Thứ Bảy, 27/7/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 30/11/2020 18:51'(GMT+7)

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới: Nhiều bài toán khó cần giải quyết

Nâng cao chất lượng dân số là một trong những mục tiêu của Nghị quyết 21

Nâng cao chất lượng dân số là một trong những mục tiêu của Nghị quyết 21

Nghị quyết đề ra Mục tiêu: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Mục tiêu này được cụ thể hóa thành 24 chỉ tiêu cần đạt vào năm 2030.

 Để triển khai thực hiện Nghị quyết 21, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP và giao các Bộ, ngành xây dựng 42 chương trình, luật, đề án chương trình hành động nhằm cụ thể hóa. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, một số văn bản luật, chiến lược, chương trình, đề án đã được ban hành như: Bộ Luật Lao động sửa đổi; Chiến lược dân số đến năm 2030; Chiến lược truyền thông dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, các đối tượng đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tới năm 2030; chương trình nâng cao chất lượng dân số, tầm soát sàng lọc bệnh tật trước sinh và sơ sinh…

Theo Tổng cục trưởng Dân số (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, những chương trình, đề án được xây dựng theo Nghị quyết 137/NQ-CP chính là những nội dung quan trọng của công tác dân số trong thời kỳ mới, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết thời gian tới, mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số, cơ chế phối hợp liên ngành, mô hình cộng tác viên làm công tác dân số, gia đình trẻ em sẽ được hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành.

Trong 3 năm qua, để cụ thể hóa mục tiêu, ngành dân số đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới. Nhằm từng bước đưa Nghị quyết 21 vào cuộc sống, ngành dân số đã tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số có hiệu quả nhất, phù hợp từng đối tượng cụ thể, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, tập trung cho nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên. Bên cạnh công tác truyền thông, ngành chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở các địa phương đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Tổng cục Dân số đã phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 21 để cán bộ và nhân dân hiểu rõ những nội dung chính sách dân số mới. Ngành dân số các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển đồng thời các chương trình KHHGĐ, chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, chương trình KHHGĐ sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tiếp tục duy trì và phát triển hiệu quả tích cực. Đề án sàng lọc trước sinh và sau sinh đang mở rộng triển khai tại các cơ sở y tế công lập, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước và sau sinh; lập danh sách theo dõi, quản lý đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ để tư vấn, động viên trực tiếp tại các hộ gia đình nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh.

Tuy nhiên, tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương vẫn là một thách thức. Để giải quyết, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề ra các mục tiêu: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, khắc phục chênh lệch mức sinh giữa các địa phương; xây dựng hệ thống thông điệp truyền thông, nội dung tuyên truyền vận động riêng cho từng vùng mức sinh khác nhau thay cho một nội dung tuyên truyền chung cho cả nước; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phù hợp với từng vùng mức sinh.

Đặc biệt, để giải quyết bài toán khó khăn trong việc nâng mức sinh, tại những vùng có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Trong đó, Tổng cục đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ hai con tại địa phương

Để đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới, tổ chức bộ máy làm công tác này cần phải được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất. Mặt khác, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành phù hợp yêu cầu chuyển hướng chính sách dân số, từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.

Một trong những "điểm nhấn" quan trọng của Nghị quyết 21-NQ/TW là "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển...". Hệ thống các mục tiêu và chỉ tiêu của Nghị quyết 21 rất rộng và khó. Do vậy, để thực hiện, cần phải nhận thức rõ, đây không chỉ là xu hướng mới của riêng lĩnh vực dân số mà còn là điều kiện mới về kinh tế, xã hội, pháp luật, kỹ thuật. Do vậy, mỗi địa phương cần phải cụ thể hóa theo đặc điểm dân số, kinh tế - xã hội, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện và vận dụng các giải pháp mà Nghị quyết 21 đề ra, luôn cập nhật và tính đến yếu tố "phát triển". Đồng thời, các kế hoạch phát triển cũng cần tính đến sự biến đổi nhanh về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. 

Nghị quyết 21 đặt ra yêu cầu “đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Do đó, việc tăng cường phối hợp liên ngành nhằm chỉ đạo điều phối có hiệu quả các hoạt động liên quan đến dân số và phát triển là đòi hỏi cấp bách.

Trước mắt, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương cần triển khai ngay và có hiệu quả chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.

Phương Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất