Gần đây, các tòa án Việt Nam đã tiến hành xét xử công khai vụ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, liên quan tới 4 bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long (tại Thành phố Hồ Chí Minh); vụ án liên quan tới Trần Anh Kim (tại Thái Bình), hoặc vụ án liên quan tới Trần Xuân Nghĩa và đồng phạm tại Hải Phòng và trước đây là vụ án liên quan tới Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân...
Đó là những vụ án khá điển hình, mà trong đó hoạt động phạm tội của các bị cáo đều có chung mục đích là bôi xấu, kích động, hoặc mưu toan lật đổ chính quyền nhân dân, đe dọa an ninh quốc gia. Vi phạm pháp luật Việt Nam đồng thời đe doạ an ninh quốc gia, các bị cáo này trở thành tội phạm nghiêm trọng và đã bị xét xử theo pháp luật hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam, một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Ở những mức độ khác nhau, hầu hết các bị cáo đều nhận tội vi phạm luật pháp nhà nước. Án đã được tuyên thích đáng, nhưng vẫn thể hiện sự khoan hồng.
Việc các vụ án này bị phát giác, điều tra và được đưa ra xét xử đã nhận được sự đồng tình rộng rãi của dư luận.
Sở dĩ dư luận đồng tình vì người vi phạm pháp luật, đe dọa an ninh quốc gia phải bị xét xử nhằm ngăn chặn những nguy cơ bất ổn chính trị gây ảnh hưởng tiêu cực tới công cuộc phát triển của đất nước. Nhân dân ta đang ngày đêm ra sức phấn đấu xây dựng thể chế chính trị lành mạnh do Đảng ta lãnh đạo, nhằm đạt tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Bài học kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có quốc gia láng giềng Thái Lan và các quốc gia khác đã từng trải qua “các cuộc cách mạng màu sắc” như Gru-di-a, U-crai-na, Cư-rơ-gư-xtan... là những ví dụ mới nhất cho chúng ta thấy rõ bất ổn chính trị kéo lùi sự phát triển. Dân tộc Việt Nam đã phải chịu những tổn thất, hi sinh, gian khổ trong quá khứ để có sự ổn định và phát triển như ngày nay và đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Dù hệ thống pháp luật, hệ thống an sinh xã hội, các cơ chế vận hành xã hội còn cần tiếp tục được bổ sung để hoàn thiện dần, nhưng những thành quả mà chế độ xã hội đạt được trong những năm qua ở Việt Nam là điều đáng nể phục và không thể phủ nhận. Dư luận đồng tình còn là vì nhân dân ta đã quá hiểu rõ các thế lực không ưa chế độ ở Việt Nam hiện nay - chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo theo quy định của Hiến pháp - nên luôn tìm cách lật đổ bằng mọi hình thức trong vỏ bọc dân chủ và nhân quyền.
Những kẻ gây ra nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia phải bị trừng trị là tất yếu. Điều đó được thực hiện ở tất cả các quốc gia. Là quốc gia độc lập và có chủ quyền, như bất kì quốc gia nào khác trên thế giới, Việt Nam có luật pháp riêng và đang được thực thi nghiêm túc trên lãnh thổ Việt Nam mà không chịu bất cứ sức ép nào từ bên ngoài. Người dân Việt Nam nhận rõ bộ mặt thật của nhiều tổ chức khủng bố hoặc đang có xu hướng hoạt động khủng bố, trong đó có đảng Việt Tân của một số người bất mãn lưu vong, mà Lê Công Định đã thừa nhận được tổ chức này huấn luyện ở Thái Lan phục vụ hoạt động lật đổ ở trong nước. Việc ngăn chặn những phần tử, tổ chức nguy hiểm đó là cần thiết và phù hợp với pháp luật hiện hành.
Chúng ta có quyền tự hào nói rằng, các lực lượng an ninh nước ta đã sớm phát hiện và ngăn chặn những phần tử, những tổ chức âm mưu gây bất ổn chính trị, đe dọa khủng bố... Chúng ta cũng tự hào vì Việt Nam ta là một trong những quốc gia hòa bình và ổn định chính trị hàng đầu trên thế giới hiện nay. Việt Nam đã học được nhiều bài học an ninh từ các quốc gia khác trên thế giới trong việc đánh giá tình hình an ninh và ngăn chặn nguy cơ gây mất an ninh, an toàn. Việt Nam đã cố gắng phát giác, bắt giữ và xét xử công khai theo luật pháp những kẻ âm mưu gây bạo loạn, đe dọa an ninh quốc gia, khủng bố nhằm duy trì nền chính trị ổn định hiện có.
Có một thực tế đang tồn tại rằng, một số trí thức trẻ ở Việt Nam, được đào tạo trong nước hoặc ngoài nước, nhận thức mơ hồ về lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và cả lợi ích giai cấp. Họ nắm vững kiến thức chuyên môn, nhưng bộc lộ bản lĩnh non yếu về chính trị. Họ muốn bê nguyên xi mô hình dân chủ tư sản vào Việt Nam, mong muốn có đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập mà ít hiểu biết về lịch sử cách mạng, văn hóa và tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Họ cho rằng, mọi yếu kém của đất nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độc độc đảng làm cản trở sự phát triển đất nước.
Sự so sánh nước ta với các nước để rút kinh nghiệm phát triển là cần thiết nhưng không thể đòi hỏi Việt Nam phải bắt chước mô hình phát triển của phương Tây. Cũng như vậy, mọi áp đặt từ bên ngoài về dân chủ, nhân quyền... cũng trở nên lố bịch khi giữa Việt Nam với các nước có nền văn hóa khác nhau và trình độ phát triển còn cách xa nhau. Dân tộc Việt Nam luôn cầu thị và luôn sẵn lòng tiếp thu những giá trị chung và tinh hoa của nhân loại nhưng không bao giờ chấp nhận sự áp đặt.
Sau khi các vụ án trên được đưa ra xét xử, có một số ý kiến phản đối quyết liệt từ bên ngoài. Một số tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài (Mỹ, Anh và EU) và một số cơ quan truyền thông phương Tây lại đặt cho những tội phạm trong các vụ án này cái tên khá mĩ miều là “những nhà hoạt động dân chủ”. Họ công khai bênh vực những người vi phạm pháp luật Việt Nam và chỉ trích Việt Nam trong việc bắt giữ và đưa những phần tử trên ra xét xử khi cho rằng những người này chỉ bày tỏ chính kiến một cách “bất bạo động”. Sự bênh vực ấy, qua những tuyên bố được phát tán khá rộng rãi, thực chất là công khai coi thường pháp luật Việt Nam, coi thường hệ thống tư pháp và giới luật gia của Việt Nam, bao che cho những người có âm mưu lật đổ chính quyền hợp pháp của Việt Nam. Nói theo cách của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta, đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền, có hệ thống luật pháp của mình và quản lí xã hội bằng luật pháp. Các trình tự pháp lí của các vụ án này ở Việt Nam phải theo luật pháp Việt Nam (vốn phù hợp với giá trị chung của nhân loại), chứ không thể theo ý muốn chủ quan của những cá nhân hay tổ chức hoặc cơ quan ngoại giao nước ngoài.
Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rằng, ổn định chính trị của đất nước là một giá trị và ổn định để phát triển là nhu cầu lớn nhất của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
(Theo: KIM TÔN/QĐND)