Sức lôi cuốn từ các nhân vật có thật
Các diễn viên luôn bị cuốn hút trước thử thách hóa thân vào những nhân vật có thật trong cuộc sống, từ những nhân vật Hoàng gia (như vua George VI, nữ hoàng Elizabeth I và II), tới những chính trị gia lỗi lạc (như Margaret Thatcher, Harvey Milk và Abraham Lincoln) và những nhà hoạt động xã hội (như Erin Brockovich và Ron Woodroof).
Việc bắt chước giọng nói và vẻ ngoài đồng thời bộc lộ được những suy nghĩ sâu kín nhất của nhân vật là một thử thách thực sự về khả năng diễn xuất, và sự hóa thân vào vai diễn thường được khán giả cùng các nhà phê bình yêu thích. Không phải ngẫu nhiên mà những bộ phim tiểu sử (biopic) luôn được đề cử và giành nhiều giải Oscar hơn bất cứ thể loại phim nào khác.
Năm nay, xu hướng đó vẫn tiếp tục. Hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất bao gồm Benedict Cumberbatch (vai nhà giải mã thời chiến Alan Turing, phim The Imitation Game), Eddie Redmayne (vai nhà khoa học vũ trụ Stephen Hawking , phim The Theory of Everything), Bradley Cooper (vai quân nhân Chris Kyle, phim American Sniper) và Steve Carell (vai triệu phú sát nhân John DuPont, phim Foxcatcher).
Ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Felicity Jones và Reese Witherspoon đã được đề cử nhờ vai diễn hai nhân vật có thật là Jane Hawking (vợ cũ của Stephen Hawking) và Cheryl Strayed (phim Wild).
Nhiều bộ phim kể trên cũng lọt danh sách đề cử Phim xuất sắc nhất cùng với "Selma," bộ phim kể về một chiến dịch truyền giáo quan trọng của Martin Luther King (do David Oyelowo thủ vai, và sự vắng mặt của anh trong danh sách đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc đã gây nên một sự bất bình lớn”).
Vậy tại sao thể loại phim tiểu sử lại được khán giả quan tâm như vậy? Nếu họ tới rạp chiếu phim như một cách để tạm xa rời hiện thực, vì sao họ lại muốn xem một bộ phim về cuộc sống thực?
Học giả điện ảnh Dennis Bingham, tác giả cuốn sách “Whose Lives are they Anyway?” (tạm dịch: Rốt cuộc đâu là cuộc đời họ?) đã viết rằng phim tiểu sử “kể lại, đưa ra và ca ngợi cuộc đời của một nhân vật, và mô tả, đi sâu, hoặc đặt câu hỏi về tầm quan trọng của nhân vật đó với thế giới. Nó tô đậm những điểm tốt đẹp của nhân vật, để đến cuối cùng đưa ra một sự hình dung cho cả nghệ sĩ và người xem về việc trở thành một người, hoặc một kiểu người như vậy là như thế nào.”
Khán giả thấy thích thú với điều đó. Với họ, đôi lúc sự thật có ý nghĩa hơn trí tưởng tượng.
Các nhà làm phim Việt Nam có thể học được nhiều bài học từ đây.
Nhân vật không có một tì vết nào rất nhạt nhẽo
Việt Nam có một quá khứ đáng tự hào. Những cuốn sách lịch sử Việt Nam luôn chứa đầy các nhân vật tuyệt vời, những người đã tạo ra những thay đổi lớn lao cho đất nước. Từ những vị tướng trong thời chiến đến những vị vua dũng mãnh, những hoàng đế trẻ con, những thi nhân bị ruồng bỏ và những nhạc sĩ đi tiên phong, cũng như những câu chuyện về cuộc đời họ, lịch sử Việt Nam có thừa chất liệu để cho ra đời những bộ phim tiểu sử.
Không may là, thể loại phim tiểu sử ở Việt Nam không mấy hấp dẫn khán giả. Những bộ phim tiểu sử thường có kinh phí lớn, nhưng nội dung lại thể hiện buồn chán như một giờ lên lớp dạy học, và chủ yếu được sản xuất vì mục đích giáo dục hơn là giải trí.
Nhưng rõ ràng là không có lý do gì mà phim tiểu sử không thể vừa mang tính giáo dục lại vừa mang tính giải trí. Khi xem "The Theory of Everything," khán giả có thể không hiểu được nhiều lắm về những lý thuyết vật lý, nhưng đều cảm thấy ngưỡng mộ tầm vóc của Hawking và cảm động với câu chuyện cuộc đời ông.
Đó cũng là điều mà "The Imitation Game" đã làm được.
Đã đến lúc đưa những thành tựu của những nhân vật lịch sử Việt Nam lên màn ảnh rộng theo một cách mang tính giải trí tương đương.
“Một bộ phim Việt Nam hoàn toàn có thể thành công nếu nói về những chủ đề hay vấn đề mà người xem có thể liên hệ với bản thân,” đạo diễn người Mỹ gốc Việt Victor Vũ nhận định.
Diễn viên Anh Beneditch Cumberbatch trong vai nhà khoa học đồng tính Alan Turing của phim "The Imitation Game" (Nguồn: Guardian)
“Tôi nghĩ khán giả Việt Nam cũng giống như khán giả các nước trên thế giới – họ muốn tìm kiếm một câu chuyện hay và được kể một cách hấp dẫn. Họ muốn được giải trí và trải nghiệm những gì họ chưa từng thấy ở những bộ phim Việt Nam trước đây.”
Nhờ tài năng của các diễn viên Benedict Cumberbatch và Eddie Redmayne, khán giả có thể liên hệ bản thân dễ dàng hơn với những nhân vật thiên tài mà trước đây họ chưa từng nghe tên. Điều quan trọng là, cả hai diễn viên đã làm được điều này nhờ không ngần ngại đi sâu khám phá những góc khuất trong nhân vật của họ.
Turing là một người dũng cảm, có tầm nhìn sâu rộng và cực kỳ thông minh, nhưng ông cũng là một kẻ thô lỗ, kiêu ngạo và liều lĩnh. Hawking can đảm, sắc sảo và thông minh, nhưng cũng là một người kém giao tiếp xã hội, cứng đầu và đôi khi ích kỷ. Cuộc hôn nhân tan vỡ của Hawking đã được thể hiện một cách chân thật đến đáng khâm phục. Đó là những khắc họa ba chiều sống động về nhân vật.
Ngược lại, hầu hết các bộ phim tiểu sử Việt Nam chỉ tập trung vào những thành tựu của nhân vật chính. Bất cứ giằng xé nội tâm phức tạp, hay sự không hoàn hảo nào của nhân vật đều không được đề cập đến. Vấn đề ở đây là những nhân vật như thế không thể tồn tại trong đời sống thực. Không ai là con người hoàn hảo. Những nhân vật không có một tì vết nào rất nhạt nhẽo và không thực. Khán giả không thể liên hệ bản thân họ với những vị thánh.
Bám sát với sự thật cũng là một trong những vấn đề đáng lưu ý về nội dung của phim tiểu sử. Trong khi nhiều phim tiếu sử Hollywood chỉ lựa chọn những sự kiện cô đọng, bỏ bớt các nhân vật ít đóng góp tới nội dung phim và hư cấu một chút để có thể kể lại cả cuộc đời của nhân vật chính chỉ trong ít giờ đồng hồ thì ở Việt Nam lại không như vậy.
Tất nhiên, tính chính xác là điều quan trọng, nhưng các đạo diễn Việt Nam lại khá dè dặt khi cần phải sáng tạo. Do đó, phim tiểu sử của họ thường không hấp dẫn và khó thu hút khán giả. Như Bingham đã viết, “Phim tiểu sử kịch tính hóa cuộc đời của nhân vật lên, và khán giả không nên trông đợi những chi tiết như một bộ phim tài liệu. Bạn có thể biết được sự thật từ phiên bản được kịch tính hóa, nhưng bộ phim lại là kết quả từ sự sáng tạo của biên kịch, đạo diễn và các diễn viên.”
Là hình thức giải trí phổ biến nhất thế giới, phim ảnh kể lại những câu chuyện có ý nghĩa với hàng triệu người. Ở một đất nước như Việt Nam, nơi thói quen đọc sách không phổ biến, điện ảnh là một phương tiện lý tưởng để ca ngợi nhưng người anh hùng dân tộc. Người xem sẽ rút ra được bài học từ quá khứ, nhưng đồng thời cũng được truyền cảm hứng cho hiện tại.
Giúp nhiều người khác cũng biết đến câu chuyện của Alan Turing, Stephen Hawking và Jane Hawking hay Martin Luther King là một điều rất quan trọng. Điện ảnh đã góp phần phổ biến những câu chuyện tuyệt vời về những con người có thật này. Và các nhà làm phim Việt Nam cũng nên đi theo con đường như vậy.