Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 14/3/2011 22:31'(GMT+7)

Sống trong dân

Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công và Nhà nước dân chủ cộng hòa vừa ra đời, Đảng vừa trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chủ tịch đã đưa ra luận điểm mới:
Đảng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, đầy tớ nhân dân chứ không phải quan nhân dân, làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân.

Đây là một đóng góp quan trọng vào học thuyết về Đảng Cộng sản. Lúc này đã có phe xã hội chủ nghĩa, các nước Đông Âu cùng với Liên Xô đều có Đảng Cộng sản cầm quyền và khi Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, Đảng đã tự nguyện là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Sau khi được bầu làm Chủ tịch nước, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố: “Từ Chủ tịch nước đến chủ tịch làng, xã đều là đầy tớ của dân”. Người là hiện thân của một người đầy tớ của dân. Tấm gương “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” của Người đã giáo dục, rèn luyện hàng vạn đảng viên, cán bộ. Trong suốt cuộc kháng chiến 30 năm, nếu phần lớn cán bộ, đảng viên không là những đầy tớ của dân thì chắc chắn không thể đánh thắng cả đế quốc Mỹ và thực dân Pháp. Đảng viên, cán bộ đã sống trong dân, sống với dân để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Gian khổ, ác liệt không chỉ ở chiến trường mà trong công tác dân vận cũng đòi hỏi nhiều hy sinh. Một số cán bộ hoạt động ở rừng núi Tây Nguyên đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào trong hàng chục năm mới giác ngộ được từng dân tộc đi theo kháng chiến. Có dân tộc theo tục lệ cà răng và căng tai, cán bộ cũng làm theo để đồng bào tin là người của mình, nói đồng bào mới dễ tin. Lôi cuốn được một dân tộc thiểu số theo cách mạng đã rất khó khăn, lại còn đào tạo được cán bộ là chính người dân tộc thì bản thân cán bộ dân vận mới hoàn thành nhiệm vụ.

Ở những nơi địch kiểm soát quá chặt chẽ, không thể che giấu cán bộ tại nhà, dân đào hầm bí mật ngoài đồng để cán bộ trú bám, cơm nước tiếp tế đầy đủ để đảm bảo vẫn có sự chỉ đạo của Đảng. Dân rất mong thoát khỏi ách thống trị của địch, dân biết muốn độc lập, tự do cần có Đảng. Dân rất thương đảng viên, cán bộ, không phải chỉ là 5, 10 năm, mà mấy chục năm chẳng có lương, sống hoàn toàn nhờ dân, đau ốm dân chăm sóc. Lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng đồng cam cộng khổ với dân. Sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, Việt Nam độc lập là tờ báo đầu tiên của Việt Minh, Bác Hồ người chỉ đạo trực tiếp báo Việt Nam độc lập, là Tổng biên tập cũng là người người viết nhiều bài, còn là họa sĩ vẽ tranh minh họa các bài báo ra mỗi tháng ba kỳ. Toà báo không những thiếu giấy, mực, còn thiếu lương thực, thuốc chữa bệnh. Thuốc thiếu đến nỗi đồng bào ủng hộ 4 viên ký ninh hoặc 8 viên ký ninh, báo cũng đăng lời cảm ơn kèm theo tên và địa phương (đều viết tắt để giữ bí mật). Báo ra ngày 1-11-1943 đăng bài “Đặc biệt cảm ơn” đồng bào đã ủng hộ một lọ thuốc ký ninh, có đoạn như sau:

“Báo hô hào anh chị em hết sức ủng hộ ký ninh cho nhà báo, tính ra 5 viên thuốc ký ninh có thể trị một cữ sốt rét, nghĩa là tránh được 10 ngày sốt rét, để tiếp tục công tác cho đoàn thể, mà 10 ngày công tác của một người cán bộ tốt trong lúc này lợi cho đoàn thể rất nhiều”.

Trong hơn 100 số báo Việt Nam độc lập vẫn lưu giữ đến ngày nay, đọc mục “Cảm ơn” trên mỗi số báo, thấy tờ báo hoàn toàn do đồng bào chăm lo. Ủng hộ 3 cân gạo, 2 cân muối, 2 cân cá mắm hoặc 4 cân khoai, 7 lon bắp, 1 lọ thuốc chống cảm cúm, một vài tờ giấy trắng kể cả bộ quần áo cùng hai cái áo nịt để nhà báo chống rét cũng đều được đăng trên báo. Lịch sử báo chí Việt Nam chắc chắn không có tổng biên tập nào làm báo lại trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn như Tổng biên tập Hồ Chí Minh.

Sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, đất nước độc lập và thống nhất, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, cán bộ đều có lương, có cấp bậc, có tiêu chuẩn, cao cấp có ô tô, biệt thự. Vẫn là do dân nuôi nhưng từ tiền dân đóng thuế. Có chức, có quyền dễ sinh ra quan liêu, cửa quyền nên trong tài liệu giảng dạy, đào tạo cán bộ Nhà nước, dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước đã ghi rõ: Cán bộ Nhà nước dù giữ bất cứ chức vụ gì đều là cán bộ dân vận, phải sống trong dân, sống với dân, lúc nào cũng phải ý thức được đầy đủ mình chỉ là người đầy tớ của dân, chỉ có quyền phục vụ dân. Hội nghị Trung ương lần thứ 2, khóa V họp tháng 7-1982 đã quy định:

Điều 30 - Về chế độ liên hệ trực tiếp, tiếp xúc với quần chúng và gặp cán bộ:

Hàng năm mỗi ủy viên Trung ương dành khoảng 1 phần 4 thời gian xuống cấp dưới, xuống cơ sở gặp cán bộ. Mỗi ủy viên Trung ương phải có chế độ tiếp xúc với công nhân, nông dân, trí thức để nắm được thực chất của tình hình, hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng.

Quy định trên đây tạo điều kiện để mỗi lãnh đạo Trung ương có đủ thời gian bám từng vùng nhiều ngày, tận mắt, tận tai theo dõi những chính sách của Đảng và Nhà nước xuống đến cơ sở được dân hưởng ứng, đến đâu, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của dân qua tâm tình, trò chuyện chứ không còn chỉ qua báo cáo trên giấy hoặc báo cáo miệng, có cơ sở vững chắc từ trong dân để đánh giá cán bộ địa phương. Chế độ liên hệ trực tiếp, tiếp xúc với quần chúng không được thực hiện đến nơi, đến chốn, dần dần các cuộc họp được coi trọng hơn đi thực tế ở cơ sở, nhiều cán bộ lãnh đạo họp quanh năm, về địa phương cũng chỉ là cán bộ trên gặp cán bộ dưới còn gặp dân chỉ là rất hiếm hoi.

Nhiều nguyên nhân làm cho lãnh đạo càng lên cao càng khó gặp dân.  Lãnh đạo Trung ương về làm việc ở tỉnh nào, tỉnh ấy phải có xe công an đón từ đầu tỉnh, giáp ranh với tỉnh bạn và từ đó xe công an dẫn đường đưa lãnh đạo về nhà khách của tỉnh, ở đây đã có khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí...”. Lãnh đạo Trung ương trong thời gian làm việc ở tỉnh đến thăm cơ quan hoặc huyện, xã nào đều có xe công an dẫn đường và ở đó lại có khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí...” Chấp nhận khẩu hiệu này thì lãnh đạo trở thành vị khách, không còn là một công bộc, một cán bộ dân vận thực hiện nhiệm vụ nhân dân giao phó là thường xuyên liên hệ, sâu sát cơ sở, gần dân. Đón và đưa cùng với khẩu hiệu chào mừng và tiệc chiêu đãi, ba việc này gắn chặt với nhau đều rất tối kỵ với lãnh đạo Trung ương về địa phương, hoàn toàn xa lạ với quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân từng trải qua bao nhiêu năm no đói, sống chết có nhau, thế nhưng vẫn chưa loại bỏ được. Sau Đại hội VI, đến Đại hội VII và mấy Đại hội Đảng tiếp theo đều có đại biểu đề nghị chấm dứt việc đó. Không ai không đồng tình với đề nghị này nhưng cuối cùng vẫn đâu vào đấy. Hậu quả: lãnh đạo Trung ương chỉ biết rõ những thành tích của địa phương (đôi khi thành tích được tô vẽ thêm), còn những sai lầm, khuyết điểm, bê bối của địa phương, lãnh đạo Trung ương rất khó được địa phương báo cáo trung thực, nhất là những tiêu cực dính líu đến lãnh đạo địa phương. Khi sự thực chỉ được biết có một nửa thì những chuyến đi địa phương của lãnh đạo Trung ương “lợi bất cập hại”. Bốn năm (1994 - 1997) bất ổn ở nông thôn Thái Bình, tham nhũng đã nắm quyền ở nhiều xã, một số cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương vẫn đinh ninh Đảng bộ Thái Bình là trong sạch vững mạnh vì chỉ tin vào báo cáo của lãnh đạo tỉnh. Một số lãnh đạo Trung ương đã về tỉnh Thái Bình nhưng chỉ gặp lãnh đạo tỉnh, huyện, không gặp dân, nghe dân trong khi lãnh đạo tỉnh tìm mọi cách che giấu tham nhũng. Có lãnh đạo Trung ương quan liêu đến nỗi vẫn tưởng cán bộ giàu có nhờ tham nhũng là biết làm ăn, tiết kiệm và vì vậy đã phê phán các cán bộ tốt đã tố cáo tham nhũng.

Bác Hồ về làm việc ở các địa phương không báo trước, Bác đòi hỏi rất nghiêm ngặt việc đến địa phương là để biết thực tế cuộc sống ở đó vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị địa phương bố trí, sắp xếp, bầy vẽ phô trương hình thức. Bác Hồ biết bệnh thành tích rất trầm trọng, nơi nào cũng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Lãnh đạo Trung ương phải hoàn toàn chủ động đến nơi mình muốn thì mới biết được mọi sự thật, mới hiểu dân đang muốn gì, dân nghèo khổ vì thiên tai hay nhân tai. Bác Hồ rất lo Đảng xa dân, lãnh đạo các cấp xa dân vì xa dân là biểu hiện sa sút, biến chất của lãnh đạo. Uy tín của Đảng không bất di, bất dịch, mà phụ thuộc trước hết vào lãnh đạo các cấp có sát cơ sở, gần dân không? Bác Hồ đã nói:

“Một dân tộc, một Đảng và một con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 12 - Trang 559).

Trong Lời giới thiệu cuốn sách “Hồ Chí Minh - Về Đảng Cộng sản Việt Nam”, ông Đặng Xuân Kỳ, khi đó là Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Vấn đề Đảng cầm quyền bao giờ cũng là vấn đề Bác Hồ quan tâm nhiều nhất và có một sự chú ý đặc biệt. Xin trích một đoạn trong lời giới thiệu cuốn sách:

Trước kia Mác - Ăngghen mới đề ra lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, về cách mạng vô sản. Lênin đã lãnh đạo làm cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới giành được thắng lợi, nhưng chỉ lãnh đạo nhà nước Xôviết được một thời gian ngắn sáu năm. Nhiều người lãnh đạo Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa sau này đã ở cương vị lãnh đạo chính quyền trong nhiều thập kỷ, lâu hơn Hồ Chí Minh rất nhiều, nhưng đã không giải quyết được đúng đắn vấn đề quyền lực thuộc về nhân dân... đã làm cho Đảng mất chỗ đứng vững chắc trong quần chúng nhân dân đông đảo và là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự đổ vỡ bi kịch như đã diễn ra ở một loạt nước xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua”.

Sau Đại hội Đảng lần thứ XI, lãnh đạo của Đảng thấy phải chấm dứt hẳn mọi đón, đưa, chào mừng đối với lãnh đạo Trung ương về các địa phương. Đó là một thắng lợi trong việc khắc phục bệnh quan liêu, bệnh xa dân vốn có chiều hướng ngày càng trầm trọng và đã kéo dài nhiều năm nay. Với tinh thần của Đại hội XI, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, chúng ta tin chắc lãnh đạo Trung ương học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, về địa phương, về với dân thực sự như là những người đầy tớ về với những người chủ của mình.

Theo Thái Duy/ Đại đoàn kết.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất