40 năm kể từ “Mùa xuân đầu tiên” thống nhất đất nước, những nỗi nghi ngại, âu lo cách trở ngày mỗi nguôi ngoai. Quãng thời gian dài ấy cũng chính là quá trình đất nước vươn dậy mạnh mẽ từ hoang tàn sau chiến tranh, nhân dân trong nước và bà con ở nước ngoài cùng từng bước, từng chặng chung tay xây dựng, bảo vệ cuộc sống hòa bình, phát triển.
Trong muôn nỗi mong đợi đoàn tụ ngày Tết có một nỗi riêng đối với những người con ở xa Tổ quốc. Tết này, những dòng người từ các nước trở về dường như sớm hơn, đông đảo hơn và niềm vui đoàn tụ có nhiều điều khác biệt hơn so với các năm trước. “Dù ở đâu chúng tôi cũng tự hào là người Việt Nam”, “Ai cũng đau đáu hướng về quê hương đất nước”… Ấm lòng sao khi nghe những lời tâm sự ấy của bà con trong đêm hội “Xuân quê hương” diễn ra bên Bảo tàng Bác Hồ chi nhánh TP Hồ Chí Minh. “Xuân quê hương” tự thân đã là giàu đẹp quê hương.
40 năm kể từ “Mùa xuân đầu tiên” thống nhất đất nước, những nỗi nghi ngại, âu lo cách trở ngày mỗi nguôi ngoai. Quãng thời gian dài ấy cũng chính là quá trình đất nước vươn dậy mạnh mẽ từ hoang tàn sau chiến tranh, nhân dân trong nước và bà con ở nước ngoài cùng từng bước, từng chặng chung tay xây dựng, bảo vệ cuộc sống hòa bình, phát triển. Chính đường lối thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới toàn diện đất nước đã là nền tảng, là sức hút cho tinh thần, tình cảm sâu đậm, lớn lao cùng chung nguồn cội, cùng hướng đến tương lai. Chính tấm lòng yêu nước thương nòi cùng khát vọng đưa đất nước hướng đến tiến bộ, văn minh, phát triển bền vững bằng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đã là động lực để bà con ở mỗi phương trời hướng về Tổ quốc, đóng góp dựng xây, bảo vệ Tổ quốc.
Sự phát triển, mở mang của đất nước đã tạo điều kiện cho ngày càng nhiều người Việt Nam ra nước ngoài lao động, làm ăn, học tập. Cùng với các thế hệ đã ra đi trước đây, số người Việt Nam ở nước ngoài trở thành một số đông, một lực lượng hùng hậu, đa dạng tiềm năng. Mỗi người trong số này là một niềm hy vọng, một sự gửi gắm của mỗi gia đình, họ hàng, xóm phố. Công cuộc xây dựng đất nước càng phát triển càng cần đến sự đóng góp của mỗi người xa xứ, đồng thời càng có thêm nhiều điều kiện để mỗi người có thể đóng góp tình cảm, công sức cho đất nước.
Quê hương Việt Nam-một thị trường lớn hơn 90 triệu dân, một môi trường ngày càng thuận lợi về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa… để bà con kinh doanh, sinh sống. Mặt khác, chính sự hiểu biết về đất nước gần xa, về luật pháp, tri thức, cung cách làm ăn, sinh sống của bà con là vốn liếng, tài sản quý để góp cho quá trình xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
Là đại diện của hình ảnh Việt Nam, mỗi kiều bào, mỗi người Việt Nam đã và sẽ là đại diện hình ảnh đất nước, một cầu nối gắn kết các mối quan hệ từ đầu tư kinh doanh, nghiên cứu, học hành đến văn hóa, du lịch. Có người Việt ở mỗi vùng đất xa xôi, cán bộ, người dân trong nước có thêm một chỗ dựa, một sự giúp đỡ, chia sẻ, gần gũi, cảm thông.
Đất nước đang đổi thay mạnh mẽ nhưng còn nhiều khó khăn, còn thiếu kinh nghiệm nhiều mặt, song Đất Mẹ quê hương không những luôn mở rộng vòng tay chào đón mà điều kiện làm ăn sinh sống đã cởi mở rộng rãi, đàng hoàng, bình đẳng và minh bạch hơn xưa bội phần. Không phải như những lời xuyên tạc, bịa đặt ác ý, một bức tranh thực về quê hương, những cảnh đời thực, câu chuyện thực về những con người còn nghèo, thiếu nhưng thương yêu đùm bọc, sẻ chia ngay trong những ngày Xuân Tết sẽ là thứ quà quý mỗi người mang theo sau ngày trở về.
Mùa xuân thứ 40 của đoàn tụ gia đình, quê hương cũng là mùa xuân mới của sự hội nhập, phát triển. Hướng về quê hương, mỗi người con xa đã và sẽ làm giàu đẹp thêm đất nước, quê hương./.
Nguyễn Mạnh (QĐND)