Thứ Năm, 19/9/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Ba, 22/2/2022 3:0'(GMT+7)

Sử dụng cụm từ “biến nguy thành cơ” có đúng không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Thời gian gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng nhiều đăng đàn, hội nghị, không ít người thường viết và nói “biến nguy thành cơ”. Cụm từ này xuất hiện khá phổ biến, vì trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam gây ra vô vàn khó khăn, hệ lụy cho xã hội, nhiều người thường sử dụng cụm từ “biến nguy thành cơ”. Hàm ý của câu nói này là động viên nhau nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch COVD-19 gây ra, qua đó chủ động tìm tòi, sáng tạo tìm ra cách làm mới, giải pháp mới, phù hợp với bối cảnh mới để vượt qua thách thức và đạt hiệu quả tối ưu.

Tuy nhiên, cách sử dụng cụm từ “biến nguy thành cơ” là không ổn về mặt nội hàm ngữ nghĩa.

Theo nguyên gốc, từ “nguy” nghĩa là “không an toàn”. “Nguy” (hay “mối nguy”, “nguy cơ”) là nguyên nhân có khả năng gây tổn hại và tác động tiêu cực đến con người, xã hội và môi trường. Nguy cơ làm cho hiểm họa sát với hiện thực hơn, có thể xảy ra tổn thất cao hơn. Hay nói cách khác, nguy cơ là những điều kiện phối hợp, tác động làm tăng khả năng tổn thất.

Còn “cơ” (hay “thời cơ”, “cơ hội”) được hiểu là hoàn cảnh thuận lợi đến trong một thời gian ngắn, bảo đảm một việc nào đó có thể thực hiện đạt kết quả nhanh hơn, tốt hơn. Thời cơ có thể xuất hiện do những yêu tố khách quan mang lại, nhưng cũng có thể do yếu tố chủ quan nỗ lực tạo ra.

Từ nội hàm ngữ nghĩa như vậy, rất khó có thể xảy ra từ sự “không an toàn”, “nguyên nhân có khả năng gây tổn hại” (nguy) lại biến thành hoàn cảnh thuận lợi (cơ), vì đây là hai mặt đối lập không dễ chuyển hóa cho nhau. Do đó, khi sử dụng cụm từ “biến nguy thành cơ” trong khi nói và viết là áp đặt khiên cưỡng.

2. Để bảo đảm sự chặt chẽ, chuẩn xác về mặt ngôn ngữ mà vẫn đạt được ý định, mục đích thông điệp của hoạt động thông tin, tuyên truyền, cần sử dụng cụm từ “tìm cơ trong nguy”, tức là nỗ lực tìm ra  những cơ hội trong gian khó, hiểm nguy để vượt qua thách thức, hướng đến những mục tiêu tích cực hơn. Người xưa đã đúc kết “trong nguy có cơ”, “trong họa có phúc”, “trong cái rủi có cái may”, với hàm ý mọi sự vật, hiện tượng xảy ra đều chứa đựng hai mặt của nó. Vấn đề là ở chỗ, phải biết “tìm cơ trong nguy”, tức là chủ động vượt lên nghịch cảnh, vượt qua những yếu tố bất lợi để quyết tìm ra “điểm sáng” (dù le lói) trong đường hầm tối tăm. Đồng thời, biết tận dụng tia sáng ít ỏi đó để tìm ra lối đi, lối thoát an toàn và tiếp tục hành trình mới với niềm tin, hy vọng mới.

Trở lại câu chuyện đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, làm đảo lộn mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Đây là một nguy cơ, thảm họa y tế chưa từng có trong lịch sử loài người. Nhưng từ nguy cơ này, chúng ta đã tìm thấy cơ hội để thúc đẩy các cơ quan, ban, ngành, người dân, doanh nghiệp thích ứng với môi trường số, xã hội số, nền kinh tế số thông qua việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, học tập trực tuyến, làm việc trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử… Mặt khác, từ những mối nguy trong thời đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội thức tỉnh mọi người phải nhận thức thấu đáo hơn, ứng xử thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên; tự giác thực hiện tốt hơn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; rèn luyện hành vi, duy trì nếp sống văn minh, khoa học, lành mạnh hơn; sống có trách nhiệm hơn với chính bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

3. Tựu trung, “tìm cơ trong nguy” là một phương châm sống, ứng xử tích cực của con người. Đó là lời động viên, nhắc nhở nhau không được nhụt chí trước khó khăn, lùi bước trước thử thách gian khó.

Khá tương đồng với phương châm xử thế này, ông cha ta có câu châm ngôn “Thắng không kiêu, bại không nản”. Thắng lợi, thành công là cơ hội tốt, nhưng nếu kiêu căng, kiêu ngạo sẽ sinh ra chủ quan, lơ là, mất cảnh giác từ đó có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Khi thất bại mà nản chí, chán chường, đầu hàng trước hoàn cảnh, tự ti chấp nhận số phận thì nguy cơ chồng nguy cơ, thất bại chồng thất bại. Ngược lại, gặp thất bại mà tìm ra nguyên nhân, biết vượt qua nghịch cảnh, đạp bằng chông gai, thì cơ hội sẽ đến.

Ngoài ra, người Việt còn có câu thành ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Nếu là “vàng mười”, “vàng ròng”, “vàng thật” thì nhất định phải qua sức chịu đựng của ngọn lửa nóng mới có thể khẳng định được giá trị thực chất của nó. Con người cũng vậy, muốn trưởng thành, tiến bộ thì phải trải qua quá trình phấn đấu rèn luyện gian khổ, tu dưỡng bền bỉ mới chứng minh được phẩm giá, bản lĩnh, tài năng đích thực của mình đối với tập thể, cộng đồng và xã hội./.

Phúc Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất