Thứ Năm, 19/9/2024

Sóc Trăng: Xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa

Ngày 06-8-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đây là lần đầu tiên Đảng ta có một Nghị quyết chuyên đề về trí thức, bàn và giải quyết một cách tổng thể, căn bản những vấn đề liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam. 

Với chiến lược mang tính thời đại của đất nước, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã xây dựng Chương trình hành động số 20-CTr/TU để cụ thể hóa Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương phù hợp với đặc điểm tình hình và thực tiễn của Sóc Trăng. 10 năm đã qua, nhìn lại chặng đường thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát huy tốt nhất tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức; vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức được nâng cao và không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chung

Nhiều kết quả tích cực

10 năm qua, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động, Sóc Trăng đã xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động  đội ngũ trí thức; đầu tư nâng cấp cơ sở nghiên cứu, trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác thí nghiệm, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỉnh đã cấp kinh phí trên 46 tỷ đồng để triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học, trên 90 tỷ đồng để mở trên 600 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (hấu hết là đội ngũ trí thức).

Từ đó, đội ngũ trí thức Sóc Trăng tăng nhanh về số lượng và chuyển biến về chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 5.882 cán bộ, công chức và 21.383 viên chức, trong đó có 19 tiến sĩ (tăng 6 lần), 712 thạc sĩ (tăng 35 lần so năm 2008); có 39 công chức, viên chức đang học tiến sĩ và 159 công chức, viên chức đang học thạc sĩ. Ngoài ra, đội ngũ trí thức Sóc Trăng thường xuyên được cử tham gia đào tạo, nâng cao trình độ, nhãn quan chính trị; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ hằng năm do trung ương, tỉnh và các ngành tổ chức. 

Trên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đấy, phần lớn trí thức của tỉnh được bố trí công việc khá phù hợp trình độ chuyên môn, từ đó giúp đội ngũ trí thức phát huy năng lực và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoạch định và thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

10 năm qua, lực lượng trí thức tỉnh đã thực hiện 73 đề tài, đề án nghiên cứu khoa học và ứng dụng có hiệu quả; nhiều giải pháp sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó đáng chú ý là các đề tài, đề án nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái gắn với phát triển mô hình nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo,… Đặc biệt, năm 2017, gạo Sóc Trăng 24 (ST24) của Việt Nam, được vinh danh cùng với gạo của Thái Lan và Campuchia trong “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”, tại Hội nghị quốc tế lần 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc. Gạo ST24 do nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua, TS Trần Tấn Phương và Ths Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo.

Bên cạnh lực lượng trí thức tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học, trí thức Sóc Trăng còn tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Với kiến thức và khả năng nhạy bén, đội ngũ trí thức đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc; nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng và hội nhập nhanh trong môi trường mới. 

Những kết quả cho sự phát triển của đội ngũ trí thức Sóc Trăng là từ sự nổ lự của từng cá nhân, đồng thời, trong 10 năm qua, các tổ chức, đoàn thể trí thức của tỉnh luôn được quan tâm xây dựng, củng cố và có nhiều hoạt động tích cực; Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Nhà báo, Hội Khuyến học và Câu lạc bộ trí thức trẻ thể hiện tốt vai trò cầu nối, tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức. Hằng năm, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các cuộc họp mặt, đối thoại với trí thức tỉnh để tôn vinh, ghi nhận đóng góp và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất chính sách và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức và phát triển mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh. 

Vẫn còn những khó khăn

Nghị quyết 27-NQ/TW của Đảng về trí thức có vai trò rất quan trọng xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, phục vụ cho sự phát triển của đất nước, địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vì là một tỉnh còn nhiều khó khăn, nên ở Sóc Trăng vẫn còn một số chủ trương, chính sách về trí thức chậm đi vào cuộc sống; một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nhận thức vẫn chưa thông suốt, thiếu cụ thể hóa thành mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể; lãnh đạo, chỉ đạo chưa đồng bộ, thiếu quyết tâm cao, chưa tạo nhiều điều kiện và môi trường thuận lợi để trí thức phát huy năng lực chuyên môn, sở trường của mình.

Số lượng trí thức của tỉnh ngày càng đông, trình độ được nâng lên, nhưng chất lượng chưa cao, cơ cấu đội ngũ trí thức thiếu đồng đều, còn bất cập giữa các ngành nghề, lĩnh vực; còn thiếu trí thức giỏi đầu ngành, có năng lực chuyên môn sâu; một số trí thức thiếu khả năng nghiên cứu, sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Hoạt động khoa học, công nghệ chưa gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống; chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính đột phá trên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Kết quả một số đề tài, dự án khi được nghiệm thu lại chưa được đưa vào ứng dụng và nhân rộng.

Chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức được tỉnh quan tâm, nhưng thiếu đột phá, chưa khai thác hết tiềm năng; việc phát hiện, tiến cử, tuyển chọn, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài còn lúng túng, nhất là đối với trí thức trẻ. Một số ít trí thức thiếu tâm huyết, say mê nghiên cứu khoa học, bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường.

Đề xuất một số giải pháp

10 năm hiện thực hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương đã giúp cho đội ngũ trí thức Sóc Trăng không ngừng trưởng thành và phát triển. Trong chặng đường của thời kỳ hội nhập sâu rộng sắp tới, Sóc Trăng xác định:

Thứ nhất, các cấp ủy cần nhận thức sâu sắc và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu đúng vai trò, vị trí của trí thức trong thời kỳ mới, hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của hệ thống chính trị.

Thứ hai, nghiên cứu, bổ sung những nội dung không phù hợp trong điều kiện hiện nay, nhất là cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ và tôn vinh các trí thức có tài năng, tâm huyết, muốn cống hiến công sức vì sự phát triển của tỉnh; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức, nhất là về dân chủ, công bằng và tự do tư tưởng trong nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. 

Thứ ba, tăng cường công tác tổ chức, quản lý, sử dụng đúng năng lực chuyên môn, ngành nghề được đào tạo nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh đội ngũ trí thức của tỉnh. Quan tâm hơn nữa đội ngũ trí thức trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, nhất là trí thức có triển vọng phát triển để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế cận cho tỉnh. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong, ngoài nước để trí thức có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiêm, nâng cao tri thức và kiến thức nghề nghiệp. 

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú ý đầu tư tài chính đảm bảo về cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; đồng thời có kế hoạch triển khai, ứng dụng và nhân rộng kết quả đề tại, đề án khoa học, công nghệ đã được nghiệm thu; định kỳ tiếp xúc, lắng nghe ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng của trí thức.

Tin tưởng rằng, với các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm trước hết của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nổ lực, ý thức cao của đội ngũ trí thức, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) và Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Tỉnh ủy Sóc Trăng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong thời gian sắp tới. Đội ngũ trí thức trong tỉnh sẽ phát huy vai trò, sứ mệnh là “lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức”, “nguồn lực đặc biệt quan trọng” trong sự nghiệp xây dựng quê hương Sóc Trăng văn minh, giàu đẹp./.
                          
Lâm Tấn Hòa
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất