Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 9/6/2012 18:49'(GMT+7)

Sợ... thoát nghèo

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Theo lý, ai cũng sợ nghèo, ai cũng mong thoát khỏi đói nghèo để có cuộc sống no đủ hơn. Phải chăng, bộ phận người dân sợ thoát nghèo có trình độ dân trí thấp và có vấn đề trong suy nghĩ? Thực tế, hoàn toàn không phải như vậy. Trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, những địa phương đã phát sinh những mâu thuẫn giữa cán bộ thôn, bản với những người không được công nhận là hộ nghèo và những hộ “bị” công nhận là đã thoát nghèo. Nhiều người dân đã đi “đấu tranh” với cán bộ thôn, bản để mình “được” nghèo. Như vậy, họ có suy nghĩ rõ ràng và biết cách để đạt mục đích của mình, hoàn toàn không phải là những người có vấn đề trong suy nghĩ.

Vậy tại sao họ lại có suy nghĩ này? đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết: “Hiện nay, hộ nghèo không có nhà được xây nhà, thiếu ăn được cấp gạo, đau ốm có bảo hiểm y tế, không phải nộp tiền điện, tiền an ninh quốc phòng”. Điều đó đã lý giải vì sao hộ nghèo lại có một sức “hấp dẫn” kỳ lạ đối với nhiều hộ dân hiện nay.

Thành quả phát triển mạnh mẽ của đất nước trong thời gian qua đã giúp một bộ phận dân cư trên cả nước thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Điều đó cho thấy tính đúng đắn, nhân văn, sự cần thiết của chính sách này đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến đời sống người dân của Đảng và Nhà nước ta. Có thể khẳng định, với điều kiện còn khó khăn như đất nước ta mà có thể quan tâm đến người dân nghèo bằng những chính sách như vậy là điều khó làm được với nhiều nước trên thế giới, mặc dù họ có điều kiện kinh tế tốt hơn nhiều so với Việt Nam.

Chính sách là đúng đắn, nhưng việc triển khai, đưa chính sách vào cuộc sống còn có vấn đề. Thực tế cho thấy, việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo trong thời gian vừa qua đã tạo nên tâm lý ỷ lại trong một bộ phận người dân. Kết quả này có một phần nguyên nhân quan trọng là do chưa nghiên cứu sâu sắc các vùng, miền và các vùng dân tộc thiểu số nên chưa có chính sách phù hợp với thực tế. Ở các vùng này, khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo là rất ngắn, nhưng có những chính sách xã hội chỉ quan tâm đến các hộ nghèo để thoát nghèo, ít khi quan tâm đến hộ cận nghèo. Việc này dẫn đến mâu thuẫn giữa hộ cận nghèo và nghèo. Đơn cử như việc hộ cận nghèo thì phải tiết kiệm điện, 9 giờ phải tắt điện trong khi hộ nghèo thì để điện sáng một cách thoải mái. Với việc được đối xử như vậy, sẽ khó động viên, thậm chí triệt tiêu động lực vươn lên thoát nghèo của người dân.

Thực tế, các hộ nghèo chủ yếu là ở miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 82% nên đòi hỏi cơ quan thường trực phải nắm chắc địa bàn, am hiểu tâm lý, đặc tính, phong tục tập toán của các dân tộc và các vùng miền. Trên cơ sở đó mới có thể tuyên truyền, vận động gắn kết, tạo sự đồng thuận trong đồng bào các dân tộc thiểu số nỗ lực, tự tin vươn lên.

Do vậy, để người dân tránh chủ quan, ỷ lại, trông chờ hoặc chỉ qua “một cơn gió nhẹ” là tái nghèo trở lại, Chính phủ cần rà soát các chính sách đã ban hành, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế cần khắc phục cũng như những chồng chéo cần phải được điều chỉnh hợp lý hơn trên lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội phù hợp, thoát nghèo bền vững. Quan trọng hơn cả là tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên, cùng với đó cấp cho họ cái “cần câu”, để họ có điều kiện vươn lên chứ không phải chỉ cung cấp “cơm” khiến họ ỷ lại./.

(Xuân Dũng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất