|
Chỉ số cạnh tranh CNTT toàn cầu 2008 dùng nhiều số liệu cũ từ năm 2004, 2005 và 2006 để đánh giá. | |
|
Chỉ số này do Cơ quan thông tin kinh tế (EIU) thực hiện theo đặt hàng của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) vừa được công bố, xếp hạng Việt Nam đứng thứ 61/66 quốc gia được đánh giá. Trong tổng số 6 nhóm tiêu chí của Việt Nam, có tới 4 nhóm tiêu chí tụt hạng, một nhóm tiêu chí giữ nguyên và chỉ có một tiêu chí tăng hạng (nguồn nhân lực). Đáng chú ý là nhóm tiêu chí về môi trường nghiên cứu và phát triển đã giảm tới 9 bậc.
Sức cạnh tranh 2008 hay 2004 - 2007?
Đây là năm thứ hai EIU công bố chỉ số này. Năm ngoái, sau khi công bố chỉ số này với kết quả Việt Nam xếp hạng 61/64 quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ TT&TT giải trình về kết quả nghiên cứu này.
So với năm ngoái, chỉ số năm nay bổ sung thêm hai quốc gia là Croatia và Bangladest, còn cách tính vẫn giữ nguyên. Cụ thể, chỉ số này được xây dựng trên 6 tiêu chí gồm 25 chỉ tiêu, trong đó gồm 12 chỉ tiêu định lượng và 13 chỉ tiêu định tính. Các tiêu chí định lượng được bình quân theo dân số. Sau đó, cả chỉ tiêu định tính và định lượng đều được chấm theo thang điểm từ 0-5. Trong mỗi nhóm tiêu chí, các chỉ tiêu được xếp theo trọng số khác nhau và chuẩn hóa lại theo thang điểm 0-100 để tính chỉ số của mỗi nhóm. Chỉ số cuối cùng được lấy trung bình từ 6 tiêu chí nói trên.
Theo báo cáo đầy đủ của EIU, 12 chỉ tiêu định lượng được đánh giá trên số liệu từ các tổ chức nghiên cứu IDC, ITU, WB, ILO, Unesco, Pyramid Research, Netcraft và OECD. Tuy nhiên, đó đều là các số liệu cũ từ các năm 2004, 2005, 2006 và mới nhất là 2007. Trong số 12 chỉ tiêu định lượng, có 6 chỉ tiêu lấy số liệu từ năm 2004-2005, 2 chỉ tiêu từ số liệu của năm 2006 và 4 chỉ tiêu số liệu năm 2007.
Như vậy, có thể thấy báo cáo thực trạng cạnh tranh CNTT năm 2008 nhưng thực chất là đánh giá cho giai đoạn 2004-2007.
Hơn nữa, nhìn vào bảng chỉ số này có thể thấy có sự tương quan giữa thu nhập bình quân đầu người (GDP) và khả năng cạnh tranh CNTT quốc gia. Khi so Việt Nam với các nước xếp hạng cao trong chỉ số này có sự chênh lệch rất lớn về GDP. Trong số 20 nước đứng đầu chỉ số này, đa số là những quốc gia phát triển của châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước châu Á có ngành công nghiệp CNTT rất phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Đặc biệt, việc áp dụng trọng số cao cho các chỉ tiêu liên quan đến nền kinh tế tri thức và công nghệ vững mạnh là lý do khiến các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khó có thể nâng cao trong chỉ số này. Ví dụ, nhóm tiêu chí "Cơ sở hạ tầng CNTT" có chỉ tiêu "số máy tính/100 dân" với trọng số tới 60%; nhóm tiêu chí "Môi trường nghiên cứu và phát triển" có chỉ tiêu "số bằng sáng đăng ký trên mỗi 100 dân hàng năm" với trọng số tới 65%.
Lộ diện những điểm yếu
Mặc dù còn nhiều điều cần bàn về cách tính và số liệu đánh giá trong nghiên cứu này, vì vậy, thứ hạng có thể không phải là quan trọng, nhưng kết quả nghiên cứu này là lời cảnh tỉnh hữu ích với Việt Nam.
Nhìn vào chỉ số vừa công bố, tiêu chí cơ sở hạ tầng CNTT của Việt Nam giảm một bậc so với năm ngoái nhưng đáng ngại là những tiêu chí cơ bản như tỷ lệ băng rộng (chỉ đạt 0,8 điểm trong thang điểm 100), số lượng máy tính (1,4 máy tính/100 dân) của Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với thế giới.
Tiêu chí nguồn nhân lực tăng ba bậc, nhưng chất lượng nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của các công ty, 10 ứng viên xin việc chỉ tuyển được 1 người. Điều này, theo EIU, sẽ khiến cho chi phí lương nhân lực CNTT của Việt Nam gia tăng nhanh, qua đó làm giảm sức cạnh tranh và sức hút đầu tư, nhất là trong hoạt động gia công phần mềm.
Đặc biệt đáng lo ngại nhất là tiêu chí về nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam chỉ đạt 0,1 điểm trong thang điểm 100. Phải chăng Việt Nam không quan tâm đến R&D trong lĩnh vực CNTT?
Về chính sách, theo ông Ngô Khánh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), từ lâu Chính phủ đã rất quan tâm tới R&D trong lĩnh vực CNTT, cụ thể như việc ra đời các khu công nghệ cao, cung cấp các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này không hiệu quả.
Ông Sơn cho rằng muốn phát triển R&D đòi hỏi phải tập trung cả hai yếu tố tài chính và con người. Trong khi đó, các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ và vừa không đủ tiềm lực để đầu tư cho R&D. Hầu hết doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức đưa ra các giải pháp và sáng kiến hữu ích chỉ đủ để duy trì sự phát triển ngắn hạn, chứ chưa có khả năng nghiên cứu ra bằng sáng chế hay phát minh độc quyền trong lĩnh vực CNTT để tạo sự phát triển bền vững.
Để thúc đẩy R&D trong lĩnh vực CNTT, theo ông Sơn, Chính phủ cần có cơ chế cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và có ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này. Để tránh các doanh nghiệp lợi dụng những ưu đãi này, Chính phủ có thể áp dụng hình thức hậu kiểm qua hệ thống thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
(Theo ICTnews)