Ngày 24.7, tại Hà Nội, Tổ chức Plan International Việt Nam, Sở Giáo dục
và Đào tạo tỉnh Gia Lai và Đại sứ quán New Zealand đã tổ chức Hội thảo
tổng kết dự án Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Gia Lai.
Dự án Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Gia Lai được Sở Giáo dục và Đào
tạo tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Plan International Việt Nam và Chương
trình viện trợ New Zealand triển khai từ năm 2012 – 2018, với nguồn tài
trợ là 7,2 triệu USD. Dự án hướng tới các mục tiêu phát triển cho trẻ em
dân tộc thiểu số trong độ tuổi 0 - 8. Trong 6 năm triển khai, dự án đã
tác động tới gần 162.000 trẻ em, 10.000 giáo viên/cán bộ quản lý các
trường mầm non và tiểu học cùng các gia đình và cộng đồng. Theo lộ
trình, dự án sẽ kết thúc vào tháng 10.2018.
Quyền Giám đốc Quốc gia Tổ chức Plan
International Việt Nam Phạm Thu Ba chia sẻ, ngoài việc cải thiện điều
kiện phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt từ những năm đầu tiên (độ tuổi 0 -
3), thông qua các hỗ trợ nâng cao dựa vào cộng đồng, các sáng kiến phát
triển trẻ thơ; cải thiện quá trình chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học
cho trẻ em dân tộc thiểu số độ tuổi 6 - 8 thông qua môi trường học tập
khuyến khích sự phát triển và các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp…
thì dự án cũng đã thành công trong việc nhân rộng một số mô hình giáo
dục ra toàn tỉnh. Cụ thể, Chương trình giáo dục cha mẹ được Hội Phụ nữ
tỉnh Gia Lai lồng ghép vào hoạt động nhóm phụ nữ ở 1.605 thôn/làng,
thuộc 222 xã phường, tiếp cận hơn 96.000 ông bố/bà mẹ và hơn 32.000 trẻ
em tuổi từ 0 - 8; các mô hình can thiệp ở bậc giáo dục mầm non; bậc tiểu
học…
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ
New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews cho biết thêm, đã có 90% các cha
mẹ đã biết phương pháp nuôi dạy tích cực cho trẻ từ 0 - 3 tuổi. Đây là
nhờ sự phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai trong việc thiết
lập chương trình tập huấn dành cho cha mẹ, có khả năng thực hiện kể cả ở
những địa bàn vùng xa, sâu nhất; 18 trường mầm non đã được xây dựng,
cùng với sự tham gia của hộ gia đình đã giúp cho tỷ lệ nhập học tại các
trường mầm non tăng từ 65% lên 98%. Từ đó, các em có nền tảng giáo dục
tốt hơn khi chuyển tiếp lên tiểu học, kết quả học tập trong các môn toán
học và văn học đã được cải thiện đáng kể.
Từ
những con số nêu trên, cũng với những chuyển động ghi nhận được trong
công tác giáo dục từ mầm non đến tiểu học ở một tỉnh còn nhiều khó khăn,
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Bùi Khoa Nghi khẳng
định, sự đầu tư này đã đem lại những lợi ích lâu dài về sức khỏe thể
chất và tinh thần, kiến thức và sự tự tin của các em. Đồng thời, cả xã
hội cũng hưởng lợi khi năng suất lao động tăng lên, và các mối nguy hại,
chi phí y tế giảm đi. Hiện nay, cộng đồng Gia Lai đã am hiểu bộ công cụ
tập huấn này, chúng đang được áp dụng rộng rãi trên toàn tỉnh. /.
Theo daibieunhandan.vn