Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 16/7/2014 14:18'(GMT+7)

Đạo diễn Hoàng Duẩn tâm huyết với đề tài biển đảo

Đạo diễn Hoàng Duẩn (bên phải) trong vở kịch Hoa phong ba.

Đạo diễn Hoàng Duẩn (bên phải) trong vở kịch Hoa phong ba.

* Phóng viên: Từng gắn bó với mảng sân khấu dành cho thiếu nhi và các chương trình phản ánh hiện thực xã hội, gần đây anh lại là một trong số đạo diễn trẻ quan tâm đến sân khấu với đề tài biển đảo. Lý do gì khiến anh quan tâm đến mảng đề tài này?

* Đạo diễn HOÀNG DUẨN: Đề tài về biển đảo hiện nay xuất hiện khá nhiều trong các chương trình nghệ thuật như ca nhạc, phim ảnh, thơ ca… nhưng ở sân khấu mới chỉ có sân khấu truyền hình là thể hiện nhanh mảng đề tài này, còn trên các sân khấu chuyên nghiệp thì đề tài thời sự này thực sự đang hiếm.

* Phóng viên: Anh từng chia sẻ, tình yêu biển đảo đã có từ trong máu thịt và tình yêu này đã tạo động lực cho anh sáng tạo, thể hiện như thế nào trong các vở kịch về biển đảo?

* Đạo diễn HOÀNG DUẨN: Quê tôi ở Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Trường cấp ba mà tôi học là Trường THPT Sơn Mỹ cách biển chỉ có 1km, có đảo Lý Sơn là nơi mà đội hùng binh Hoàng Sa năm nào xuất phát để khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa - Trường Sa. Có lẽ gắn bó với biển từ nhỏ nên tôi có tình yêu sâu đậm với biển. Thời còn là sinh viên Trường Nghệ thuật sân khấu, tôi cũng từng sáng tác thơ, nhạc về biển đảo. Sau này, khi dàn dựng các vở diễn về biển đảo với nhiều tư liệu lịch sử thì tôi càng phải tìm hiểu kỹ, cẩn trọng. Cảm xúc phải được soi sáng bằng những lý luận và thực tiễn phong phú thì vở diễn mới đạt hiệu quả.

Năm 2009, khi hay tin nhà ông Đặng Lên trên đảo Lý Sơn tìm ra được một sắc chỉ của triều đình nói về việc đã cử những người trong gia đình ông vào đội “hùng binh Hoàng Sa” thì tôi đã về Lý Sơn, tìm đến nhà ông để nghe kể chuyện. Đến nay tôi đã ra Lý Sơn hai lần để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người, về lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa… và thuộc lòng những câu thơ dân gian truyền lại về lễ Khao lề.

Những thực tế và tình yêu đó đã giúp tôi có thêm những kinh nghiệm, cũng như cảm xúc khi đạo diễn các vở diễn về biển đảo. Vào ngày 22-6, chương trình Bác ba Phì thời @ do tôi làm tác giả - đạo diễn cho HTV9 (phát sóng chủ nhật hàng tuần vào lúc 8 giờ) cũng sẽ khởi quay kịch bản Mùa biển động; tháng 10 sẽ thực hiện chương trình trực tiếp Đường Hồ Chí Minh trên biển…

* Phóng viên: Kịch bản biển đảo thường là thể loại chính kịch, lịch sử. Theo anh, làm sao để thể loại kịch này trở nên hấp dẫn, có sức hút với khán giả?

* Đạo diễn HOÀNG DUẨN: Có lẽ lâu lắm rồi, tôi mới có hạnh phúc là xem một câu chuyện về biển đảo mà cứ sau mỗi câu thoại, mỗi hành động của nhân vật lại được khán giả vỗ tay, huýt sáo, vẫy cờ như lần Chuyện cây khế được tham gia trong chương trình truyền hình trực tiếp. Điều đó có nghĩa là cho dù chính kịch, kịch lịch sử… nếu tìm cách đến được với tâm tư, nguyện vọng của khán giả thì vở diễn vẫn thành công cho dù với bất cứ đề tài nào. Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể lồng ghép câu chuyện biển đảo hiện nay gắn liền với lòng yêu nước, câu chuyện tham nhũng, các hình thức diễn xướng dân tộc nếu được kết hợp cũng sẽ tạo nên một sự mới mẻ.

* Phóng viên: Qua các tác phẩm về biển đảo, anh muốn chuyển đến khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ những thông điệp gì?

* Đạo diễn HOÀNG DUẨN: Khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước ta với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Để cho biển đảo vững mạnh thì tất cả phải góp sức mình làm “hậu phương vững mạnh cho tiền tuyến anh dũng”, để “bờ có yên thì biển mới lặng” (là những câu thoại trong các vở kịch), người dân đặc biệt là các bạn trẻ nên đóng góp sức mình cho biển đảo bằng những việc làm thiết thực. Giới trẻ phải phấn đấu để xây dựng đất nước, bảo vệ và phát huy những thành quả mà cha ông đã để lại, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Những ai đang sống ích kỷ, cá nhân lúc này cần phải hướng về biển Đông để nhìn lại mình sống sao cho tốt hơn.

Theo SGGP


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất