Thứ Hai, 25/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Sáu, 27/5/2011 17:44'(GMT+7)

Quảng Trị: Huyện uỷ Hải Lăng tăng cường lãnh đạo công tác DS/KHHGĐ

Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ huyện Hải Lăng lần thứ XIV.

Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ huyện Hải Lăng lần thứ XIV.

Hải Lăng là huyện phía Nam tỉnh Quảng Trị, có 20 xã, thị trấn, với khoảng 21.000 hộ, dân số hơn 8,7 vạn. Hiện tại toàn huyện có gần 15.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. So với mặt bằng chung của tỉnh, Hải Lăng thuộc huyện có dân số trẻ; là một trong những huyện có truyền thống làm tốt công tác DS-KHHGĐ.

Ngày 1/5/1990, huyện Hải Lăng được tách ra từ huyện Triệu Hải. Trong muôn vàn khó khăn của một huyện mới thành lập, khó khăn lớn nhất chính là quy mô dân số quá cao so với sự phát triển. Trước tình hình đó, trong nhiều việc phải làm, lãnh đạo huyện Hải Lăng chọn "Kế hoạch hoá gia đình" thông qua đẩy mạnh cuộc vận động "Mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con" làm khâu đột phá. Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động này, quy mô dân số Hải Lăng từng bước được hạn chế, tạo điều kiện để mỗi gia đình, mỗi làng, xã và toàn huyện bắt tay vào xây dựng lại huyện Hải Lăng theo hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ mới, công tác DS/KHHGĐ không chỉ là quy mô mà cao hơn là làm thế nào để nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH-HĐH quê hương, đất nước.

Với nhận thức như vậy, trong những năm qua, Huyện uỷ Hải Lăng đã liên tục ban hành các nghị quyết nhằm đẩy mạnh lãnh đạo công tác DS/KHHGĐ (NQ số 02-NQ/HU (2001), NQ số 07-NQ/HU (2004), NQ số 05-NQ/HU (2006)…). Bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đại hội Đảng bộ huyện khoá XIV, Huyện uỷ Hải Lăng đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/HU, nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực DS/KHHGĐ.

Cùng với việc ra các nghị quyết về công tác DS-KHHGĐ, Huyện đã ban hành các chính sách đối với các thôn không có người sinh con thứ 3 để tiếp tục khơi dậy tinh thần và ý thức tự nguyện, tự giác của nhân dân; kịp thời cổ vũ, động viên đối với những đơn vị, địa phương làm tốt công tác DS/KHHGĐ. HĐND huyện Hải Lăng đã thông qua Đề án xây dựng Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên(1). Theo đó, Thôn, khóm (gọi chung là thôn) nếu có 100% số cặp vợ chồng trong độ tuối sinh đẻ cam kết không sinh con thứ 3 trở lên và 100% phụ nữ không có chồng cam kết không sinh con thứ 2 trở lên thì được công nhận "Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên". Những thôn sau 3 năm liền đạt tiêu chí trên sẽ được UBND huyện trao Quyết định và Giấy chứng nhận kèm theo chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi với mức như sau: Thôn có từ 2000 dân trở lên: 200 triệu đồng; Thôn có từ 1000 dân đến dưới 2000 dân: 150 triệu đồng; thôn có từ 500 đến dưới 1000 dân: 100 triệu đồng; thôn có từ 300 đến dưới 500 dân: 50 triệu đồng; Thôn có dưới 300 dân: 30 triệu đồng. Những thôn đạt tiêu chuẩn không có người sinh con thứ 3 trở lên từ năm thứ 4 trở đi được xét khen thưởng hàng năm. Nếu duy trì 6 năm liền sẽ được hưởng chính sách đầu tư với mức gấp đôi. Hàng năm, Huyện uỷ, UBND huyện coi tiêu chí DS/KHHGĐ là một tiêu chí quan trọng để xét, xếp loại tổ chức Đảng và chính quyền cơ sở.

Trong những năm vừa qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về công tác DS/KHHGĐ đã có chuyển biến tích cực. Sự chuyển biến này trên cả hai mặt: Thứ nhất đã hiểu ra rằng công tác DS/KHHGĐ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đơì sống của từng gia đình mà còn liên quan trực tiếp đến toàn bộ chiến lược phát triễn kinh tế- xã hội, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời, có quan hệ mật thiết đến việc xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc của cộng đồng. Thứ hai, từ chỗ coi việc thực hiện Chính sách DS/KHHGĐ một cách ép buộc, thì nay đã tự nguyện tự giác; coi công tác DS/KHHGĐ là một trong những yếu tố cơ bản, là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế nói riêng và tổ chức cuộc sống gia đình nói chung.

Với sự chuyển biến về nhận thức, những năm qua các mục tiêu, chỉ tiêu về DS/KHHGĐ ở huyện Hải Lăng đều đạt và vượt: Năm 2005, tỷ suất sinh của huyện là 13,8%o, thì đến 2010 còn 10,8%o (trong khi đó của cả tỉnh Quảng Trị là 12,3%o); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 1%. Năm 2005, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên là 25% thì tới năm 2010 giảm xuống còn 22,5%. Toàn huyện hiện có 59 thôn, khóm chiếm tỷ lệ gần 60% đăng ký xây dựng làng không có người sinh con thứ ba trở lên. Trong đó, có 5 thôn đạt và đã được UBND huyện khen thưởng giai đoạn một. Những kết quả về công tác DS/KHHGĐ đã góp phần quan trọng để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong năm năm gần đây của huyện hải Lăng đạt 10,74%. Thu nhập bình quân đầu người 12,54 triệu đồng, tăng 7,7 triệu đồng so với năm 2005. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo ngày càng phát triển. 100% số xã, thị trấn trong huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 14,5%. Mỗi năm Huyện đã tạo việc làm mới cho khoảng 800 lao động, 283 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24% xuống còn 12%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Lĩnh vực AN-QP được tăng cường. Tình hình ANCT và TTAT xã hội tiếp tục được giữ vững. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì.

Qua nhiều năm thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở huyện Hải Lăng, có thể rút ra nhiều bài học, đó là việc thực hiện các mục tiêu dân số phải trên cơ sở chủ động, tự nguyện bình đẳng của mỗi cá nhân, gia đình. Công tác DS-KHHGĐ chỉ thành công và thật sự vững chắc khi mỗi cá nhân, gia đình chủ động tự nguyện. Mỗi người phải đặt lợi ích cá nhân, gia đình trong lợi ích của toàn xã hội bằng việc thực hiện gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Vì vậy, quan điểm “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho sự phát triển” của Đảng phải được quán triệt sâu rộng trong xã hội, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Trước mắt cũng như lâu dài là phải làm cho mọi người dân hiểu được“công tác DS/KHHGĐ là một nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Thiết nghĩ cách làm của huyện Hải Lăng sẽ là một kinh nghiệm quý./.

Nguyễn Trí Ánh
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị

_______________________________

(1) - Nghị quyết 4c/2005/NQ-HĐND huyện Hải Lăng, ngày 29/7/2005.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất