(TG) - Sinh
hoạt tư tưởng trong họp chi bộ là một phần quan trọng nhằm giúp đảng
viên có được nhận thức, hiểu biết, tình cảm đúng đắn đối với những vấn
đề cụ thể, nhất là vấn đề đang có ý kiến khác nhau. Qua đó, góp phần
tích cực vào việc phòng, chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính
trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các đảng viên
trong chi bộ.
HIỂU ĐÚNG VỀ SINH HOẠT TƯ TƯỞNG
Theo nghĩa rộng, sinh hoạt tư tưởng là toàn bộ các sinh hoạt trong nội bộ Đảng, như sinh hoạt chi bộ, các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác xây dựng Đảng, các buổi báo cáo thời sự, hoạt động triển khai nghị quyết…, nhằm nâng cao tư tưởng, nhận thức chính trị, nhận thức lý luận cho đảng viên. Các hoạt động này bên cạnh các mục tiêu khác còn có mục tiêu giải quyết vấn đề tư tưởng cho đảng viên. Ví dụ, hội nghị thông tin thời sự, nói về tình hình thế giới và lập trường của Đảng và Nhà nước ta, chính là cung cấp cho đảng viên những thông tin cần thiết về thế giới, về quan hệ giữa các nước với nhau, giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế…, giúp đảng viên củng cố lòng tin vào đường lối đối ngoại của Đảng…
Theo nghĩa hẹp, đây là một hoạt động cụ thể trong kỳ sinh hoạt chi bộ thường xuyên, là phần trao đổi, chia sẻ, thậm chí tranh luận về một hoặc một số vấn đề nào đó nhằm giúp đảng viên hiểu rõ hơn, có cái nhìn toàn diện, khách quan và chân thực hơn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của đảng viên về vấn đề đó và các vấn đề tương tự, đi đến củng cố lòng tin đối với đường lối lãnh đạo của Đảng nói chung và của cấp ủy nói riêng.
Sinh hoạt tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ là một phần nội dung quan trọng nhằm giúp đảng viên có được nhận thức, hiểu biết, tình cảm đúng đắn đối với một số vấn đề cụ thể nào đó, nhất là với những vấn đề đang có ý kiến khác nhau.
|
NỘI DUNG CỦA SINH HOẠT TƯ TƯỞNG
Sinh hoạt tư tưởng như là một cuộc “bàn đề” về một vấn đề, có liên quan trực tiếp đến chi bộ hoặc liên quan đến tình hình tư tưởng nói chung của đảng viên. Ví dụ, trong khi dư luận đang “nóng” về hiện tượng một số đảng viên thể hiện sự “giàu có bất thường” của mình, chi bộ có thể trao đổi về vấn đề này, coi đó là một hình thức làm công tác tư tưởng chứ không phải để bàn cho có chuyện. Các luồng ý kiến có thể khác nhau, nhưng phải được thể hiện đúng đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng; phải thể hiện rõ văn hóa trong tranh luận, đưa vấn đề, tránh gay gắt, sa vào quy chụp. Người chủ trì cần chủ động “điều tiết không khí” và gợi mở “đúng tầm đúng mức” để các đảng viên trong chi bộ cùng trao đổi.
Nội dung sinh hoạt tư tưởng cần có sự định hướng đầy đủ, chứ không phải là “vội vàng” phản ứng hay chỉ trích. Có nhiều vấn đề trực tiếp của chi bộ, của đơn vị, của từng đảng viên… có thể đem ra trao đổi, thậm chí tranh luận để đi đến thống nhất (hoặc cơ bản thống nhất) trong nhận thức và hành động.
Từ sinh hoạt tư tưởng, nếu thấy vấn đề phức tạp, quan trọng, có thể “nâng cấp” thành nội dung sinh hoạt chuyên đề để có những lý giải căn cơ hơn, phân tích đầy đủ hơn, đưa ra giải pháp toàn diện hơn và các phân công xử lý cụ thể hơn.
Sinh hoạt tư tưởng vừa giải quyết những vấn đề liên quan đến tư tưởng của đảng viên, vừa góp phần xử lý “giải tỏa” những vấn đề cụ thể của chi bộ, đơn vị.
|
HIỆU QUẢ CỦA SINH HOẠT TƯ TƯỞNG
Sinh hoạt tư tưởng vừa giải quyết vấn đề liên quan đến tư tưởng của đảng viên, vừa góp phần vào việc xử lý những vấn đề cụ thể của chi bộ, đơn vị. Một cuộc sinh hoạt tư tưởng có hiệu quả sẽ đem đến nhiều ý nghĩa thiết thực.
Thứ nhất, đây là dịp để các đảng viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng…
Thứ hai, là cơ hội để mỗi đảng viên nói ra những suy nghĩ, băn khoăn mà vì một lý do nào đó chưa có điều kiện bày tỏ; từ những việc của cá nhân đến công việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng và những vấn đề khác của xã hội. Qua đó, đảng viên trong chi bộ thông hiểu và chia sẻ với nhau hơn, gắn bó, trân trọng, đoàn kết hơn, tạo động lực hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, công tác chuyên môn.
Thứ ba, sinh hoạt tư tưởng tạo điều kiện để mỗi đảng viên tự tin hơn trong “tự phê bình và phê bình”, không chỉ tự nhận thức về bản thân mà còn giúp đồng chí, đồng nghiệp cùng tu dưỡng, rèn luyện, học tập, góp phần nâng cao chất lượng công tác đảng của chi bộ, công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Đây cũng là dịp có thể điều chỉnh những suy nghĩ, nhận thức chưa đúng, tránh trở thành “cái loa” tuyên truyền cho những luận điệu xấu, nhất là khi đảng viên thiếu thông tin, ngộ nhận về những điều chưa đúng.
Thứ tư, đối với cấp ủy, thông qua sinh hoạt tư tưởng để hiểu rõ hơn những biểu hiện “bất thường”; lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm của đảng viên, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, đấu tranh kịp thời. Nguy cơ “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” của một số đảng viên nhiều khi lại bắt đầu từ những vấn đề nhỏ trong tư tưởng không được bộc lộ ra. Vì không nói, không bộc lộ nên chi bộ, cấp ủy không biết, không kịp thời điều chỉnh, dẫn đến hậu quả nặng nề.
ĐỂ CÓ MỘT CUỘC SINH HOẠT TƯ TƯỞNG CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ
Để một buổi sinh hoạt tư tưởng có kết quả tích cực, cần có sự “chung tay, chung sức” của nhiều phía:
Một là, cấp ủy, bí thư chi bộ phải tạo ra được không khí dân chủ, cởi mở, chân thành và thẳng thắn, phải tạo điều kiện để mọi đảng viên được “toàn tâm toàn ý” trình bày ý kiến mà không lo bị quy chụp, đánh giá tư cách, thái độ. Người chủ trì phải thực sự “giữ nhịp” và làm chủ được cuộc trao đổi, tránh để các đảng viên công kích lẫn nhau hoặc tranh luận quá đà, dẫn đến không những không giải quyết được vấn đề tư tưởng mà còn làm trầm trọng thêm.
Hai là, mỗi đảng viên cần nhận thức việc phát biểu suy nghĩ cá nhân không chỉ thể hiện chính kiến riêng mà còn góp phần vào việc định hướng tư tưởng cho người khác, nên phải có sự chuẩn bị đầy đủ, chọn lọc điều cần nói và nói bằng một phong cách phù hợp. Tức là, cần phải tự biết điều gì cần nói, nói cho ai nghe, nói để làm gì và nói như thế nào. Có như vậy thì cuộc sinh hoạt tư tưởng mới thực sự có ích cho mỗi đảng viên và cho chi bộ, cho đơn vị. Nếu có những băn khoăn về mặt tư tưởng, thì chi bộ chính là nơi tốt nhất để chia sẻ băn khoăn đó để mọi người cùng nghe và giúp đỡ nếu cần thiết. Do đó, đòi hỏi đặt ra với đảng viên là phải cởi mở, thẳng thắn, trung thực, nói đúng, nói đủ, không để bị cảm xúc “cuốn đi”.
Ba là, cấp ủy cấp trên nên có định hướng với các chi bộ trực thuộc về phần sinh hoạt tư tưởng trong chi bộ, có thể là một phần riêng trong kỳ họp hoặc là phần lồng ghép trong suốt cuộc họp.
Bốn là, thư ký cuộc họp cần phản ánh trung thực các nội dung liên quan đến sinh hoạt tư tưởng vào biên bản; cần cụ thể, rõ ràng, tránh viết tắt hoặc “cắt” những ý kiến quan trọng, chân thực, khách quan… khiến người khác dễ hiểu nhầm./.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh