Vượt qua nhiều thử thách trong một thế giới đầy biến động cực kỳ phức tạp, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đang tiến lên trên con đường đi đến mục tiêu và lý tưởng đã lựa chọn. Sự nghiệp đổi mới cũng đòi hỏi Đảng và Nhà nước quan tâm khắc phục một số tồn tại trong quản lý xã hội để xóa bỏ những lực cản trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.
Sự nghiệp đổi mới: bước chuyển đổi cách mạng về cơ chế quản lý xã hội
Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những biến động phức tạp. Mô hình chủ nghĩa xã hội quan liêu bao cấp ngày càng tỏ ra trì trệ và kém hiệu quả. Một số nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng và vào thời điểm đó tiến hành cải tổ, cải cách, đổi mới, kinh tế - xã hội của nước ta cũng bộc lộ những khó khăn trên nhiều lĩnh vực. Những bức xúc của tình hình đất nước cùng với xu thế của thời đại đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải đổi mới để tìm tòi bước đi, hình thức và biện pháp thích hợp để đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục đi lên. Đổi mới được đặt ra như một yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa sống còn của cách mạng xã hội chủ nghĩa nước ta, đồng thời là vấn đề có ý nghĩa phù hợp với xu thế chung của thời đại.
Trên phương diện quản lý kinh tế, đổi mới là quá trình chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ nền kinh tế hiện vật tự cung tự cấp, khép kín sang nền kinh tế mở với sự thâm nhập của công nghệ hiện đại ngày càng tăng; từ chỗ Nhà nước độc quyền quản lý sang kết hợp giữa Nhà nước và thị trường. Trong quá trình đổi mới, chúng ta từng bước xóa bỏ những yếu tố (mặt) tiêu cực của cơ chế cũ, chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xã hội nước ta có những bước chuyển đổi căn bản: từ chỗ chỉ có hai thành phần kinh tế (toàn dân và tập thể) chuyển sang phát triển nền kinh tế nhiều thành phần (đa dạng hóa các hình thức sở hữu), thay đổi quan hệ phân phối và quản lý. Nước ta đã vận dụng hầu hết những công nghệ quản lý tiên tiến trong lĩnh vực kinh tế(1), góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới. Sự chuyển đổi từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra những thay đổi to lớn trong đời sống lao động, sinh hoạt, văn hóa tinh thần của xã hội: giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa phát triển theo hướng đa dạng hóa và xã hội hóa, gắn kết khoa học - công nghệ với thực tiễn, tạo lập thị trường khoa học - công nghệ, tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; công tác đối ngoại ngày càng mở rộng và thu nhiều kết quả.
Công cuộc đổi mới được triển khai toàn diện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội nhưng được đặt trọng tâm ở lĩnh vực kinh tế, mang ý nghĩa là sự nghiệp cải biến cách mạng vĩ đại nhằm khơi dậy, giải phóng và phát huy mọi nguồn lực cho phát triển. Đổi mới đã tạo ra động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đem lại biến đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống, có ý nghĩa to lớn trong việc giải phóng và phát huy các tiềm năng phát triển. Nền kinh tế thị trường thúc đẩy cạnh tranh và qua đó kích thích người lao động làm việc, tạo lập môi trường kinh tế - xã hội để mọi người phát huy tài năng, sức lực và nguồn vốn để làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Kinh tế thị trường với vị thế là một “công nghệ hiện đại nhất” để phát triển kinh tế, tác động mạnh đến xu hướng biến đổi của đạo đức, kích thích tính năng động, sáng tạo cá nhân. Cùng với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước cũng dành nhiều quan tâm đến giải quyết công bằng xã hội và thu được những kết quả quan trọng về xóa đói giảm nghèo và trong các lĩnh vực khác của phát triển xã hội (nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân,...). Nhờ công cuộc đổi mới, đất nước đã vượt qua những khó khăn, ra khỏi khủng hoảng kinh tế và có bước tăng trưởng khá nhanh, giữ vững được ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, phá thế bị bao vây cấm vận, tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng quốc tế. Sự nghiệp đổi mới càng đi vào chiều sâu, nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội càng được đẩy nhanh, thành tựu đạt được càng lớn; sức mạnh tổng hợp và vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo điều kiện để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cùng với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta cũng coi trọng và từng bước đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ, phù hợp và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều quyết định cải cách trên lĩnh vực xây dựng nhà nước và pháp luật làm cơ sở cho đổi mới hệ thống chính trị và hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chúng ta cũng thực hiện có kết quả một số cải cách quan trọng nhằm đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị theo hướng phân định rõ chức năng và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đổi mới và chỉnh đốn Đảng, từng bước làm rõ nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền để củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả “sự lãnh đạo chính trị của giai cấp vô sản”. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực hiệu quả hoạt động được nâng lên. Việc đổi mới, kiện toàn phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai theo hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính nhà nước. Cải cách tư pháp được triển khai chủ động và tích cực, đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo, triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, góp phần hạn chế các vụ việc mới phát sinh; chỉ đạo giải quyết về cơ bản các vụ việc tồn đọng. Nhà nước cũng có nhiều chủ trương, giải pháp, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế và đổi mới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từng bước được hiện thực hóa.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải đề cao pháp luật, kỷ cương để đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất từ một khung pháp lý hoàn thiện, duy trì được sự hợp tác trong cạnh tranh, bảo đảm nền kinh tế phát triển đúng định hướng và yêu cầu quản lý xã hội. Trong quá trình đổi mới, tư tưởng dùng pháp luật để quản lý xã hội, quản lý nhà nước được khẳng định và đề cao; vai trò của pháp luật được ghi nhận: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Quản lý xã hội bằng pháp luật đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”(2). Nhà nước đã ban hành các hiến pháp (Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001; Hiến pháp năm 2013) và nhiều luật thể chế hóa đường lối của Đảng, tạo khuôn khổ pháp lý và thúc đẩy quá trình đổi mới. Hệ thống pháp luật từng bước được xây dựng, hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị và tạo môi trường pháp lý cho hội nhập quốc tế. Trên các lĩnh vực: Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, kinh tế, xã hội; giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; văn hóa; hợp tác quốc tế; an ninh quốc phòng; trật tự an toàn xã hội; hành chính; tư pháp hình sự,... pháp luật đều có những đổi mới tích cực theo hướng đáp ứng các yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu và các hình thức sở hữu, địa vị pháp lý của các chủ thể kinh tế, các cơ chế khuyến khích và bảo đảm đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội được xác lập về mặt pháp lý. Nhiều quy định điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, thương mại và hoạt động của các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu sự can thiệp của các cơ quan nhà nước bằng các biện pháp hành chính và cơ chế xin - cho; chế độ nhà nước độc quyền ngoại thương được xóa bỏ; nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước được xác lập. Việc thể chế hóa những chủ trương lớn của Đảng về phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, ưu đãi và an sinh xã hội, dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực xã hội khác đã góp phần phát triển kinh tế đi đôi với hạn chế những tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Nhà nước cũng đã ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế phục vụ chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Trong quá trình lãnh đạo đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý, đã xác định những chủ trương, chính sách đúng để phát triển đất nước; đặc biệt là đã xác định rõ mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát huy tinh thần dân tộc để xây dựng đất nước. Tư duy về đổi mới, đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị đã chín dần theo thời gian và thực tiễn đổi mới. Đảng ta ngày càng thấy rõ: để có chủ nghĩa xã hội phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; chủ động hội nhập quốc tế(3). Nhà nước ta đã quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật và đang từng bước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm bảo đảm quyền lực của nhân dân được thực hiện không phải bằng việc nhà nước can thiệp trực tiếp vào những hoạt động sản xuất - kinh doanh làm hạn chế quyền chủ động của cơ sở và người lao động, mà được thực hiện bằng việc Nhà nước quản lý vĩ mô nền kinh tế - xã hội ngày càng hiệu quả. Vai trò của bàn tay hữu hình ngày càng tăng lên và đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế Việt Nam.
Những vấn đề đặt ra cho quản lý xã hội
Một số tồn tại trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý
Gần 30 năm qua, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo được triển khai thắng lợi. Trong quá trình đổi mới, hệ tư tưởng chính thống và hệ thống lý luận khoa học của Đảng ta luôn tìm kiếm những nhân tố, giải pháp nhằm tháo gỡ, đột phá, cải cách và đề ra những chủ trương chính trị thực tiễn, khoa học. Tuy nhiên, tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới, một số vấn đề ở tầm chủ trương, quan điểm chưa được xác định rõ, vì thế có sự chậm trễ, lúng túng trong việc cụ thể hóa và thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách và trong tổ chức chỉ đạo thực hiện. Trong những năm đầu đổi mới, việc quản lý xã hội trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa được quan tâm thích đáng. “Nguyên nhân của nhiều vấn đề nhức nhối hiện nay không chỉ do kinh tế kém phát triển, mà còn do chúng ta buông lỏng lãnh đạo và quản lý, chưa quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội”(4).
Trong bước ngoặt chuyển đổi, cơ chế quản lý xã hội mới đang hình thành, phát triển nhưng chưa hoàn thiện. Hệ thống quản lý hành chính, trật tự và đạo đức xã hội, xây dựng nền dân chủ và phát huy sức sáng tạo trong nhân dân còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hệ thống chính sách, pháp luật, các công cụ quản lý chưa đạt hiệu quả cao. Hệ thống chính trị với tư cách là thiết chế thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thiết chế quản lý xã hội dân chủ đang trong quá trình đổi mới và chưa có chiều sâu. Chuyển sang cơ chế mới nhưng chưa phân định rõ quan hệ và chức năng của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhiều vấn đề đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị tuy mới được phác họa và còn trong phạm vi phương án nên không thể giải quyết một cách giản đơn, vội vã, chủ quan. Sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước chưa ngang tầm, chưa phát huy hết năng lực quản lý và hiệu lực điều hành của bộ máy nhà nước. Các cấp ủy và tổ chức Đảng chưa quan tâm kịp thời lãnh đạo xây dựng quan hệ sản xuất, tăng cường kinh tế quốc doanh và tập thể, xây dựng và quản lý thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước. Quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực: đầu tư, giao thông, môi trường, đất đai, kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo còn nhiều hạn chế và có phần bị buông lỏng, chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ mới; chưa phát huy đầy đủ mặt tích cực và hạn chế được tính tự phát, tiêu cực của kinh tế thị trường. Bộ máy nhà nước chưa thật sự trong sạch, vững mạnh; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, hiệu lực quản lý điều hành chưa nghiêm; kỷ cương xã hội bị buông lỏng có khả năng làm lu mờ bản chất tốt đẹp của chế độ, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ ra. Mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị trên cơ sở vừa củng cố vừa đổi mới để phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực của nhân dân lao động trong hiện thực còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, vấn đề trật tự và kỷ luật đang là mặt yếu kém của hệ thống chính trị ở nước ta.
Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, hiệu quả quản lý chưa cao
Ngày nay, quy mô khách quan của sự vận động các quan hệ xã hội của đất nước đang đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh trên các lĩnh vực cơ bản của cuộc sống. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất; tính công khai, minh bạch còn hạn chế, tính khả thi thấp. “Nội dung của pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ, môi trường, an ninh - quốc phòng, đối ngoại còn chưa chứa đựng đầy đủ các yếu tố “phát triển bền vững”(5). Hệ thống pháp luật hiện hành chưa theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; bảo vệ các quyền con người và quyền công dân, cho quá trình hội nhập quốc tế. Trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, còn tình trạng vừa thiếu dân chủ vừa lỏng lẻo kỷ cương: vẫn có nơi, có lúc có biểu hiện coi thường pháp luật; một bộ phận những người có trách nhiệm giữ gìn pháp luật lại vi phạm pháp luật. Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều thủ đoạn phạm tội mới tinh vi và cuộc đấu tranh chống vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước còn bộc lộ không ít khuyết điểm, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và chưa ngang tầm với nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới. Pháp luật chưa khẳng định mạnh mẽ vai trò là công cụ đắc lực của Nhà nước để quản lý xã hội, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân và đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật đang trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
Tác động mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế
Ngoài những hạn chế nêu trên, công cuộc đổi mới còn gặp những lực cản khách quan lớn như: mặt trái của cơ chế thị trường, bệnh quan liêu và tệ tham nhũng trong hệ thống chính trị, những ảnh hưởng tàn dư của tư tưởng phong kiến, tư sản. Đặc biệt, để kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chúng ta phải đương đầu với cuộc cọ xát tư tưởng khốc liệt: kẻ thù của chủ nghĩa xã hội bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” luôn tìm cách lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh các thành tựu chủ yếu và những tác động tích cực như: góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm cho đời sống nhân dân đỡ khó khăn, mở hướng đi lên tốt đẹp hơn...; mặt trái của cơ chế thị trường (đề cao giá trị của đồng tiền) đã tác động mạnh đến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đạo đức xã hội và phát sinh nhiều tệ nạn xã hội. “Nguyên tắc tối đa hóa lợi ích cá nhân”, chủ nghĩa tôn thờ vật chất, kinh tế thị trường đã và đang đẩy con người vào “vòng xoáy” của lợi nhuận, nảy sinh lối tư duy thực dụng, “kích thích” tính phi đạo lý, kiểu làm ăn gian dối, bất chấp dư luận xã hội, chà đạp lên luân lý, luật pháp, làm sai lệch các chuẩn mực đạo đức và làm đảo lộn bậc thang giá trị xã hội. Đồng thời, trong quá trình hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác và giao lưu văn hóa với các nước, chúng ta tiếp thu được nhiều thành tựu văn minh nhân loại, làm phong phú nền văn hóa dân tộc; song cũng bị ảnh hưởng của sự du nhập ngoại lai không lành mạnh, tạo ra những tác động tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của không ít người (trong đó có cả cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ). Đó là những biểu hiện dao động về tư tưởng, những lệch lạc trong lựa chọn giá trị, tiếp nhận một cách tự phát những lối sống, thị hiếu phương Tây; chủ nghĩa cá nhân cực đoan có xu hướng phát triển, những thói hư, tật xấu có cơ hội trỗi dậy. Đây là yếu tố góp phần làm gia tăng các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.
Tóm lại, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó không chỉ đem lại sức sống mới cho chủ nghĩa xã hội hiện thực mà còn có ý nghĩa tích cực đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; khẳng định tính đúng đắn của đường lối mà Đảng và nhân dân ta thực hiện. Mặc dù còn có những khuyết điểm, yếu kém nhưng với những thành tựu đạt được, không thể phủ nhận thực tế khách quan là bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều điểm sáng đáng tự hào. Sự nghiệp đổi mới cũng đòi hỏi Đảng và Nhà nước quan tâm khắc phục một số tồn tại trong quản lý xã hội để xóa bỏ những lực cản trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước./.
------------------------------
(1) Như: Khoán sản phẩm, giao quyền chủ động cho các đơn vị cơ sở, lợi nhuận, quyền tư hữu tài sản, thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp, an sinh xã hội, đảng viên được làm kinh tế tư nhân
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 45
(3) Hội nhập quốc tế (International integration) - được hiểu là quá trình các nước tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết họ với nhau dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực (thẩm quyền định đoạt chính sách) và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (khóa VII), năm 1991
(5) Phát triển bền vững (Sustainable Development) là sự phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu hiện tại và bảo đảm không làm tổn thương khả năng đáp ứng đòi hỏi của thế hệ tương lai
Đỗ Đức Minh
Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: TCCS