Thứ Tư, 4/12/2024
Lý Luận
Chủ Nhật, 12/8/2018 13:38'(GMT+7)

Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan rộng khắp thế giới như ngày hôm nay là do trong thực tế, tốc độ phát triển và tác động của những đột phá trong công nghệ đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ chưa từng có. Các sáng chế và tiến bộ khoa học có mặt ở khắp các lĩnh vực, như trí tuệ nhân tạo, Robotics, in-tơ-nét vạn vật (IoT), xe tự lái, công nghệ sinh học, công nghệ Na-no, công nghệ in 3D, khoa học vật liệu, máy tính lượng tử,... tác động đến hầu hết các ngành công nghiệp với một tốc độ nhanh đến mức người ta nói cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển theo tốc độ của hàm mũ(1).

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ cho phép chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngược lại, cuộc cách mạng này cũng có thể dẫn đến sự bất bình đẳng thậm chí còn cao hơn khi các công nghệ mới sẽ thay thế các công việc sử dụng nhiều lao động. Đây được coi là thách thức lớn nhất do cuộc cách mạng này mang lại. Bên cạnh đó, còn một thách thức khác là làm sao để tạo ra các công việc yêu cầu kỹ năng cao hơn dành cho con người khi các công nghệ tự động đã và đang thay thế lao động trong rất nhiều các công việc hằng ngày(2).

Như vậy, cụm từ “cách mạng công nghiệp” hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà còn biến đổi cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Việt Nam đang dịch chuyển rất nhanh từ cấu trúc “dân số vàng” sang giai đoạn già hóa dân số. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần được nhìn nhận như là cơ hội để chúng ta tăng năng suất lao động dựa trên những ứng dụng khoa học kỹ thuật, tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng” hiện nay. Chắc chắn rằng, giáo dục và đào tạo sẽ đóng vai trò then chốt để giải quyết bài toán lớn này.

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với giáo dục

Một trong những yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới. Điều này đặt ra cho giáo dục và đào tạo sứ mệnh to lớn là chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Vấn đề mà nhiều quốc gia đều nhận thấy và đặt ra đó là chuyển từ một nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học sang một nền giáo dục giúp phát triển năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho công dân trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư(3).

Với dòng chảy của các mô hình học tập mới cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương pháp giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ chịu nhiều thách thức.

Một trong những điểm nổi bật là sự phân hóa đến từng đối tượng người học. Mỗi học sinh có nhu cầu và khả năng học tập khác nhau. Các tiến bộ về công nghệ cho phép các nhà giáo dục có thể thiết kế lộ trình học tập riêng biệt phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Các phần mềm giáo dục đã được đưa vào sử dụng có khả năng thích nghi với năng lực của mỗi học sinh và cho phép học sinh theo học với tốc độ phù hợp với nhu cầu của bản thân. Tại nhiều nước, các phần mềm học tập thích ứng này đã nhanh chóng thay thế từng phần hoặc toàn bộ vai trò của sách giáo khoa trong lớp học.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết dẫn đến một câu hỏi mà các nhà giáo dục cần phải trả lời là xác định kiến thức cốt lõi mà người học cần được trang bị trong tương lai. Trong khi các mô hình giáo dục trong quá khứ tập trung vào việc cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng cần thiết để giúp họ trở thành những người có tay nghề chuyên môn cao, các nhà giáo dục ngày nay quan tâm nhiều hơn đến việc dạy học sinh cách tự học. Giáo dục dạy cho học sinh học cách tư duy, cách đánh giá các tình huống, các vấn đề phức tạp trong cuộc sống, qua đó hình thành năng lực giải quyết vấn đề.

Công nghệ phát triển có ảnh hưởng lớn đến vai trò của người giáo viên trong lớp học. Hệ thống quản lý trường học với sự hỗ trợ của công nghệ có thể cung cấp hệ thống dữ liệu giúp giáo viên theo dõi sự tiến bộ của mỗi lớp học, qua đó có những phản hồi ngay lập tức với những khó khăn mà học sinh đang gặp phải. Nhưng công nghệ dù hiện đại và quan trọng đến đâu cũng không thay thế được vai trò của giáo viên hoặc biến người giáo viên thành rô-bốt. Bởi vậy, làm thế nào để tận dụng và làm chủ công nghệ, để công cụ này hỗ trợ và tạo ra sự tự do, sáng tạo trong giáo dục là một thách thức với mỗi giáo viên và cơ sở giáo dục.

Những thay đổi nói trên chính là sự gợi mở về cách các mô hình giáo dục có thể vận hành trong thời gian tới: các máy tính hoạt động như những công cụ hỗ trợ cá nhân trong lớp học với nhiều lộ trình học tập đa dạng; giáo viên và cha mẹ học sinh được trang bị tốt hơn để hiểu quá trình học tập của học sinh; lớp học được chia thành các nhóm nhỏ gồm các học sinh có trình độ, kỹ năng phù hợp để làm việc cùng nhau.

Thách thức và cơ hội đối với giáo dục Việt Nam

Trước viễn cảnh về sự phát triển của giáo dục trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục Việt Nam có những thuận lợi căn bản để đón nhận cơ hội phát triển mà cuộc cách mạng công nghiệp này mang đến.

Đảng và Nhà nước ta luôn dự liệu trước những thách thức trong hoạt động giáo dục cho thế hệ tương lai. Ngày 04-11-2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục của Nghị quyết là: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Ngày 04-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg Về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới. Ngày 05-5-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH tới tất cả các cơ sở giáo dục đại học để định hướng chỉ đạo về đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ năm 2018, đây sẽ là một trong các nội dung cơ bản để đánh giá, định hướng phát triển cho toàn ngành.

Bên cạnh đó, một trong những thuận lợi rất căn bản để giáo dục tận dụng cơ hội phát triển là xã hội Việt Nam luôn coi trọng việc học. Chúng ta luôn được đánh giá cao trong việc tạo môi trường học tập tích cực, bảo đảm kỷ cương, nền nếp trường học và giúp học sinh có thái độ học tập tốt. Sự tham gia, khuyến khích lớp trẻ từ các bậc cha mẹ học sinh cũng là yếu tố tích cực trong việc hình thành một xã hội học tập.

Thuận lợi thứ ba là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên - lực lượng đóng vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục - luôn được quan tâm, đầu tư và hỗ trợ tăng cường năng lực. Các chuẩn, quy chuẩn về nghề nghiệp của cán bộ quản lý các cấp, giáo viên đang được chuẩn bị ban hành. Các chuẩn, quy chuẩn đó sẽ là những công cụ hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên trong công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực để có thể đáp ứng được những yêu cầu trong giai đoạn mới.

Tuy vẫn còn nhiều quan ngại về chương trình học tập của Việt Nam chưa gắn với thực tiễn, những kết quả cao trong kỳ sát hạch PISA, kỳ thi khoa học và kỹ thuật quốc tế Intel ISEF, các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực góp phần khẳng định nền giáo dục của chúng ta đã bắt đầu có sự chuyển động, chú trọng hướng học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề có tính thực tiễn, thay vì chỉ học thuộc nội dung từ sách giáo khoa. Kết quả này cũng thể hiện được tiềm năng về nguồn nhân lực của chúng ta trong các lĩnh vực toán và khoa học nếu được đầu tư phù hợp.

Thêm vào đó, chương trình giáo dục của Việt Nam luôn đề cao việc giúp học sinh đạt được sự hiểu biết sâu sắc về những khái niệm cốt lõi và khả năng làm chủ kiến thức. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đưa vào triển khai từ năm 2019, chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực và phẩm chất sẽ là tiền đề cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh chủ trương để các trường tự chủ hơn trong triển khai chương trình giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Những đổi mới này mang đến những hiệu quả tích cực trong chất lượng giáo dục của chúng ta. Trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương(4), Việt Nam cùng với Trung Quốc được đánh giá là hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục, có hệ thống giáo dục phát triển thật sự ấn tượng, có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác.

Một số định hướng đối với giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trong làn sóng công nghiệp hóa mới, hệ thống giáo dục phải tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất cho các nhóm học sinh, sinh viên khác nhau để giúp họ phát huy được tiềm năng của mỗi cá nhân. Điều này cần được áp dụng ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo. Đặc biệt, đối với các trường đại học, thành công của một trường đại học không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài của sinh viên, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới và sáng tạo của sinh viên.

Để làm được như vậy, chúng ta cần khẳng định tầm quan trọng của một hệ thống giáo dục hỗ trợ học tập suốt đời. Toàn bộ hệ thống giáo dục phải nhận ra sự đa dạng về thế mạnh và tài năng của giới trẻ. Chỉ có quá trình học tập theo niềm đam mê mới có thể giúp xây dựng một thế hệ mới có bản lĩnh, với khả năng tự định hướng và kiên định theo đuổi các mục tiêu.

Sau đây là một số định hướng cho giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một là, gắn việc dạy và học với thực tiễn.

Giáo dục cần phải mô phỏng và chuẩn bị cho người học bước vào cuộc sống thực tiễn càng nhiều càng tốt khi công nghệ đã làm cho khả năng tiếp cận kiến thức trở nên dễ dàng khiến kiến thức không còn mang ý nghĩa “bảo hiểm” cho tương lai của người học như trước đây(5). Một trong những cách tiếp cận phù hợp là tăng cường giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (giáo dục STEM) trong nhà trường. Theo đó, học sinh sẽ được trang bị kiến thức gắn liền với những ứng dụng của chúng trong thực tiễn; được trải nghiệm tìm tòi, khám phá công nghệ gắn với kiến thức được học trong chương trình giáo dục; được khuyến khích sáng tạo khoa học, kỹ thuật nhằm cải thiện phát triển công nghệ mới. Đây là một cách tiếp cận liên môn nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng để người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thí điểm giáo dục STEM tại 15 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định và Quảng Ninh. Kết quả thí điểm cho thấy, giáo dục STEM hướng học sinh đến những ý tưởng địa phương gần gũi, những câu lạc bộ ngoài giờ học đầy đam mê và sự thay đổi phần nào trong cách dạy, cách học bộ môn khoa học.

Hai là, đa dạng hóa các lộ trình giáo dục.

Mỗi học sinh sẽ có nhu cầu và khả năng học tập khác nhau và nhiệm vụ của giáo dục là phát hiện, nuôi dưỡng và tạo động lực để người học xác định và theo đuổi sự quan tâm, niềm đam mê của mình. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục cần cung cấp các lộ trình giáo dục đa dạng để phục vụ cho những khuynh hướng học tập và phong cách học tập khác nhau của mỗi cá nhân. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có những bước thay đổi cơ bản với việc tích hợp nội dung ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, phân hóa mạnh ở cấp trung học phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.

Ba là, khuyến khích học tập suốt đời.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục là phát hiện và nuôi dưỡng tài năng, khuyến khích sự theo đuổi, đam mê và nhu cầu học tập suốt đời của người học. Để đạt được mục tiêu này, một thay đổi lớn là cơ cấu lại hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm học tập cộng đồng, thay đổi các khuôn mẫu truyền thống để xây dựng các trung tâm học tập suốt đời. Đây cũng là giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Bốn là, đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và quản lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017 - 2025(6) với một số định hướng, như “tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo, khuyến khích đưa ngoại ngữ vào nhà trường từ bậc mầm non và các hoạt động xã hội. Đẩy mạnh dạy ngoại ngữ tích hợp trong các môn học khác và dạy các môn học khác (như toán và các môn khoa học, môn chuyên ngành...) bằng ngoại ngữ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dạy và học ngoại ngữ với hệ thống học liệu điện tử phù hợp mọi đối tượng để người học có thể học ngoại ngữ, tiếp cận tiếng bản ngữ mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện, đặc biệt trong phát triển kỹ năng nghe và kỹ năng nói. Tạo môi trường học ngoại ngữ trong nhà trường, gia đình và xã hội để giáo viên, giảng viên, thành viên gia đình và người học (học sinh, sinh viên...) cùng học ngoại ngữ...”.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục của chúng ta cần bảo đảm cho người học được trang bị những hiểu biết về kỹ thuật số và công nghệ ở tất cả các cấp bậc học để dễ dàng tiếp cận những tiến bộ về khoa học và công nghệ. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn ngoại ngữ và môn tin học đã trở thành các môn học bắt buộc ngay từ đầu cấp tiểu học.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục cũng cần được đặc biệt chú trọng. Ngành giáo dục đang tiếp tục đẩy mạnh tin học hóa trong quản lý, quyết tâm xây dựng hệ thống thông tin kết nối thông suốt giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các sở giáo dục và đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành.

Năm là, nâng cao năng lực và mở rộng vai trò của các trường đại học.

Để tăng cường tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, bên cạnh việc không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và giảng dạy, các trường đại học cần thể hiện vai trò tiên phong của mình trong việc thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Tác động của một trường đại học sẽ không còn giới hạn trong việc giáo dục và thay đổi cuộc sống của sinh viên. Đại học phải là bệ đỡ thúc đẩy sáng tạo, cung cấp một bệ phóng cho các doanh nhân trong tương lai và các công ty khởi nghiệp, giữ nhịp phát triển cho các ngành công nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025(7); chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; hỗ trợ việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc đào tạo; chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Các trường đại học cũng cần đón đầu xu hướng là thời gian đào tạo người lao động trình độ cao sẽ không chỉ giới hạn trong 4 hay 5 năm, mà là trong suốt cuộc đời lao động của họ, khi người học tiếp tục quay trở lại để có thêm kiến thức và kỹ năng sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, tư duy cũ của nền giáo dục đón đầu sẽ thay đổi, khi các trường đại học xác định quá trình học tập suốt đời như là một phần của sứ mệnh của mình. Để giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của đất nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội phê duyệt và tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sau khi được sửa đổi. Bộ cũng đã trình Chính phủ Nghị định về tự chủ đại học thay thế cho Nghị quyết số 77/NQ-CP, chính thức hóa tự chủ đại học là con đường tất yếu của giáo dục đại học Việt Nam.

Tóm lại, để thành công trong những thập niên tiếp theo, ngành giáo dục cần phải có một tầm nhìn xa trong bối cảnh chuyển đổi liên tục của các hình thức tổ chức và các yêu cầu về kỹ năng. Theo đó, người lao động trong tương lai sẽ cần phải có khả năng học tập suốt đời để sẵn sàng cho các thay đổi. Các cơ sở giáo dục hiện nay chủ yếu là sản phẩm của kết cấu hạ tầng công nghệ và hoàn cảnh xã hội trong quá khứ. Trước bối cảnh đang thay đổi một cách nhanh chóng, các cơ sở giáo dục cần nhìn nhận lại để nâng cao khả năng đáp ứng. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng phải thích ứng với môi trường đang thay đổi và cần phải xác định tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thông qua hợp tác với các trường đại học.

Để chuẩn bị cho thế hệ tương lai và tăng năng lực cạnh tranh của người Việt Nam, chúng ta cần xây dựng một hệ thống giáo dục thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập suốt đời và khả năng phát triển lâu dài của người học. Hơn hết, việc phân bổ ngân sách một cách hiệu quả, đi kèm với cam kết chính trị mạnh mẽ đối với giáo dục và đào tạo sẽ tạo ra sự khác biệt cho tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam. /.

-----------------------------------------------------

(1) K. Schwab (2016): The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-fourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/
(2) K. Schwab (2017): The Fourth Industrial Revolution, Crown Business Publisher
(3) B. Abersek (2017): Evolution of competences for new era or Education 4.0, The XXV conference of Czech Educational Research Association (CERA/CAPV) “Impact of Technologies in the Sphere of Education and Educational Research”
(4) World Bank (2018): Growing Smarter: Learning & Equitable Development in East Asia Pacific
(5) FICCI (2017): Leapfrogging to Education 4.0: Student at the core, FICCI-EY Future of Skills and Jobs in India Report
(6) Quyết định số 2080/QĐ-TTg, ngày 22-12-2017, của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025”
(7) Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30-10-2017, của Thủ tướng Chính phủ, Về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”

Phùng Xuân Nhạ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất