Thứ Năm, 21/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 4/6/2024 6:0'(GMT+7)

Tài năng và nhân cách lớn của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên phải hàng dưới) và các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời, năm 1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên phải hàng dưới) và các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời, năm 1945.

HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN TỐ VỚI NGHIÊN CỨU VÀ TÔN VINH VĂN HÓA DÂN TỘC

Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (5/6/1889) thuộc thế hệ những trí thức của buổi giao thời khi nền học vấn Hán Nôm dần hết vai trò và chuyển sang nền văn hóa khoa học chữ Pháp - Quốc ngữ. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học ở Hà Nội, từ nhỏ đã được đào tạo về Hán Nôm, có một vốn kiến thức phong phú về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Lớn lên, ông học tiếng Pháp, tốt nghiệp trường Thông ngôn và sau đó làm việc tại Học viện Viễn Đông Bác cổ. Có thể nói, Nguyễn Văn Tố vừa là một trí thức Nho học, vừa là một trí thức Tây học và được xếp vào hàng “tứ kiệt” thời kỳ đó(1).

Tốt nghiệp trường Thông ngôn, tương đương với bậc trung học, Nguyễn Văn Tố được bổ về nhân viên Học viện Viễn Đông Bác cổ. Làm việc trong một trung tâm khoa học nhân văn, nơi tập trung các nhân vật danh giá bậc nhất mà số đông là người Pháp, Nguyễn Văn Tố thể hiện xuất sắc bản lĩnh, trí tuệ và cốt cách của một trí thức Việt. Là một nhân viên mới đỗ trung học bản xứ, nhưng ông đã đảm trách một nhiệm vụ quan trọng là Thư ký Tạp chí của Đông Phương Bác Cổ Học viện và từ nhân viên tạm tuyển, trở thành Chủ sự Học viện Viễn Đông Bác cổ. Vì thế, ngay cả với Nguyễn Thiệu Lâu (giáo sư trường Khải Định - Huế có 5 bằng cử nhân về khoa học xã hội), khi nhờ Nguyễn Văn Tố xem bản thảo, ông đã phát hiện ra các loại lỗi khác nhau khiến ông Lâu cũng phải tâm phục, khẩu phục. Là một trí thức thuộc địa, ở một vị thế thấp hơn rất nhiều so với người cộng sự phương Tây, nhưng đối với nhiều học giả người Tây, ngay cả với Giám đốc Học viện, ông thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của họ.

Làm việc trong Viện Hàn lâm của Chính phủ Pháp, nhưng Nguyễn Văn Tố luôn giữ thói quen là mặc bộ đồ cổ truyền: khăn xếp, áo the thâm, ô lục soạn. Nghiên cứu văn hóa phương Tây, đồng thời, ông rất say mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã viết, dịch, biên tập và hiệu đính nhiều tài liệu có giá trị về văn hóa, lịch sử. Ngoài thời gian làm việc ở công sở, ông thường viết bài in trên báo chí tiếng Việt như: Tri Tân, Đông Thanh, Thanh Nghị… và các báo tiếng Pháp về nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, khảo cổ, nghệ thuật... Ông là một trong những thành viên Hội Trí Tri và năm 1934, được bầu làm Hội trưởng thay cho Phạm Quỳnh được Bảo Đại mời vào kinh đô Huế làm Thượng thư Bộ học. Trên Tập san của Hội Trí Tri, đặc biệt trong khoảng từ 1932 đến 1936, ông đã viết nhiều bài nghiên cứu quan trọng bằng tiếng Pháp về lịch sử, khảo cổ, văn học, như “Tiền sử Bắc Kỳ”, “Nguồn gốc về chữ Quốc ngữ”, “Sử học và khảo cổ học Việt Nam”, “Bắc Kỳ vào thế kỉ XVII”… Ông đã soạn thảo được hai bộ sử học lớn là “Đại Nam dật sử” và “Sử ta so với sử Tàu”. Hai bộ sử trên đã được ông nghiên cứu khoa học, công phu, đối chiếu nhiều nguồn thư tịch; tranh luận kịch liệt với các nhà sử học Pháp, Đông Dương, để làm sáng tỏ các vấn đề với đầy đủ minh chứng một cách khoa học, cụ thể.

Trong bối cảnh thực dân Pháp đang tích cực thi hành chính sách nô dịch và áp bức về văn hóa, trong xu hướng tâm lý nhiều nhà học giả bấy giờ đề cao văn hóa phương Tây, coi thường giá trị văn hóa dân tộc; việc một học giả An Nam vẫn miệt mài nghiên cứu và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc cũng chính là sự biểu hiện tấm lòng yêu nước nồng nàn, của tinh thần đấu tranh chống nô dịch, áp bức về văn hóa. Những hoạt động ấy đã góp phần thức tỉnh, khích lệ lòng yêu nước và dấy lên yêu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc.

TÍCH CỰC THAM GIA PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG

Trong thời kỳ Mặt trận bình dân (1936-1939), Đảng chủ trương tranh thủ điều kiện đấu tranh hòa bình, hợp pháp, đưa một bộ phận ra hoạt động công khai, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ cơ bản. Thời kỳ này, nhiều sách báo bằng chữ Quốc ngữ được xuất bản, nhưng do đa số nhân dân còn mù chữ, nên việc tuyên truyền giác ngộ còn hạn chế. Vì thế, cần phải chống nạn mù chữ vừa để nâng cao dân trí, động viên, giác ngộ quần chúng làm cách mạng, vừa để vận động, tập hợp các lực lượng nhân sĩ, trí thức, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.

Nghị quyết của Trung ương Đảng tháng 9/1937 và tháng 3/1938 đều nhấn mạnh đến nhiệm vụ chống nạn thất học bằng việc mở các lớp dạy chữ, các hội đọc sách báo, hội văn hóa… và kết hợp việc chống nạn thất học với việc tuyên truyền cách mạng. Các tờ báo công khai của Đảng như Tin tức, Thế giới mới, Tiếng vang, Tân xã hội… có nhiều bài viết chống nạn thất học. Trong cuộc đấu tranh của quần chúng, khẩu hiệu chống nạn thất học đã gây được sự chú ý.

Theo chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định vận động thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ. Với tấm lòng nhiệt thành yêu nước, khi được một số đảng viên hoạt động công khai hồi đó như Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp... gợi ý, Nguyễn Văn Tố đã đồng ý và tích cực tham gia phong trào này. Giữa năm 1938, một số đảng viên cộng sản hoạt động ở Hà Nội đã cùng với một số nhân sĩ trí thức họp bàn để tiến hành một tổ chức công khai chống nạn thất học. Hội nghị cử học giả Nguyễn Văn Tố, đứng ra đảm nhận việc làm thủ tục, thành lập và làm Hội trưởng. Theo các nhà trí thức thời kỳ đó, trong số các học giả nổi tiếng thời kỳ này, học giả Nguyễn Văn Tố được chọn không chỉ vì ông là một học giả uyên thâm, có uy tín với các tầng lớp nhân dân và đối với cả thực dân Pháp, mà còn bởi ông có bản lĩnh khẳng khái, trung thành, giữ vững lập trường chính nghĩa, không sợ đế quốc đe dọa và lợi dụng.

Sau khi nhận trách nhiệm do Ban vận động giao phó, Nguyễn Văn Tố cùng các thành viên khác đã xác định rõ mục đích, tôn chỉ, tính chất và chương trình hành động của Hội. Trong quá trình vận động thành lập Hội, nhiều cuộc diễn thuyết, cổ động đã được tổ chức cùng với các hình thức viết bài đăng báo, diễu hành. Cuộc diễn thuyết cổ động lớn nhất cho Hội được tổ chức trọng thể tại Hội quán thể thao An Nam ở phố Charles Coulier (nay là phố Khúc Hạo - Hà Nội) vào tối ngày 25/5/1938, đã thu hút sự tham dự của hàng nghìn người thuộc các thành phần xã hội khác nhau gồm trí thức, thanh niên, học sinh, công chức. Học giả Nguyễn Văn Tố đã chỉ rõ tình trạng thất học của đồng bào ta lúc ấy là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của đất nước, giới thiệu về lịch sử chữ Quốc ngữ ở nước ta và mục đích, tôn chỉ của Hội Truyền bá Quốc ngữ. Cuộc diễn thuyết gây được tiếng vang lớn trong cả nước và giành được sự ủng hộ trong các giới đồng bào. Chính vì vậy, ngày 25/5, được những người hoạt động trong phong trào truyền bá Quốc ngữ lấy làm ngày chính thức đánh dấu sự ra đời của Hội. Ngoài việc mở lớp học, Hội còn xuất bản sách, lập thư viện bình dân để phổ biến những kiến thức thường thức về lịch sử, địa lý, vệ sinh, khoa học… cho nhân dân.

Trước sức ép của dư luận và hoạt động khôn khéo của Ban Trị sự lâm thời do Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng, ngày 29/7/1938, nhà cầm quyền Pháp ký giấy chính thức công nhận sự hoạt động hợp pháp của Hội.

Dưới chỉ đạo của Hội trưởng Nguyễn Văn Tố, qua bảy năm hoạt động, Hội Truyền bá Quốc ngữ đã thiết lập mạng lưới rộng khắp cả nước, đã xóa mù chữ cho hàng vạn người, góp phần nâng cao dân trí, khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân. Phong trào Truyền bá Quốc ngữ đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp xã hội mà hạt nhân là tầng lớp tiểu tư sản trí thức. Qua phong trào, nhiều người biết đến và tìm đến với cách mạng, trở thành cán bộ trung kiên của Đảng. Các hoạt động của Hội đã tác động mạnh mẽ đến phong trào quần chúng trong cuộc đấu tranh đòi các quyền lợi về dân sinh và dân chủ theo chủ trương của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ tháng 8-1939 đánh giá về hoạt động của Hội như sau: Thật là một công cụ phát triển văn hóa quan trọng nếu thực hành đúng như bản điều lệ dự định của Hội. Đảng ta gắn sức lãnh đạo quần chúng và đòi hỏi chính phủ (thực dân) phải giúp sức thực hiện (….) nên dựa vào Điều lệ của Hội đã được chuẩn y mà hoạt động.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp tiến hành khủng bố gay gắt phong trào yêu nước, nhưng cơ sở của Hội vẫn tiếp tục phát triển trên cả ba miền của đất nước. Ở Bắc Kỳ, các chi hội phát triển ở các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên… Ở Trung Kỳ, các cơ sở Hội phát triển mạnh ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế… Ở Nam Kỳ, Hội phát triển ở Cần Thơ, Bến Tre, Biên Hòa, Rạch Giá…

Có thể nói, Hội Truyền bá Quốc ngữ tồn tại một cách công khai và phát triển trước sự đàn áp của thực dân Pháp, một phần quan trọng bởi tài năng, uy tín và tài ứng xử thông minh, khôn khéo của người Hội trưởng. Với uy tín của mình, Nguyễn Văn Tố tập hợp những người có tâm huyết, tài năng, đề xuất nhiều ý kiến xác đáng để duy trì và phát triển các hoạt động của Hội. Đối với thực dân Pháp, Nguyễn Văn Tố hiểu rõ chúng chấp nhận Hội Truyền bá Quốc ngữ chẳng qua do tình hình chính trị bấy giờ, nhưng vẫn luôn tìm cách xóa bỏ, kìm hãm hoặc lợi dụng.

Vũ Đình Hòe - người cộng sự đắc lực của Nguyễn Văn Tố trong Hội kể lại: Cụ có lối nói bình dân, thái độ khiêm nhường, chân tình, dễ thương. Đi thanh tra lớp học, cụ thường lân la vào các nhà đồng bào nghèo, giục theo lớp, tiện thể hỏi han về đời sống, công việc làm ăn, được bà con quý mến lắm… Mặt khác, cụ lại khéo ngoại giao với các cụ lớn Tây, ta, sách lược khi cương, khi nhu, có tiến, có lùi, nhờ vậy, Hội nhiều phen vượt thác ghềnh suôn sẻ. Có lần, chính quyền thực dân, ngỏ ý muốn trợ cấp cho Hội, nhưng Nguyễn Văn Tố đã khước từ khéo: Từ trước tới nay, chúng tôi vẫn nói với đồng bào chúng tôi là vì Nhà nước bảo hộ đã phải chịu gánh nặng về giáo dục mà không xuể, dân cần góp của, góp công vào Hội để Hội mở thêm lớp dạy cho người mù chữ. Nếu bây giờ chúng tôi nhận trợ cấp thì đồng bào chúng tôi không giúp đỡ nữa, ỷ lại, cho rằng, đã có Nhà nước. Đồng thời, những người giúp việc cho Hội, trước hết là các giáo viên sẽ nghĩ rằng Hội được công quỹ đảm bảo chi tiêu thì phải trả lương cho họ. Chừng ấy trợ cấp bao nhiêu thì cũng không đủ. Hai điều đó sẽ làm cho Hội tê liệt. Nhờ sự khôn khéo, sắc sảo ấy, Nguyễn Văn Tố đã làm thất bại âm mưu mua chuộc và lợi dụng của chúng; đồng thời, không tạo cho Pháp cớ cần thiết để có thể đàn áp hoạt động và ngăn cản của Hội.

ĐẢM NHẬN TRỌNG TRÁCH CỦA CHÍNH QUYỀN MỚI

Cách mạng Tháng Tám thành công, nể trọng tài năng và cảm phục tấm lòng yêu nước của Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội với công việc cấp bách là chống giặc đói và giặc dốt - cùng với chống giặc ngoại xâm là ba nhiệm vụ trung tâm và hàng đầu của chính quyền cách mạng bấy giờ.

Chân dung cụ Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947). (Nguồn ảnh: Internet)

Chân dung cụ Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947). (Nguồn ảnh: Internet)

Để giải quyết nạn dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh lập ngành Bình dân học vụ. Góp phần công việc trọng đại này, Nguyễn Văn Tố đã chủ động bàn với Ban trị sự về việc chuyển tổ chức cùng toàn bộ tài sản vật chất và những kinh nghiệm của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ sang ngành Bình dân học vụ. Có điều kiện thuận lợi ấy, Bộ Giáo dục đã mở Hội nghị toàn quốc Bình dân học vụ, phát động và phát triển phong trào bình dân học vụ. Nhờ vậy, hơn hai triệu người đã được xóa nạn mù chữ trong một thời gian ngắn.

Thời gian đầu sau khi giành chính quyền, trong bối cảnh đất nước cực kỳ khó khăn, thù trong giặc ngoài, công việc chính quyền mới rất nặng nề, khẩn trương, nhưng chưa bao giờ có thể làm nhụt ý chí và tấm lòng nhiệt thành yêu nước của nhà trí thức Nguyễn Văn Tố. Nguyễn Thiệu Lâu nhớ lại, khi đến gặp Nguyễn Văn Tố, có phàn nàn “công việc đã nhiều lại khó, nhân viên đã ít lại kém”, Nguyễn Văn Tố trả lời: Chưa làm được gì đã nản rồi. Công việc không có ta phải bới ra mà làm và dù có khó đến đâu ta cũng phải có một giải quyết mà tự ta định đoạt… Chúng ta trước nay chỉ là những anh mọt sách, bây giờ có công việc cho quốc gia dù công việc nhiều khó như thế nào cũng phải cố mà làm.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (tháng 1/1946), bầu Quốc hội khoá I, Nguyễn Văn Tố đã trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách là đại biểu của Nam Định. Tiếp đó, tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội (2/3/1946), với tài năng, uy tín, đức độ của mình, ông đã được Quốc hội bầu là Trưởng Ban Thường trực đầu tiên của Quốc hội - chức danh tương đương như Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên cương vị là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban nhanh chóng bắt tay vào củng cố nhà nước, xây dựng nền dân chủ, thống nhất dân tộc, sẵn sàng kháng chiến trong toàn quốc. Để có một Chính phủ hợp pháp và có hiệu lực mạnh mẽ, Quốc hội đã công nhận và trao quyền bính cho Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Bên cạnh đó, trong tình thế cấp bách, thù trong giặc ngoài để vừa giải nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng một cách khẩn trương, nhanh chóng vừa đảm bảo vai trò Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, nên trong nhiều phiên họp thường kỳ hoặc đặc biệt của Hội đồng Chính phủ có sự tham dự và góp ý của Nguyễn Văn Tố với tư cách Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Cùng với Ban Thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ, Cụ Nguyễn Văn Tố đã bàn bạc, đi đến thống nhất quyết định một số chủ trương đối nội và đối ngoại như thực hiện đoàn kết dân tộc, xây dựng mặt trận quốc gia liên hiệp và thống nhất để chống xâm lăng, giữ vững chính quyền, kiến thiết đất nước và thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện với các nước trên thế giới; nhất trí quyết định sẽ ký Hiệp định sơ bộ với Pháp theo các điều kiện đã được thỏa thuận; xúc tiến thêm các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ với Trung Hoa và Pháp.

Sau hơn 8 tháng kể từ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, để tiếp tục phát triển thành quả của cách mạng và đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, theo yêu cầu của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã triệu tập Quốc hội họp kỳ thứ hai tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 28-10 đến 9/11/1946. Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đọc diễn văn khai mạc khẳng định những kết quả đạt được của Chính phủ và Quốc hội trong 8 tháng đã qua; trả lời các câu hỏi của các đại biểu. Tại cuộc họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nhiều Nghị quyết về nội trị, ngoại giao, biểu quyết tán thành danh sách Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra trình diện trước Quốc hội, thảo luận và thông qua dự án Luật lao động. Đặc biệt, ngày 9/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một bản Hiến pháp dân chủ, khẳng định quyền dân tộc độc lập, thống nhất lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ đất nước của toàn dân, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa. Cùng ngày, Quốc hội đã bầu Ban thường trực tại kỳ họp thứ hai gồm 18 vị do cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng Ban.

Hoàn thành xuất sắc trọng trách là Trưởng Ban Thường vụ Quốc hội, khi kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Văn Tố lên chiến khu với tư cách là một Bộ trưởng không Bộ. Bằng nhiều hoạt động cụ thể, Nguyễn Văn Tố góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến” của Đảng và Nhà nước. Những ngày sơ tán, sống với đồng bào Việt Bắc, ông đã sống chan hòa, gắn bó và thật sự hòa mình với quần chúng, với phong trào cách mạng.

Cụ Nguyễn Văn Tố trong bữa tiệc hằng năm của Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Trong ảnh: Cụ Nguyễn Văn Tố mặc áo dài đen (hàng trên cùng, thứ bảy từ trái sang). Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Cụ Nguyễn Văn Tố trong bữa tiệc hằng năm của Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Trong ảnh: Cụ Nguyễn Văn Tố mặc áo dài đen (hàng trên cùng, thứ bảy từ trái sang). Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Ngày 7/10/1946, giặc Pháp tiến hành một trận tập kích bằng quân dù đổ bộ xuống Bắc Kạn hòng bắt sống, hoặc tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý đồ của Pháp thất bại, các nhà lãnh đạo chủ chốt của cuộc kháng chiến đã rút lui an toàn. Riêng Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố sa vào tay giặc. Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại rằng: quân Pháp đã bắt được một cụ già trông chững chạc, khảng khái trực tiếp bằng tiếng Pháp yêu cầu Chính phủ Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược. Khi biết rõ cụ Nguyễn Văn Tố là một nhân sỹ nổi tiếng, quân Pháp đã dùng mọi cách dụ dỗ, mua chuộc nhưng không lay chuyển được Cụ. Chúng đã tra tấn Cụ vô cùng tàn bạo, thậm chí đóng cả đinh vào người, để buộc Cụ kêu gọi những chiến sỹ Việt Minh ra hàng..., nhưng không lay chuyển ý chí của Cụ. Bất lực, quân địch đã thủ tiêu Cụ ở một cửa hang đá tại một vùng thuộc Bạch Thông, Bắc Cạn. Cụ Tố hy sinh là một tổn thất cho cách mạng Việt Nam.

“Ngàn thu sẽ vẻ vang, bất diệt” là lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong lời điếu nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố. Tấm gương nhà trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tố sẽ luôn là biểu trưng cao đẹp của trí thức Việt Nam nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
--------------

(1) Tứ danh kiệt là Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn (tức là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố và Phạm Duy Tốn).

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất