Công tác tuyên truyền miệng được cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và Ban Tuyên giáo các cấp tỉnh Cà Mau nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng. Bởi lẽ, hoạt động của báo cáo viên được xác định là một kênh thông tin chính thống, có sức lan toả nhanh, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Qua đó góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống.
Đến nay, tỉnh Cà Mau có 5 báo cáo viên cấp Trung ương, 47 báo cáo viên cấp tỉnh, 242 báo cáo viên cấp huyện, thành phố và tương đương, và trên 1.000 tuyên truyền viên của Mặt trận, đoàn thể các xã, phường, thị trấn.
Khẳng định hiệu quả tuyên truyền
Tại hộ bà Lê Thị Tiếng, ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tổ tuyên truyền viên của xã Lý Văn Lâm gồm đầy đủ các thành phần, như đại diện Mặt trận, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… của xã đến tuyên truyền, vận động hộ gia đình thực hiện 4 nội dung xây dựng tuyến dân cư kiểu mẫu và tuyên truyền bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Văn Hận, Bí thư Chi bộ ấp Lung Dừa, cho biết: “Tổ tuyên truyền viên của xã luôn hỗ trợ chúng tôi trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, từ phong trào xây dựng lộ giao thông nông thôn, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự… đến phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tùy đối tượng chủ hộ là hội viên người cao tuổi, nông dân, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên… mà tổ tuyên truyền phân công cán bộ tiếp cận cho phù hợp. Theo đó, trên tinh thần tập trung dân chủ, tuyên truyền có tình, có lý nên mọi chủ trương, chính sách đưa ra đều được bà con đồng tình, hưởng ứng”.
Ông Nguyễn Hồng Vệ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đánh giá: “Công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp uỷ được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Phương pháp truyền đạt đổi mới và đạt hiệu quả khá cao.
Từng tháng, quý đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ động lựa chọn các nội dung phù hợp với từng đơn vị, địa phương mình và cập nhật những thông tin mới về tình hình thời sự kết hợp với triển khai chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Từ đầu năm đến nay, đội ngũ tuyên truyền viên đã tuyên truyền hàng trăm chuyên đề cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và nhân dân. Nội dung tuyên truyền như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, 4, 5 (khóa XI); các nghị quyết chuyên đề của cấp uỷ; chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tình hình thế giới thời gian qua và tình hình, chủ trương, biện pháp xử lý của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông. Đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân cùng ra sức, phấn đấu thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đông về số, mạnh về chất
Hằng năm, các cấp uỷ quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng này. Ban Tuyên giáo các cấp giữ vững định kỳ hội nghị báo cáo viên để thông tin tình hình thời sự trong nước và trên thế giới cũng như những vấn đề trọng tâm cần tập trung tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương.
Ông Nguyễn Thiện Lộc, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Ngọc Hiển, cho biết: “Đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng của huyện luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi, rút kinh nghiệm trong thực tiễn. Đồng thời tích luỹ tư liệu, nắm bắt những vấn đề mới được xã hội quan tâm để đưa vào nội dung tuyên truyền. Từ đó tạo được sức hấp dẫn, thu hút người nghe.
Với phương châm: “Hướng về cơ sở, sát cơ sở”, công tác tuyên truyền miệng thời gian qua đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương”.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền miệng vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. Đó là, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tuy khá đông về số lượng nhưng hoạt động chưa đều, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Số báo cáo viên, tuyên truyền viên có kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng, phương pháp tuyên truyền miệng chưa nhiều.
Đội ngũ báo cáo viên trong tỉnh thường biến động do luân chuyển công tác. Khả năng truy cập và xử lý thông tin còn hạn chế. Phương pháp tuyên truyền có đổi mới nhưng còn chậm, ít sử dụng phương pháp đối thoại. Đặc biệt, chưa kịp thời giải đáp những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân thật sự quan tâm.
Để đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đông về số, mạnh về chất, ông Nguyễn Hồng Vệ cho rằng, cần phải tăng cường vai trò lãnh đạo và định hướng của cấp uỷ đảng đối với công tác tuyên truyền miệng. Xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ với các đoàn thể để tuyên truyền trên diện rộng, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Cần đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền gắn với đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng. Quan tâm công tác tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng và giải quyết thỏa đáng các chế độ, chính sách. Có như thế, công tác tuyên truyền miệng mới đáp ứng tốt nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới./.