hệ trường hợp Ngô Bảo Châu với những lời Bác Hồ nói trong thư gửi học sinh 65 năm trước đây, có người vui mừng reo lên rằng: “Sấm Bác Hồ” đã ứng nghiệm. Thật ra, “sấm” theo từ điển tiếng Việt, là “lời dự đoán có tính chất bí ẩn về sự kiện lớn trong tương lai có quan hệ đến đời sống xã hội, một dân tộc”. Bác Hồ không truyền “sấm”. Bác không dự đoán điều gì có tính chất bí ẩn. Bác tìm ra chân lý và nói ra những điều mang tính chân lý. “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây. Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Câu nói cũng không phải đến bây giờ mới ứng nghiệm mà đã từng được ứng nghiệm suốt 65 năm qua. Lớp lớp học sinh đã trưởng thành, đã là người chủ thật sự của đất nước và gánh vác việc nước trên tất cả các mặt trận, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Không có điều đó thì sao dân tộc ta có thể bước tới đài vinh quang trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại trước đây và cả trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Hiện tượng Ngô Bảo Châu là rất đặc biệt nhưng không ngẫu nhiên. Anh sinh ra năm 1972 tại Hà Nội. Là con trai duy nhất của tiến sỹ cơ học Ngô Huy Cẩn và tiến sỹ dược học Trần Lưu Vân Hiền. Ông ngoại anh, cụ Trần Lưu Hân cũng là một nhà trí thức.

Từ cấp I đến cấp III, Ngô Bảo Châu đều học tại các trường ở Hà Nội. Trong hai năm 1988, 1989, anh đoạt liền hai huy chương vàng Olympic toán học Quốc tế tại Ôxtrâylia và Đức, là người Việt Nam đầu tiên giành hai huy chương vàng Olympic Toán.

Năm 1990, lúc 18 tuổi, anh sang Pháp học tại ĐH Paris 6, sau đó là ĐH Ecole Normale Supérieure. Năm 1997, 25 tuổi trở thành tiến sỹ toán và về công tác tại trung tâm khoa học quốc gia Pháp. Năm 2004, cùng nhận giải thưởng của viện toán học Clay với giáo sư Gerard Laumon cho công trình Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita. Năm 2005, được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam và trở thành giáo sư trẻ nhất của Việt Nam.

Năm 2007, sang Priacton, Mỹ, làm việc tại viện nghiên cứu cấp cao (Institute for Advanced Study). Năm 2008, hoàn thành chứng minh Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát cho các đại số Lie.

Năm 2009, kết quả chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands của Ngô Bảo Châu được tạp chí Times bình chọn là một trong mười phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. Và năm 2010, anh nhận giải thưởng Fields như đã nói ở trên.

Mẹ anh, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền nói: “Theo tôi, thành công của Ngô Bảo Châu hôm nay hội tụ do ba yếu tố: năng khiếu và niềm đam mê khoa học, điều kiện học tập và được làm việc với các nhà khoa học đầu ngành trên thế giới và gốc rễ cơ bản chính là được đào tạo trong nước”.

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nói: “Niềm tự hào này, trước hết phải khẳng định, anh Châu là người Việt Nam, gen Việt Nam, được dạy dỗ ban đầu từ Việt Nam và cất cánh bay lên từ sân bay Việt Nam. Sau đó được đào tạo ở Pháp, Mỹ và bạn bè quốc tế...”.

Thật vậy, nếu không có bước đi cơ bản từ ban đầu ở trong nước thì làm sao có thể có bước nhảy tiếp theo nhanh hơn xa hơn ở nước ngoài. Đề rồi tất cả tạo nên một sự cất cánh ngoạn mục.

Hiện tượng Ngô Bảo Châu gợi mở cho chúng ta một phương hướng đào tạo nhân tài cho toán học và cho cả các ngành khoa học nói chung trong thời kỳ mới.

Không thể không ghi nhận rằng, cách đây 45 năm, năm 1965, từ ý tưởng ban đầu của giáo sư Hoàng Tụy, lúc đó là chủ nhiệm khoa Toán – Cơ trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cố giáo sư Ngụy Như Kon Tum, hiệu trưởng Lê Văn Thiêm, của cố giáo sư Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu và đặc biệt là của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, “Lớp toán học đặc biệt” khóa I được ra đời tại khoa Toán – Cơ, trong khu sơ tán của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái.

Từ đó, tại các trường đại học Sư phạm Hà Nội, Vinh và một số tỉnh khác ở miền Bắc, hàng loạt “lớp toán đặc biệt” cũng dần dần được thành lập. Rồi từ “lớp toán đặc biệt” ban đầu của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ngày nay, tại ĐHQG Hà Nội đã có một trường trung học phổ thông chuyên nghiệp tự nhiên với lực lượng giáo viên mạnh. Chính Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi nói về thời gian học tập tại trường này, đã khẳng định: “Nếu không có hệ thống các trường phổ thông chuyên chất lượng cao, được Đảng và Nhà nước thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước thì không thể có một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, giáo dục, quản lý, kinh tế... xuất sắc như hiện nay”.

Tin mừng mới nhất: ngày 18/8 vừa qua, một ngày trước khi giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields, chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một trong những ưu tiên then chốt của chương trình là thành lập một Việt nghiên cứu và đào tạo cấp cao về toán.

Giáo sư Ngô Bảo Châu là một tài năng toán học đặc biệt của Việt Nam và thế giới. Ông góp phần mở ra bước ngoặt và là cầu nối toán học Việt Nam và toán học thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là nền toán học Việt Nam ngay tức khắc đã lên hạng. Đào tạo đại trà và đào tạo tinh hoa luôn là hai mặc của nhiệm vụ đào tạo. Đào tạo đại trà có vững thì mới có đất tốt cho đào tạo tinh hoa. Nhưng đào tạo tinh hoa lại là một cú hishc, một sức kéo mà không có nó thì đại trà không thể tiến lên được. Chúng ta hơn một số nước trong khu vực là một số nhà toán học có trình độ cao nhưng lại thua họ về trình độ trung bình. Việc nâng cao trình độ của nền toán học và của nền khoa học nước nhà nói chung, lên ngang tầm khu vực và tiến lên ngang tầm thế giới là một công việc lâu dài, đòi hỏi là một công việc lâu dài, khác đòi hỏi nhiều công sức và của cải, nhưng trước hết, phải có định hướng đúng. Với những gì có được, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được những bước tiến mạnh mẽ hơn./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất