Thứ Sáu, 22/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Hai, 27/8/2018 21:12'(GMT+7)

Tầm quan trọng và lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh

Đồng chí Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh DP)

Đồng chí Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh DP)

Sáng ngày 27/8/2018, tại Thành phố Thanh Hóa, Tổng cục Dân số - KHHGĐ phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa, tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về tầm quan trọng, lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

Dự hội thảo có đồng chí Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ một số tỉnh; các bệnh viện, cán bộ dân số, cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh, các cơ quan báo chí trung ương, tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ khẳng định: Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, ngành Dân số tập trung nâng cao sức khỏe, thể chất trong nhân dân. Chất lượng dân số mặc dù được cải thiện nhưng nhìn chung còn thấp, đặc biệt thể lực của người Việt Nam còn thấp kém so với các nước trong khu vực; tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi còn cao, trẻ thừa cân, rối loạn tâm lý, tự kỷ, tiểu đường có xu hướng gia tăng, đặc biệt về sức khỏe sinh sản, tai biến sản khoa, mỗi năm có từ 1,5-3% trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh mới sinh.

Từ năm 2000, Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em (Nay là Tổng cục Dân số - KHHGĐ) thí điểm việc tầm soát, chẩn đoán bệnh, tật trước sinh, sơ sinh và xây dựng thành đề án triển khai ở cấp quốc gia. Đến năm 2013, đề án triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, thành lập thêm Trung tâm khu vực tại Bệnh viện đa khoa Thành phố Cần Thơ. Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong bào thai và sơ sinh; giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất, trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng. Việc triển khai đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh là cách tiếp cận đúng hướng, thiết thực đem lại các kết quả quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

Đồng chí Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ nhấn mạnh: Để phấn đấu đến năm 2030, duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất bốn loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất năm bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Y tế đã lấy chủ đề “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số”, cho Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm 2017.

Trong đó, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương tiếp tục đổi mới toàn diện, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông, phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ, các loại hình cung cấp dịch vụ ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục triển khai hiệu quả đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại các địa phương; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ, nhất là đối với các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu so với các nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam triển khai muộn hơn nhiều năm do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau gần haii năm, việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh ở trẻ đã được triển khai tại 9.547 xã, phường, thị trấn và tại 634 quận, huyện của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngành y tế thành lập được sáu trung tâm sàng lọc trên cả nước. Các trung tâm bảo đảm cung cấp các dịch vụ này cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại tuyến quận, huyện, phụ nữ mang thai có thể đến Trung tâm Dân số - KHHGĐ để tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật của thai nhi. Nhờ vậy, đến nay đã có 25% số bà mẹ mang thai và 35% số trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị một số bệnh thường mắc ở trẻ bị bệnh tật bẩm sinh. Đồng chí Lê Cảnh Nhạc nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đã cung cấp thông tin về tầm quan trọng của tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; một số bệnh di truyền, thalassemia (tan máu bẩm sinh).

Từ đó, góp phần giúp những người hoạt động trong lĩnh vực dân số, các cơ quan truyền thông nắm bắt về thực trạng, vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh nói riêng đến các tầng lớp nhân dân, giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước sinh và sơ sinh, tham gia thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất