Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 24/1/2011 21:41'(GMT+7)

Tâm huyết của kiều bào với quê hương

Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, Việt kiều Canada gây bất ngờ với bạn bè, người thân bằng việc quyết định trở về quê hương sống và đảm nhận cương vị Giám đốc chiến lược cho FPT – Việt Nam, trong lúc sự nghiệp của anh đang có nhiều thăng tiến. Anh từng giữ chức vụ Giám đốc chất lượng, quản lý hơn 40 nhà máy của một tập đoàn điện tử lớn của Pháp. Anh cho biết, tôi chỉ mất 1 tháng để quyết định chuyển cả gia đình về Việt Nam, bởi tôi nhận thấy ở đây mới có nhiều cơ hội để mình phát triển nghề nghiệp, cống hiến cho đất nước. Anh chân thành tâm sự: “Ở nước Việt Nam đã có người rất giàu, đi chiếc xe Rolls - Royce sang trọng. Nhưng nhìn chung, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, người dân còn rất khổ, hầu hết các công nghệ đang ở giai đoạn gia công giá rẻ”. Tuy nhiên, chúng ta lại có nhiều tiềm năng để phát triển. Bằng những kinh nghiệm có được ở nước ngoài, anh Thái Hòa mong muốn sẽ là cầu nối giúp các bạn trẻ vững tin hơn trong sự nghiệp, góp phần sức lực của mình để giúp cho đất nước phát triển.


Đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long, hình ảnh Tiến sĩ khoa học nông nghiệp Đỗ Ngọc Quỳnh, mà họ hay gọi với cái tên thân thuộc “tiến sĩ  biogas” lại chọn cho mình một hướng đi khác. Tuổi thơ lam lũ với ruộng đồng, ông có một ý chí kiên cường của một người nông dân muốn vươn lên để thay đổi cuộc đời. Bằng khả năng vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa, ông được cử đi học tại Cộng hòa Liên Bang Đức. Tốt nghiệp đại học, tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh ở lại quốc gia này công tác. Sau 20 sinh sống, làm việc ở xứ người, năm 1985, ông Quỳnh quyết định trở về nước cùng vợ và hai con và được nhận công tác tại trường Đại học Cần Thơ. Ông tâm sự “xuất thân từ người nông dân, nên tôi rất hiểu và đồng cảm với họ, người nông dân luôn mộc mạc, chân chất, họ cũng có đời sống cực khổ. Do vậy, trong tôi luôn mong muốn làm gì để giúp đỡ họ cải thiện cuộc sống”. Ông Quỳnh cho biết, hồi đó các khu vực ven sông ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cây lục bình để xây dựng biogas. Lúc này, trong đầu tôi cũng đã có ý tưởng về mô hình này nhưng ngặt nỗi lại thiếu kinh phí để thực hiện. Một may mắn đến với ông và người nông dân là sau chuyến khảo sát của đoàn công tác Chính phủ Luxembourg, đoàn này đã quyết định chọn tỉnh Hậu Giang làm nơi thí đi điểm, họ phối hợp với nhóm nghiên cứu trường Đại học Cần Thơ do tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh chủ trì để thực hiện. Với 18 hộ dân nghèo ban đầu được dự án hỗ trợ làm thí điểm, đến bây giờ mô hình VACB (vườn, ao, chuồng, biogas) đã được nhân rộng ra toàn tỉnh và phổ biến ở khắp các tỉnh ĐBSCL. Hầu hết mô hình này đã phát huy hiệu quả rất lớn, giúp cho người nông dân tiết kiệm được năng lượng, thời gian làm việc mà còn hỗ trợ liên hoàn trong sản xuất. Mô hình biogas của tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hiện nay, tuy đã về hưu nhưng ông vẫn sẵn sàng đi đến tận nhà các hộ gia đình để tư vấn và hướng dẫn cách xây dựng công trình hữu ích này.

Theo bà Lương Bạch Vân - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, “hiện nay có rất nhiều kiều bào ta muốn về nước đầu tư làm ăn sinh sống nhưng họ chưa biết được bắt đầu từ đâu và với ai bởi còn thiếu thông tin”. Phần lớn kiều bào mong muốn Nhà nước ta sớm đưa ra được những chính sách đãi ngộ mạnh mẽ để thu hút họ về quê góp sức cùng đất nước.

...Hiện Việt Nam có trên 3.000 kiều bào về nước đầu tư với tổng số vốn đăng ký hàng tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư do Việt Kiều thực hiện rất hiệu quả, chẳng hạn như: Dự án Khu du lịch và giải trí Vinpearl Land (Đảo Hòn Tre - Nha Trang), dự án Thành phố Sáng tạo tại Phú Yên, dự án khu giải trí đa năng Saigon Atlantic do Tập đoàn Winvest LLC của Hoa Kỳ đầu tư đã trở thành dự án có quy mô tăng vốn lớn nhất.

Ước tỉnh tổng thu nhập của của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể lên tới 40 tỷ USD/năm, bằng gần 1 nửa thu nhập của cả nước ta. Đầu tư của kiều bào về nước cũng chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 7- 8% thu nhập trong nước).


Theo Quốc Định/Đại đoàn kết.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất