Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Sáu, 13/9/2013 11:26'(GMT+7)

Sửa đổi Hiến pháp bảo đảm quyền của trẻ em

Ngày 12/9 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo Những nội dung về quyền trẻ em cần được ghi nhận trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu quốc hội các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm lớn, chỉ đạo sát sao đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ghi nhận các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của truyền thống Á Đông như kính lão đắc thọ, lòng hiếu thảo của đạo làm con,… thì vấn đề bảo đảm quyền tham gia của trẻ em vẫn chưa được xem là mối ưu tiên hàng đầu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia tham dự đã khẳng định, một trong những bước tiến lớn trong chế định về quyền trẻ em của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đã khẳng định rõ trẻ em có quyền. Mặc dù vậy, quy định về quyền trẻ em trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn còn một số nội dung chưa hợp lý, chưa phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Theo TS. Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, bà đánh giá cao bản dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Tinh thần Quyền trẻ em đã được thể hiện trong nhiều quy định thuộc Chương II và điều trong Chương III về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ. Tập trung nhất là điều 40 thay thế điều 65 của Hiến pháp 1992.  Dự thảo sửa đổi đã khẳng định rõ “Trẻ em có quyền”, đây là một bước tiến lớn thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, tuy trẻ em còn nhỏ, nhưng trẻ em có quyền cơ bản của con người, quyền công dân của người chưa trưởng thành, đòi hỏi gia đình, Nhà nước, xã hội phải tôn trọng và thực hiện. Tuy nhiên, quy định nội dung các quyền của trẻ em ở điều 40 là “được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục là chưa đầy đủ”. Nên đổi thành “Quyền được sống, tồn tại, phát triển, bảo vệ và tham gia. Nhà nước đảm bảo thực hiện quyền trẻ em.” Nội dung “Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục” nên sửa thành “Gia đình, mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và tạo điều kiện thực hiện quyền trẻ em, tuân theo các nguyên tắc: không phân biệt đối xử, lợi ích tốt nhất cho trẻ em là mối quan tâm hàng đầu”. Nội dung “Nghiêm cấm, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức laod dộng và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” đổi thành “Nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em”.

TS Đặng Minh Tuấn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra một số kiến nghị sửa đổi liên quan đến quyền của trẻ em như ở Điều 37 (sửa đổi bổ sung Điều 65, 66) là Trẻ em có quyền được phát triển toàn diện về mặt thể chất, tinh thần và xã hội, được nghỉ ngơi và chơi, đảm bảo các lợi ích tốt nhất trong các vấn đề trong các vấn đề liên quan đến trẻ em. Hoặc “Trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh và có quốc tịch theo những điều kiện luật định”. Ở Điều 61 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, 36) cần nhấn mạnh “tạo điều kiện cho trẻ em người dân tộc được học tiếng dân tộc thiểu số của mình”.

Các đại biểu cũng góp ý một số quyền như tự do tìm kiếm, tiếp nhận thông tin mà trẻ em đã lựa chọn nhằm mục đích xã hội, tinh thần, đạo đức, thể chất và quyền được tự do kết giao... chưa được ghi nhận. Các chuyên gia đề nghị, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần diễn đạt đầy đủ 4 nhóm quyền của trẻ em bao gồm: quyền được sống, tồn tại; phát triển; bảo vệ và tham gia cho phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần quy định rõ các nguyên tắc chính bảo đảm thực hiện quyền trẻ em nhằm hiện thực hóa các quyền của trẻ em.

Bảo Long
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất