Theo TTXVN, Hiệp định ba bên về vận tải đường bộ giữa Việt Nam-Lào-Campuchia sẽ được ký kết vào tháng 6. Đây là thông tin quan trọng được ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cho biết tại Hội nghị cấp chuyên viên lần thứ nhất về Hiệp định ba bên về vận tải đường bộ giữa Campuchia, Lào và Việt Nam ngày 1/4 tại Bình Phước.
Theo ông Hùng, việc đàm phán hiệp định này có vai trò hết sức quan trọng vì nó sẽ xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho phép phương tiện vận tải thương mại và phi thương mại vận chuyển hàng hóa và người qua lại giữa ba nước, đồng thời tạo thuận lợi cho vận tải liên quốc gia cũng như vận tải quá cảnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo ngành giao thông vận tải ba nước đều cho rằng việc đàm phán và đưa hiệp định vào cuộc sống nhằm tạo thuận lợi cho vận tải, thương mại và đầu tư, kích thích kinh tế nội địa, kinh tế khu vực cũng như trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.
Đại diện của ba nước thống nhất về mặt nguyên tắc các nội dung đưa vào hiệp định và xác định các bước tiếp theo để quá trình đàm phán Hiệp định này được hoàn thành và sớm đưa triển khai thực hiện. Với phương châm "ba quốc gia một điểm đến," các đại biểu cũng xem xét cơ chế đặc thù, ưu đãi đặc biệt đối với người, hàng hóa và phương tiện qua lại trong khu vực tam giác phát triển.
Ông Bùi Văn Thạch, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết hiệp định có hiệu lực sẽ góp phần khai thông tuyến du lịch từ Bình Phước đi Campuchia, Lào theo hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi theo Quốc lộ 13 đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư vào Campuchia theo cửa khẩu quốc tế Trapaing Sré theo Quốc lộ 7, nối với Quốc lộ 13 sang Champasak (Lào) qua cửa khẩu quốc tế Trapaing Krill.
Những năm gần đây, Việt Nam đã hỗ trợ Lào và Campuchia phát triển các tuyến đường bộ trong khu vực tam giác phát triển như dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp Lào xây dựng Quốc lộ 18B nối thủ phủ tỉnh Attapu với biên giới Việt-Lào; giúp Chính phủ Campuchia nguồn vốn tín dụng ưu đãi để xây dựng Quốc lộ 78 nối tỉnh Ratanakiri tới biên giới Việt Nam-Campuchia.
Đây là những tuyến đường huyết mạch trong khu vực tam giác phát triển, nối vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia với các cảng biên lớn ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, Việt Nam đã ký Hiệp định vận tải đường bộ song phương Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia và ba nước cũng tham gia ký kết một số hiệp định khu vực có liên quan./.