Thứ Ba, 1/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 30/9/2011 15:47'(GMT+7)

Sức Đảng, lòng dân trong biển lũ

Đóng cử bảo vệ đê bao tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: Laodong.vn

Đóng cử bảo vệ đê bao tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: Laodong.vn

Gần 1 tuần nay, cả vùng đầu nguồn lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là An Giang, Đồng Tháp đang dồn hết sức chống lũ lớn. Từ những ngày đầu chỉ có lực lượng tại chỗ, nhưng khi hay tin lũ lớn đổ về gây nhiều khó khăn, nhiều lực lượng dân quân, bộ đội chủ lực, công an, rồi công chức, viên chức, cả những sinh viên đang ở giảng đường như ở Đại học Đồng Tháp cũng gác công việc, gác học hành lại để tham gia chống lũ.

Trong những ngày cam go, đối phó quyết liệt với lũ, những bát cơm nóng hổi, những ca nước nghĩa tình của người dân vùng lũ càng làm ấm lòng những con người đang ngày đêm vật lộn trong lũ dữ.

Gần chục năm yên bình trong mùa nước nổi, những ngày qua, cả đồng bằng Châu Thổ hiền hòa lại dồn sức đối phó với lũ lớn. Hàng trăm ngàn cư dân nơi đây ngày, đêm chống chọi trong dòng lũ chảy xiết. Khi được báo lực lượng chưa đủ sức, ngay lập tức, hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã được tăng cường. Gần như toàn bộ hệ thống chính trị đều được huy động để tham gia hộ đê, cứu lúa.

Tại các huyện đầu nguồn lũ của tỉnh Đồng Tháp, trên những tuyến đê đang bị lũ tràn vào, chúng tôi không còn phân biệt được đâu là những chiến sĩ bộ đội, công an, cán bộ công chức hay người nông dân tay lấm chân bùn. Bởi tất cả đã hòa vào thành một, với một mục tiêu duy nhất - cứu đê, cứu lúa. Những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội mà chúng tôi tiếp xúc khi tham gia chống lũ cho biết: “Tập trung nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự; đồng thời tuần tra bảo vệ đê, sẵn sàng phối hợp để gia cố đê khi có tình huống xấu”; “Được lệnh hành quân về bảo vệ đê cho bà con nhân dân ở đây. Do vậy chúng tôi tập trung cho nhiệm vụ. Làm sao nhanh chóng đắp đê, không bị lũ tràn”.

Cùng với sức người, Đảng, chính quyền ở các địa phương vùng lũ cũng đã liên tục hỗ trợ, huy động mọi phương tiện cơ giới, kinh phí để chống lũ. Hàng trăm tỷ đồng đến thời điểm này đã được chuyển tới các huyện vùng lũ ở ĐBSCL để đẩy mạnh hơn nữa công tác gia cố đê bao - nơi mà sức người vẫn là số 1. Trong những ngày trên thì mưa như trút nước, dưới thì lũ dâng lên cuồn cuộn, lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương đều xắn quần, lội nước để tham gia công tác chỉ đạo khắc phục mưa lũ.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư huyện ủy Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đang trực tiếp chỉ đạo lực lượng chống lũ, gạt những giọt nước còn vương trên khuôn mặt cho biết: “Nhân lực chủ yếu là người địa phương. Vật tư huy động tại chỗ và kết hợp với bộ đội. Ngoài việc gia cố cừ tràm phía hậu, chúng tôi còn đắp đất nâng cao trình đê. Chúng tôi tập trung nhiều cán bộ kỹ thuật và bộ đội quyết tâm làm hết sức để dập những điểm nóng”.

Đảng giúp dân, dân cũng hết lòng với Đảng. Những ngày qua, trong khi hàng ngàn thanh niên, chiến sĩ đang vật lộn với lũ thì những cư dân vùng lũ cũng tham gia góp công, góp của để bảo vệ đê bao. Nhiều nơi vùng lũ, xuất phát từ tấm lòng, người dân đã tự nguyện hùn gạo, thức ăn để nấu những bữa cơm nghĩa tình phục vụ hàng ngàn người đang tham gia chống lũ.

Bà Phạm Thị Gọn - một cư dân vùng lũ năm nay đã trên 80 tuổi, cả tuần nay bà huy động người thân trong gia đình nấu cơm, nấu nước uống phục vụ các chiến sĩ đang gia cố đê ở bờ đông kênh Sa Rài, xã biên giới Tân Hội Cơ. Đây cũng là một trong những hình ảnh sinh động nhân ngày quốc tế người cao tuổi tại vùng đầu nguồn lũ. Bà Gọn bộc bạch “Con cháu mình đang dồn sức chống lũ, mình cũng phải đóng góp một phần công sức chứ. Nhân dân và nhà nước cùng cứu đê mà. Lực lượng cứu đê đâng làm hết khả năng, mình góp chút ít công sức có đáng là gì”.

Những ngày qua, khi cừ tràm, bạch đàn ở vùng đầu nguồn dùng để đóng, gia cố đê ngày càng khan hiếm thì sức mạnh trong dân càng được phát huy hiệu quả. Ngay khi có yêu cầu, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện đốn tràm, bạch đàn trong vườn nhà và cả những loại cây gỗ khác để cung cấp cho công tác chống lũ.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, một người dân ở Hồng Ngự cho biết: “Tôi thấy mình nên làm một việc gì đó trong hoàn cảnh này. Vườn nhà còn một số tràm và một số cây khác, tôi góp hết để hỗ trợ gia cố đê, bảo vệ lúa thu đông cho bà con mình”.

Trên những cánh đồng ngập trắng nước, con người vẫn đang chống chọi giữa lũ lớn. Nhưng nghĩa tình giữa Đảng với dân, dân với Đảng vẫn sáng ngời trong những thời điểm đầy lo âu, bất trắc. Tất cả mọi người đều có chung một niềm tin rằng thiên tai lũ bão rồi sẽ qua đi, bà con lại bắt tay vào một mùa vụ mới với nhiều thắng lợi và ấp ám nghĩa tình./.

(Theo: Thanh Tùng/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất