Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 15/7/2014 17:55'(GMT+7)

Mỹ thuật Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế

Mỹ thuật là nghệ thuật có ảnh hưởng rộng và tác động mạnh mẽ đối với nhận thức, hình thành tư duy thẩm mỹ, môi trường thẩm mỹ của toàn xã hội. Thông qua các tác phẩm, công trình mỹ thuật phản ánh về mọi mặt của đời sống, mỹ thuật góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, mỹ thuật Việt Nam đã có sự phát triển và những thành tựu nhất định, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi nền kinh tế đất nước chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các hoạt động mỹ thuật đã có sự thay đổi đa dạng, phong phú và phát triển mạnh mẽ. Quan niệm về nghệ thuật trở nên đa dạng, dân chủ và mở rộng hơn. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng ngày càng cao và phong phú. Đội ngũ nghệ sĩ và công chúng mỹ thuật ngày thêm đông đảo. Hoạt động hợp tác, trao đổi mỹ thuật, triển lãm, các cuộc thi mỹ thuật và triển lãm quốc tế phát triển sôi động. Hệ thống các trường đào tạo mỹ thuật hình thành và mở rộng ngành học đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật. Một số di sản mỹ thuật truyền thống có nguy cơ mai một đã được nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Các doanh nghiệp mỹ thuật, gallery phát triển đã từng bước góp phần hình thành nên thị trường mỹ thuật. Nhờ đó, mỹ thuật Việt Nam được nhiều công chúng trong nước và quốc tế biết đến, vị trí và uy tín trên trường quốc tế của mỹ thuật Việt Nam được nâng cao hơn. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, mỹ thuật Việt Nam cũng bộc lộ cả những hạn chế. Công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp với thực tế, các văn bản luật và dưới luật chưa đồng bộ để tạo hành lang pháp lý cho phát triển mỹ thuật. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình còn yếu chưa theo kịp với thực tế phát triển và những vấn đề mới đặt ra. Cơ chế, chính sách còn nhiều vấn đề chưa phù hợp. Vấn đề giáo dục mỹ thuật trong các trường phổ thông và xã hội còn nhiều bất cập. Nạn sao chép tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả còn diễn ra gây bức xúc trong dư luận và làm giảm uy tín của mỹ thuật Việt Nam. Trước thực trạng đó, kể từ sau đổi mới năm 1986, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm xây dựng và thúc đẩy sự phát triển nền mỹ thuật Việt Nam.

Từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Kết luận Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa IX (năm 2004), Nghị quyết số 23-NQ/T.W ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị ban hành về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đảng ta đã xác định đường lối, nguyên tắc, tính chất cơ bản trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó có sự nghiệp phát triển Mỹ thuật. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2009) đã xác định mục tiêu của mỹ thuật là phát triển ngang tầm khu vực và từng bước theo kịp các nước phát triển.

Mỹ thuật thực hiện việc nghiên cứu các xu hướng phát triển, quy luật hoạt động đặc thù, tác động của kinh tế, xã hội đối với mỹ thuật nhằm khẳng định và phát huy bản sắc dân tộc trong mỹ thuật Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của mỹ thuật đương đại thế giới, làm phong phú và phát triển bền vững cho nền mỹ thuật nước nhà. Nhà nước tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật để có được những tác phẩm lớn, chất lượng cao và tổ chức giới thiệu, phổ biến các tác phẩm mỹ thuật thông qua các giải thưởng của nhà nước theo định hướng sáng tác của Đảng, khuyến khích các tổ chức phi chính phủ tổ chức các hoạt động mang tính xã hội hóa đồng thời đẩy mạnh phong trào mỹ thuật quần chúng.

Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập để phát triển nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hóa Việt là thế mạnh mà chúng ta cần nâng niu trân trọng. Công ước Unesco về đa dạng văn hoá năm 2006 đã nhấn mạnh đến việc giữ gìn bản sắc riêng để đảm bảo sự đa dạng của nền Văn hoá trên thế giới. Người nghệ sĩ chắt lọc những tinh tuý của mỹ thuật thế giới, làm phong phú cho nền mỹ thuật nước nhà đồng thời góp phần tạo thêm sự đa dạng cho vườn mỹ thuật quốc tế những nét văn hoá đặc trưng riêng của con người Việt Nam. /.

(Theo: cinet.gov.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất