Sáng nay, ngày 30/5, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh năm 2015, đợt một. Các em sẽ làm bài thi trong thời gian 195 phút, từ 7 giờ đến 10 giờ 15 phút.
Năm nay là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ kỳ thi đại học theo hình thức ba chung đã được duy trì suốt 13 năm. Đây cũng là lần đầu tiên có một trường đại học tổ chức thi tuyển theo hình thức thi online trên máy tính với bài thi hoàn toàn khác biệt là bài thi Đánh giá năng lực.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là trường duy nhất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh hoàn toàn riêng biệt trong năm 2015 và không sử dụng kết quả Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hoặc điểm học lực bậc trung học phổ thông của thí sinh để xét tuyển như tất cả các trường còn lại.
Với những điều hoàn toàn mới lạ và khác biệt đó, kỳ thi tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội thu hút sự quan tâm không chỉ của các thí sinh dự thi mà của cả xã hội.
Có 7.500 máy tính phục vụ kỳ thi
Theo số liệu thống kê của trường, đợt thi này có sự tham gia của 43.350 thí sinh. Các thí sinh sẽ dự thi tại 9 cụm thi gồm Hà Nội (ba cụm), Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Nguyên và Đà Nẵng với tổng số 21 điểm thi.
Trong đó, thí sinh tập trung thi đông nhất ở Hà Nội với 32.838 em, chiếm 72,4%, thi tại 11 điểm thi. Thứ hai là Nam Định với 4.196 em, thi tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Hải Phòng có 3.520 em, thi tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam.
Nghệ An có 1.936 em, thi tại Đại học Vinh. Thanh Hoá có 1.577 em, thi tại Đại học Hồng Đức. Cụm Thái Nguyên có 1.056 em, thi tại Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên.
Có lượng thí sinh dự thi ít nhất là cụm Đà Nẵng, chỉ 227 em, thi tại Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng.
Ở Hà Nội có 3 cụm thi với 11 điểm thi. Cụm một gồm các điểm Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội như Đại học Ngoại ngữ, Đại học Công nghệ.
Cụm thứ hai là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Cao đẳng thực hành FPT, Trường Đại học Thăng Long.
Cụm thứ ba gồm các điểm Đại học Tài nguyên và Môi trường và 3 điểm thi tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Tùy theo số lượng thí sinh đăng ký tại mỗi cụm, sẽ có từ hai đến 8 ca thi trong bốn ngày thi của đợt một.
Trong số 45.350 thí sinh dự thi có 14.606 thí sinh đăng ký vào trường Đại học Ngoại ngữ của Đại học Quốc gia Hà Nội chiếm 32,2%.
Để phục vụ cho đợt một, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị 196 phòng thi Đánh giá năng lực và 436 phòng thi môn Ngoại ngữ.
Bài thi Đánh giá năng lực thực hiện trên máy tính và số máy tính sử dụng cho kỳ thi là gần 7.500 máy.
Nhân lực phục vụ cho mỗi ca thi Đánh giá năng lực là 1.007 người, với môn Ngoại ngữ là 698 người.
Biết điểm trước khi rời phòng thi
Các em sẽ phải dự thi bài thi đánh giá năng lực trên máy tính theo hình thức thi online. Riêng thí sinh dự tuyển vào Đại học Ngoại ngữ phải thi thêm bài thi môn Ngoại ngữ. Với hình thức thi này, thí sinh sẽ biết điểm ngay sau khi làm bài, trước khi rời phòng thi.
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm tra cơ sở vật chất cho kỳ thi. (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội)
Với bài thi Đánh giá năng lực, mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn.
Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm là bắt buộc và tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó.
Tổng số câu hỏi thí sinh phải thực hiện là 140 câu, tổng thời gian làm bài là 195 phút. Tồng điểm toàn bài là 140 điểm.
Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ 10% kiến thức trong chương trình lớp 10, 20% kiến thức trong chương trình lớp 11, 70% kiến thức trong chương trình lớp 12.
Phần bắt buộc gồm 2 phần Tư duy định lượng và Tư duy định tính.
Phần Tư duy định lượng (kiến thức toán) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 80 phút. Các câu hỏi của phần này có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn hoặc câu hỏi điền giá trị số.
Phần Tư duy định tính (kiến thức môn văn) gồm 50 câu hỏi với thời gian hạn định là 60 phút. Tất cả các câu hỏi của phần này đều có dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn.
Với phần tự chọn, thí sinh chọn một trong hai nội dung là Kiến thức Khoa học Tự nhiên (gồm các lĩnh vực vật lý, hóa học và sinh học) và Kiến thức Khoa học Xã hội (gồm các lĩnh vực lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Mỗi nội dung có 40 câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thời gian hạn định là 55 phút.
Sau thời gian 2 phút, nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung Khoa học Tự nhiên.
Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được một điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm.
1.000 chỗ ở miễn phí
Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trường đã huy động 750 sinh viên tình nguyện để phục vụ cho các điểm thi tại Hà Nội. Các cụm thi tại các địa phương khác cũng có các sinh viên tình nguyện.
Các sinh viên tình nguyện sẽ hỗ trợ thí sinh trong việc tìm nhà trọ miễn phí, thành lập các đội hình tiếp sức mùa thi, hướng dẫn thí sinh tại các điểm thi…
Ban Quản lý Ký túc xá Mỹ Đình của Đại học Quốc gia Hà Nội dành hơn 300 phòng ở, tương đương 1.000 chỗ ở cho thí sinh và người nhà đến dự thi vào trường. Phòng rộng ký túc xá rộng 42m2 gồm 3 giường tầng, 2 nhà vệ sinh khép kín, có lắp đặt bình nóng lạnh, tủ và bàn ghế học tập cá nhân…
Ngoài ra Ký túc xá Mỹ Đình có đầy đủ các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn ở của thí sinh như nhà ăn sinh viên, siêu thị mini, cửa hàng Internet...
Chi phí cho chỗ ở ký túc là 35.000 đồng/người/ngày.
Ký túc xá Mỹ Đình nằm trên đường Hàm Nghi, khu đô thị Mỹ Đình II, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Để đăng ký ở tại đây, thí sinh tải đơn đăng ký ở địa chỉ http://goo.gl/forms/QItNbYvbfl và nộp tại Ban Quản lý Ký túc hoặc gọi điện để được tư vấn và đăng ký theo số điện thoại: 04.3204.3999 hoặc 098.792.8819 - 0963.666.423./.
Theo VN+