Thứ Ba, 1/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 29/9/2011 10:53'(GMT+7)

Giáo dục kỹ năng sống của trẻ khi trong gia đình có người giúp việc

ảnh Minh họa

ảnh Minh họa

Mấy năm gần đây, ở một số gia đình khá giả đã có nhu cầu thuê người giúp việc (có thể nuôi ăn tại nhà hoặc thuê theo giờ). Đặc biệt với các gia đình thành phố, bố mẹ bận bịu với công việc, không có thời gian làm việc nhà, vì vậy, họ đành tìm biện pháp tối ưu nhất là thuê người giúp việc để làm tất cả việc nhà. Biết bao câu chuyện “dở khóc dở cười” xoay quanh đề tài người giúp việc. Nhưng trong phạm vi bài viết này, ta chỉ đề cập đến người giúp việc với kỹ năng sống của trẻ em.

Lợi bất cập hại

Khi gia đình có người giúp việc, bản thân trẻ em không phải làm việc gì trong nhà, từ gấp chăn màn, giặt quần áo đến chuẩn bị bữa ăn, thậm chí cả tự phục vụ bản thân như lấy nước uống, thay quần áo, để đồ dùng, giày dép đúng nơi quy định... cũng được người giúp việc làm thay toàn bộ. Vì thế chúng có cảm giác mình đã là ông bà chủ từ nhỏ. Xuất hiện cảm giác này khiến trẻ lười lao động, sống ỉ nại dựa dẫm và coi thường lao động chân tay. Trẻ em sống trong gia đình có người giúp việc thường thiếu kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Chúng thiếu đi sự quan tâm chia sẻ với người khác (đặc biệt với ông bà, cha mẹ khi ốm đau rất cần sự thăm hỏi săn sóc - vì đã có người giúp việc rồi). Trẻ dần dần thiếu kỹ năng sống như giao tiếp kém, nói năng cộc lốc. Các em nữ không biết thu vén việc nhà, các em nam không thấy được vai trò trụ cột, là chỗ dựa cho người khác trong gia đình. Về lâu dài như vậy, các em khó có thể trở thành người tự lập, khó có thể tổ chức tốt cuộc sống riêng cho mình. Thực tế có những đứa trẻ học cấp 2, cấp 3 vẫn phải có người phục vụ những việc mà đáng ra các em tự làm: đó là chăm sóc bản thân. Có những em gái tuổi 17, 18 mà vẫn rất vụng về trong nữ công gia chánh, khi có khách đến chẳng biết cách pha trà, trước đám đông bạn bè không biết ứng xử ra sao khi có những tình huống bất ngờ, đến dự sinh nhật của bạn trai mà không biết phải cắm hoa ra sao, bày đĩa hoa quả thế nào… Đó chính là khi còn nhỏ các em đã thiếu hụt kỹ năng sống, hay nói chính xác hơn thiếu sự trang bị kỹ năng sống của cha mẹ dành cho các em.

Giải pháp

Người lớn đừng để trẻ tự biến mình thành ông chủ - đó là lời khuyên hữu ích. Phải để trẻ làm việc, cho dù nhà có người giúp việc. Hãy tạo cho trẻ thói quen trong suy nghĩ rằng: người giúp việc chỉ thay thế phần nào công việc vặt trong nhà của bố mẹ, chứ không phải là “người hầu” như các vị vua chúa ngày xưa. Mọi nhu cầu cá nhân như tắm gịăt, ăn uống, gấp chăn màn, xếp dọn phòng ở của mình phải do các em tự làm. Trẻ phải tự biết phục vụ chăm sóc bản thân. Thậm chí học hỏi ở người giúp việc những công việc bếp núc, nữ công gia chánh, hay thu vén sắp xếp trong nhà. Có những việc tưởng chừng rất đơn giản (như nhặt rau, thái thịt…) nhưng nếu không được hướng dẫn thì sẽ chẳng thể nào biết làm. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến nhân cách của trẻ khiến các em có thói quen ỉ nại hoặc coi thường lao động chân tay. Sau này khi lớn lên, sẽ gặp khó khăn trong việc tự tổ chức cuộc sống riêng cho mình.

Các bậc phụ huynh không nên giao phó toàn bộ việc nhà cho người giúp việc, nên quy định rõ những việc nào trẻ cần tự làm,( thường là những việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân như gấp chăn màn khi dậy, tự mặc quần áo khi đi học, dọn bàn học của mình, sắp xếp đồ đạc trong phòng gọn gàng ngăn nắp, xếp bát đũa sau khi ăn xong…) bởi những việc này không hề ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của trẻ, mà ngược lại rèn cho các em nhiều kỹ năng, đức tính tốt.

Để trẻ em không ỉ thế mình là chủ mà được quyền ra lệnh cho người giúp việc (lớn tuổi hơn), cha mẹ các em cần làm gương, đồng thời yêu cầu trẻ phải làm một số việc, công khai trước cả gia đình và người giúp việc. Cha mẹ cũng nên dạy cho con cách xưng hô với người giúp việc sao cho phù hợp với lứa tuổi (bà hoặc cô, bác, chị…) để các em được rèn luyện cả về nhân cách và lối sống. Giúp việc là một nghề trong xã hội như mọi nghề bình thường khác, tránh phân biệt đối xử.

Ngay cả những việc đơn giản như lau dọn, là quần áo, chế biến một số món ăn… phụ huynh cũng nên tập cho con làm hoặc nhờ người giúp việc hướng dẫn con làm nếu bản thân không có thời gian hướng dẫn. Cho dù công việc đó bình thường là của người giúp việc, nhưng các em tự làm mới thấy được ý nghĩa của thành quả lao động và sau này lớn lên mới có thể làm một người chủ gia đình tốt. Tuỳ theo lứa tuổi để cho trẻ tự phục vụ bản thân như mặc đồ, ăn uống, cất dọn đồ chơi. Khi mới bắt đầu, trẻ có thể làm sai hỏng gây mất thời gian. Tuy nhiên người lớn (đặc biệt là cha mẹ) hãy kiên nhẫn hướng dẫn trẻ tự làm. Không nên phó mặc cho người giúp việc vì họ sẽ làm hộ “cho đỡ mất thời gian”…

Tất cả những điều trên tưởng chừng đơn giản với trẻ em, nhưng nó là kỹ năng sống ban đầu. Cần giáo dục các em từ nhỏ, tránh hiện tượng “bé không vin, cả gãy cành”. Ở một số nước khác, trẻ em cứ mỗi tuần lại có 1 ngày lao động để các em hiểu được giá trị của công việc lao động chân tay mà trân trọng. Đối với nhà có người giúp việc, người lớn cần hết sức tế nhị trong ứng xử để tránh cho con trẻ tư tưởng “là ông chủ” quá sớm, coi thường người già cả hèn kém hoặc địa vị thấp trong xã hội…

Sẽ rất hạnh phúc cho người cha mẹ nào khi đi làm về nhà thấy con chạy ra đỡ và cất cặp tài liệu, rồi rót cho bố mẹ cốc nước, mời bố mẹ đi ăn cơm và khoe “món này con tự nấu” dưới sự hướng dẫn của người giúp việc. Đó là tài sản vô giá trong nhà mà ai cũng phải mơ ước. Cần một đứa con ngoan chứ không cần một đứa con đơn thuần chỉ học giỏi mà vô cảm với cha mẹ khi ốm đau hoặc lúc cần sự giúp đỡ về tinh thần của người thân. Có những việc người giúp việc không thể làm thay được mà phải ở tấm lòng người con hiếu thảo. Muốn vậy cần hiểu: Giáo dục trẻ là quan trọng, trang bị kỹ năng sống cho trẻ từ nhỏ lại càng cần thiết. Để làm được điều này, ngoài nhà trường, thầy cô thì gia đình đóng vai trò quan trọng và quyết định./.

Diễm Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất