Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 5/5/2012 4:11'(GMT+7)

Sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa cộng sản khoa học

C. Mác và Ph.Ăngghen

C. Mác và Ph.Ăngghen

 

Cùng với người bạn chiến đấu và thủy chung của mình là Ph. Ăng-ghen, C.Mác đã khai phá con đường dẫn đến sự phát triển ý thức xã hội, làm hình thành thế giới quan khoa học của giai cấp công nhân, xây dựng nên một học thuyết khoa học và cách mạng hoàn chỉnh với ba bộ phận hợp thành: Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác được đánh dấu bằng tác phẩm Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản (2-1848), một văn phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới, trở thành "Cương lĩnh chung của hàng triệu công nhân tất cả các nước từ Xi-bia đến Ca-li-phoóc-ni-a"(1).

Học thuyết Mác được khái quát thành hệ thống lý luận từ những thành quả nghiên cứu khoa học, gắn với nghiên cứu, khảo sát thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân châu Âu, châu Bắc Mỹ, nơi chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến giai đoạn công nghiệp phát triển vào giữa thế kỷ 19. Trở thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, học thuyết Mác là hệ thống lý luận soi đường cho cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống áp bức bóc lột; giải phóng con người khỏi chế độ làm thuê, xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất - nguồn gốc sinh ra áp bức bóc lột, bất công.

Với quan điểm duy vật biện chứng, học thuyết Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới, chỉ ra quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người là sự thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp tới cao. C.Mác chỉ ra rằng, sự thay thế đó là một quá trình lâu dài và được quyết định bởi sự vận động của những mâu thuẫn bên trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội, trước hết là mâu thuẫn giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng về lợi ích. Sự thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội là tất yếu, là một "quá trình lịch sử tự nhiên".

Từ đó, C.Mác đã đi sâu nghiên cứu hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa và chỉ ra bí mật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là bóc lột giá trị thặng dư. Bằng những căn cứ thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn, học thuyết Mác đã phân tích làm rõ, xét đến cùng, giá trị thặng dư bao giờ cũng bắt nguồn từ lao động sống của tất cả những người lao động chân tay và lao động trí óc trong hệ thống phân công lao động xã hội ngày càng phức tạp. Bóc lột giá trị thặng dư vẫn là mục tiêu cơ bản mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa theo đuổi, vẫn là quy luật kinh tế quyết định bản chất của nó. Chừng nào những cơ sở kinh tế của sự nảy sinh bóc lột chưa bị loại bỏ, chừng đó tình trạng áp bức, bóc lột vẫn tiếp tục diễn ra.

Từ hai phát kiến vĩ đại là học thuyết duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, học thuyết Mác đã phát hiện ra lực lượng xã hội tiến bộ, cách mạng có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ tình trạng tha hóa, bất công, xây dựng một xã hội mới tiến bộ, xã hội cộng sản văn minh, là giai cấp công nhân. Luận giải một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, các ông đã vạch ra đường lối chiến lược, sách lược đấu tranh cách mạng, phương thức giành chính quyền và về phương hướng cơ bản để giai cấp công nhân xây dựng xã hội cộng sản văn minh. Cùng với Ph.Ăng ghen, C.Mác đã sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học, học thuyết mở đường giải phóng giai cấp công nhân và cả loài người.

Không chỉ xây dựng học thuyết khoa học, cách mạng và mang tính nhân văn sâu sắc cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân, (sáng lập Quốc tế Cộng sản) C.Mác đã đưa lý luận thâm nhập vào phong trào, biến lý luận thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển của xã hội. Kiên định một cách nhất quán lập trường cách mạng, C.Mác không bao giờ lùi bước, khuất phục trước sức ép của các thế lực đối lập, đồng thời cũng kiên quyết chống lại mọi biểu hiện giáo điều, cơ hội, xét lại phản bội lý tưởng, mục tiêu cách mạng, đi ngược lại nguyên tắc, quyền lợi của phong trào công nhân. Người chỉ rõ, phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn cụ thể mà đề ra mục tiêu cách mạng phù hợp, giữ vững nguyên tắc nhưng mềm dẻo về phương pháp và linh hoạt về hình thức đấu tranh...

Trên mặt trận lý luận, đánh giá về chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác, V.I Lê-nin coi đây là "thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học - Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị" (2). V.I Lê-nin cho rằng, chủ nghĩa Mác đã cung cấp cho những người lao động và các dân tộc bị áp bức vũ khí lý luận để đoàn kết đấu tranh với chủ nghĩa tư bản và con đường để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tương lai.

Trong thực tiễn cách mạng, V.I. Lê-nin là người kế tục xuất sắc và phát triển chủ nghĩa Mác thành Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. V.I Lê-nin đã xây dựng Ðảng xã hội dân chủ Nga (sau này là Ðảng bôn-sê-vic Nga) tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Mười 1917 vĩ đại lật đổ chế độ áp bức bóc lột của tư bản, địa chủ, xây dựng nhà nước của công nông, binh sĩ, đưa nhân dân lao động lên vị trí làm chủ xã hội, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nước Nga và lịch sử thế giới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNCS.

Dù lịch sử đang có những bước thăng trầm, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang đứng trước những thử thách to lớn, những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn là kim chỉ nam trong nhận thức cũng như hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Ðối với cách mạng Việt Nam, tiếp thu chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Hơn 80 năm qua, thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cách mạng Việt Nam, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; giải quyết thành công những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam đặt ra.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, bài học sâu sắc trong lãnh đạo của Ðảng là kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề mới của tiến trình cách mạng.

Thành tựu của hơn 25 năm đổi mới là cơ sở thực tiễn hết sức quý báu giúp Ðảng hoàn thiện hơn nhận thức trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Một trong những biểu hiện rõ nét về điều này là sự hoàn thiện và phát triển nhận thức của Ðảng về những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, phù hợp với điều kiện nước ta, thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011): "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới" (3). Những điều này hoàn toàn tương đồng với hình ảnh một xã hội tốt đẹp trong hình dung của Mác.

Ðể hoàn thành được những nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện mới, trước hết, việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) phải được coi là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay, trong đó xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, về tổ chức, về phẩm chất đạo đức là đòi hỏi sống còn, nhằm bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ và cũng chính là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới.

PGS,TS ÐỖ THỊ THẠCH (*) 
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)
______________________________
(*) Nguồn: Báo Nhân Dân

(1)  C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, T.22, tr.98.

(2) V.I Lê-nin, Toàn tập, t.23, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va 1980, tr.53.

(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.70.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất