Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 14/7/2014 20:48'(GMT+7)

“Bản mẫu” của văn học - điện ảnh đề tài miền núi

Một cảnh trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ”.

Một cảnh trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ”.

Đâu phải bỗng dưng thành kinh điển…

Tác phẩm văn học "Vợ chồng A Phủ" ra đời là kết quả của quãng thời gian thâm nhập thực tế của nhà văn Tô Hoài, "vắt" sang điện ảnh để mở rộng thêm khả năng phản ánh hiện thực đất nước.

Nhà văn Tô Hoài, trong lần đầu viết kịch bản điện ảnh đã chọn truyện vừa "Vợ chồng A Phủ", tác phẩm văn học đã tạo được tiếng vang trước đó của ông, để chuyển thể. Phim ra đời với sự tham gia của một ê kíp gồm: đạo diễn Mai Lộc, Hoàng Thái; quay phim Khương Mễ, họa sĩ Ngọc Linh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và đặc biệt là các diễn viên: Trần Phương (vai A Phủ), Đức Hoàn (vai Mỵ), Tuyết Trinh (vợ cả A Sử)…

"Vợ chồng A Phủ" từng đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai - năm 1973. Tổng kết nghệ thuật phim truyện Việt Nam giai đoạn 1959-1969, các nhà điện ảnh chung nhận định: "Trong nhiều phim về sau, trình độ của ta đã có phần cao hơn so với thời "Vợ chồng A Phủ". Nhưng cho đến nay vẫn phải khẳng định một điều là với phim "Vợ chồng A Phủ", lần đầu tiên ta thể hiện được một cách sâu sắc quãng đời đau đớn của con người thời thuộc Pháp".

Đặc biệt, phim "Vợ chồng A Phủ" còn có vai trò như một cú hích đối với lý luận phê bình điện ảnh: "Lần đầu tiên ở nước ta, dựa trên thực tiễn sáng tác "Vợ chồng A Phủ" chứ không phải trên những khái niệm lý luận trừu tượng, báo chí đã bàn bạc nhiều đến ngôn ngữ điện ảnh, đến vị trí riêng của người viết kịch bản điện ảnh và người đạo diễn cũng như mối quan hệ khăng khít giữa hai tác giả đó. Những tính chất đặc thù của loại hình văn học phim truyện được nhắc đến nhiều. Nói chung, qua "Vợ chồng A Phủ", công tác lý luận phê bình điện ảnh được nâng lên một bước".

Những chuyện bếp núc được kể lại, như đã dẫn ở trên, đến nay vẫn có ý nghĩa thực tế đối với việc xây dựng một bộ phim từ tác phẩm văn học.

Thành công của phim "Vợ chồng A Phủ" bắt đầu từ chính sự thay đổi về cách nhào nặn cốt truyện của nhà văn Tô Hoài. Ông đã giữ cho mối quan hệ của ba nhân vật chính A Sử - Mỵ - A Phủ đi suốt truyện phim, cho đến khi đi hết cao trào, các nhân vật được giải phóng thì phim cũng kết thúc. Chứ không như tác phẩm văn học, cả phần hai chỉ còn lại Mỵ và A Phủ tham gia đấu tranh chống đế quốc mà không còn gắn bó với phần một (đặc biệt là với nhân vật A Sử) để tạo thế "tam giác" chặt chẽ của các nhân vật chính.

"Cái ánh lửa bếp bập bùng lung linh mà Mai Lộc và Khương Mễ say sưa rung động, cái nắm lá ngón và ngụm rượu của Đức Hoàn làm bùi ngùi và rờn rợn người xem, rồi đến tiếng nhạc réo rắt của Nguyễn Văn Thương…, tất cả đều có bàn tay quán xuyến của Tô Hoài"- (Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam).

Nhưng cùng với tài năng ấy, các nhà phê bình chỉ rõ, chính thế mạnh gợi liên tưởng bằng văn chương qua ngòi bút Tô Hoài cũng phần nào làm khó cho việc thể hiện hình ảnh trong phim. Nhiều đoạn văn cực kỳ thơ mộng nhưng hoàn toàn không dễ cụ thể hóa bằng hình ảnh…

Lời gợi mở cho văn học, điện ảnh hiện đại

"Vợ chồng A Phủ" không chỉ có giá trị đối với nền điện ảnh cách mạng nói chung, mà xét riêng ở lĩnh vực văn học, điện ảnh đề tài miền núi, hai tác phẩm cùng tên này mở ra nhiều vấn đề thiết thực.

Phim đã cho thấy hình ảnh người miền núi với sức hấp dẫn riêng, gần gũi chứ tuyệt đối không kỳ bí, xa xôi, phi hiện thực. Các diễn viên vào vai những người con trai, con gái Mông đều là người Kinh. Cố NSƯT Đức Hoàn là con gái Hà Nội từ vùng xuôi lên miền núi, "ba cùng" với người Mông để có thể đi với dáng đi của người sở tại, nói tiếng nói của người Mông, nhất cử nhất động phô ra hồn cốt người Mông. Sau này, NSND Trần Phương còn kể, "các cụ" bảo rằng "việc của anh là xem A Phủ nó đi đứng thế nào, nó uống rượu, nó chơi pa pao ra sao…".

Điện ảnh về đề tài dân tộc miền núi của ta hiện nay, nhất là phim truyền hình, nhiều khi dễ dãi trong diễn xuất, thành ra mặc trang phục miền núi mà vẫn không ra chất miền núi. "Chuyện của Pao", đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể từ tác phẩm văn học "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thúy là thuộc số ít phim phác họa thành công cuộc sống, tâm hồn con người vùng cao. Đỗ Hải Yến cũng là nữ diễn viên miền xuôi, nhưng đi hết chiều sâu vai Pao được cũng là nhờ lột tả được cách nghĩ, cách yêu và khát khao của người phụ nữ miền núi.

Nếu như trước đây, văn học về đề tài cuộc sống và con người miền núi còn sơ khai thì ngày nay, chúng ta may mắn có một bức "thổ cẩm văn chương" miền núi sinh động hơn, với những cây bút đặc sắc thuộc nhiều thế hệ như Ma Văn Kháng, Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy, Chu Thị Minh Huệ, Tống Ngọc Hân…

Từ câu chuyện tác phẩm văn học và phim truyện "Vợ chồng A Phủ", thấy được một vùng đất đầy hứa hẹn của điện ảnh đề tài miền núi từ chính những tác phẩm văn học giàu bản sắc mà chúng ta đang có.

Lẽ nào lại để phí, nhất là trong lúc chúng ta luôn kêu thiếu kịch bản hay? 

TheoQĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất