Chiếc chìa khóa thần kỳ đã đưa dân tộc Việt Nam bách chiến bách thắng trong mọi cuộc chiến tranh vệ quốc chính là lòng yêu nước. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, truyền thống quý báu ấy đã được ngành Tuyên giáo chuyển tải, khơi gợi, khích lệ, cổ vũ đồng bào ta vùng lên “lấy sức ta tự giải phóng cho ta”.
Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo và 73 năm thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo trong sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của dân tộc ta ở thế kỷ XX.
1. Ngành Tuyên giáo của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc định vị được chủ nghĩa Mác - Lênin và sự vận dụng sáng tạo của Đảng, Bác Hồ vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; tuyên truyền, giác ngộ, khơi dậy truyền thống yêu nước thương nòi, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo Đảng đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật:
Nguyên nhân đầu tiên và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thắng lợi là dân tộc ta có một chính đảng vô sản lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính trị, tổ chức và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng. Nhận thức sâu sắc về sức mạnh của quần chúng cách mạng và vai trò của mặt trận tư tưởng, nên chỉ sau 6 tháng ra đời, Đảng ta đã thành lập ngành Tuyên giáo.
Ngay từ khi được thành lập cho tới khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngành Tuyên giáo đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong vai trò đưa chủ nghĩa yêu nước truyền thống bắt gặp chủ nghĩa quốc tế vô sản, xua tan sự tự ti, bất lực, buông xuôi số phận, khích lệ đồng bào ta biết nuôi dưỡng giấc mơ lớn: Đòi lại quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, với mục tiêu tối thượng là giành lại độc lập dân tộc.
Tại Hội nghị thành lập Đảng, Chánh cương sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã được thông qua, trong đó khẳng định mục tiêu cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam theo đuổi là lãnh đạo đồng bào ta: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và phong kiến. Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập”. Một lý tưởng cách mạng chân chính do một chính đảng vô sản chân chính xác định như vậy là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh lịch sử và yêu cầu cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, đáp ứng được nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng của các tầng lớp quần chúng yêu nước.
Nhưng muốn biến lý tưởng cao đẹp ấy thành hiện thực thì phải đưa được lý tưởng đó thấm sâu vào nhận thức và biến thành hành động cách mạng của quần chúng yêu nước. Sứ mệnh này được Đảng đặt trên vai ngành Tuyên giáo. Thông qua nhiều hình thức hoạt động phong phú, linh hoạt, sáng tạo và đầy quả cảm (bí mật, công khai, bán công khai, diễn thuyết, sách báo) ngành Tuyên giáo của Đảng đã thuyết phục, giác ngộ được đông đảo trí thức, công nhân, nông dân và một bộ phận tư sản bản địa, địa chủ phong kiến còn mang trong lòng ít nhiều tinh thần dân tộc, giúp họ nhận rõ được bản chất áp bức, bóc lột, thối nát của chủ nghĩa thực dân, phong kiến, tự giác đi theo cách mạng để cứu nước, cứu dân, thay đổi số phận.
Ba cao trào cách mạng (1930-1931; 1936-1939; 1941-1945) chính là ba cuộc tổng diễn tập về nhiều phương diện cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Trong ba cuộc tổng diễn tập này, công tác tuyên giáo của Đảng đã tiếp tục đưa chủ nghĩa Mác - Lênin thành dòng chủ lưu tư tưởng chính trị, vượt lên trên hệ tư tưởng phong kiến và tư sản, dẫn dắt quần chúng yêu nước hướng theo con đường cách mạng vô sản.
Mặt trận Việt Minh được Hồ Chí Minh thành lập ngày 19-5-1941 là tiền thân của chính quyền cách mạng, đưa được quần chúng yêu nước gần hơn, gắn bó máu thịt với Đảng, với cách mạng. Có thể gọi đó là “Đêm trước của cách mạng” Tháng Tám năm 1945, vào thời điểm đó, chỉ đợi lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng phát ra là lập tức cả triệu triệu đồng bào nhất tề xông lên phá tan mọi xiềng xích nô lệ. Như vậy, cận ngày tổng khởi nghĩa, ngành Tuyên giáo đã tạo được tâm thế sẵn sàng “tấn công lên trời” để thay đổi thân phận, thay đổi thời đại lịch sử cho chính mình và cho dân tộc mình.
2. Nắm bắt thời cơ nghìn năm có một, ngành Tuyên giáo đã hỏa tốc truyền mệnh lệnh lịch sử, cổ vũ tinh thần yêu nước, tạo nên bão táp cách mạng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh “dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”.
Trước thềm Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vào một đêm khuya vắng lặng, từ lán Nà Lừa, trong cơn bạo bệnh, Hồ Chí Minh đã truyền tới đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”. Đó là mệnh lệnh lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh khi nắm bắt thời cơ chín muồi cho một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng, bài học mà Người đã học được từ quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga dưới sự lãnh đạo thiên tài của Lênin. Khi cuộc chiến tranh thế giới đến hồi kết thúc, ở châu Á, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện quân đội đồng minh, nếu không vùng lên giành chính quyền thì quân đồng minh sẽ kéo vào đoạt lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật; lúc đó cơ hội giành chính quyền về tay cách mạng sẽ mất.
Ngày 13-8-1945, lúc 11h đêm, Ủy ban Khởi nghĩa đã phát đi Quân lệnh số 1 gửi quân dân toàn quốc, đoạn cuối đã thôi thúc: “Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”. Tinh thần chớp lấy thời cơ, vận hội lịch sử đã được ngành Tuyên giáo truyền hỏa tốc đến khắp đô thị và thôn quê cho tới đồn điền, nhà máy, hầm mỏ, tạo nên không khí cách mạng sục sôi, như một cuộc “tấn công lên trời”, khiến cho lực lượng phản cách mạng không kịp trở tay, hoang mang cực độ, ở nhiều địa phương dù lệnh tổng khởi nghĩa chưa kịp đến, song đội quân khởi nghĩa đã chủ động đoạt lấy chính quyền về tay cách mạng. Đó thực sự là một sự tự giác cao độ của lực lượng cách mạng khi đã được tuyên truyền, giác ngộ sâu sắc, có đủ tâm thế đòi lại quyền độc lập dân tộc, quyền sống cho đồng bào bị áp bức khốn cùng.
Chỉ trong khoảng 2 tuần, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã như cơn lốc thần cuốn phăng đi ách áp bức thống trị hà khắc, dã man của thực dân, phát xít suốt hơn 80 năm và chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm. Một kỷ nguyên mới đã mở ra trong lịch sử hiện đại của nhân loại và cho dân tộc Việt Nam.
3. Ngay sau khi Tổng khởi nghĩa thành công, ngành Tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thắng lợi Lễ Tuyên ngôn Độc lập, xác lập nền độc lập với quốc dân đồng bào và thế giới; đồng thời hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xung quanh Chính phủ cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu thâm hiểm của kẻ thù, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng:
Ngay sau sự kiện ngày 19-8-1945, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải hết sức khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tiến hành Lễ Tuyên bố độc lập để hợp pháp hóa thể chế chính trị trước quốc dân, đồng bào và thế giới, đặt quân đồng minh trước tình thế không thể lật ngược thế cờ. Trong tính toán của lực lượng đồng minh, việc giải giáp vũ khí và lập ra chính thể mới tại Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng sẽ trực tiếp do liên quân Anh - Pháp và quân Tưởng được hậu thuẫn bởi Mỹ. Khi quân Nhật nổ súng hất cẳng Pháp (tháng 3-1945) thì quân Pháp đã buộc phải nhường quyền cai trị An Nam cho phát xít Nhật, dù trước đó chúng ra sức tuyên truyền luận điệu lấy tư cách “mẫu quốc” để “bảo vệ cho xứ An Nam”, còn phát xít Nhật thì lừa bịp rằng, Nhật giúp Việt Nam giành độc lập.
Nhưng cả hai thứ "bánh vẽ" của Pháp và Nhật đều không làm cách mạng mất cảnh giác; khi Nhật hất cẳng Pháp, Đảng ta đã ra Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đó là định hướng mau lẹ, là sự chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong vài tháng sau đó.
Sau sự kiện ngày 19-8-1945, chính quyền đô hộ của phát xít Nhật ở Việt Nam đã cáo chung, song ngay từ cuối tháng 8-1945, quân Pháp, quân Anh và quân Tưởng đã mau chóng kéo quân vào nước ta, quân Pháp đã hung hăng nổ súng tái chiếm Sài Gòn và nhiều mục tiêu quan trọng ở Nam Bộ; quân Anh đổ bộ vào Trung Bộ, còn quân Tưởng có tới 20 vạn tràn vào Bắc Bộ, đưa ra yêu sách bắt Việt Minh phải chu cấp lương thực và nhu yếu phẩm cho chúng. Núp dưới bóng quân xâm lược là bè lũ tay sai được dịp nổi nên chống phá cách mạng (nhất là 2 tàn đảng chính trị theo chân quốc dân Đảng “Việt quốc, Việt cách”). Nạn đói, nạn mù chữ và các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội do di chứng của chế độ thực dân, phong kiến để lại cũng là những rào cản đối với công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng đời sống mới.
Trước tình hình trên, ngành Tuyên giáo đã bám sát thực tiễn cách mạng, góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công Lễ Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2-9-1945, tạo bầu không khí chính trị, xã hội tưng bừng, hân hoan, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ quyết tâm sắt đá “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Nhờ vậy mà đồng bào ta muôn người như một nguyện đoàn kết xung quanh Chính phủ cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu, vững vàng đứng giữa vòng vây của bầy sói dữ. Sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngành Tuyên giáo đã góp công rất lớn trong việc tuyên truyền, giác ngộ, cổ vũ cử tri cả nước tiến hành bầu cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử nước nhà, bảo đảm tính dân chủ, tính chính trị, tính xã hội để hoàn thiện và củng cố mô hình thể chế chính trị mới “của dân, do dân và vì dân”.
Từ sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có thể thấy rằng, khi có được chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam, tư tưởng cách mạng đúng đắn của Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối và sách lược nhạy bén của Đảng; và khi có được phương pháp tuyên truyền, giác ngộ tốt thì tất yếu sẽ có được lòng dân tin Đảng, tin cách mạng, tin theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn - thắng lợi là điều tất yếu.
PGS.TS Trần Viết Lưu
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương